ClockChủ Nhật, 12/04/2020 14:16

Startup & phép thử COVID-19

TTH - “Nhiều startup Huế đang nỗ lực để hỗ trợ cộng đồng, liên kết để vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19”- Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Huế Nguyễn Văn Thanh Bình thông tin.

Đề xuất tăng gói hỗ trợ gia hạn thuế do dịch Covid-19 lên 180.000 tỷ đồngNắm bắt khó khăn của doanh nghiệpDoanh nghiệp thời COVID-19: Bài toán về sự thích nghi

Nông trại Giáo dục Hoa Sen không thể hoạt động do ảnh hưởng COVID-19

Cầm cự

Cuối năm 2019, cộng đồng startup ở Huế hừng hực khí thế. Lần đầu tiên Thừa Thiên Huế tổ chức phiên kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp – Pitching trong khuôn khổ Hội thảo DN đổi mới sáng tạo hướng đến phát triển bền vững (24/11), với sự tham gia thuyết trình gọi vốn của 12/30 dự án khởi nghiệp xuất sắc. Nhiều dự án đã gọi được vốn từ các nhà đầu tư “thiên thần”, sự hỗ trợ từ các tổ chức, tập đoàn hứa hẹn tiềm năng “sáng” cho các startup.

Những gì diễn ra với COVID-19 đã làm cho bức tranh khởi nghiệp 2020 khởi động không còn màu hồng. Cùng với du lịch, giáo dục đang là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. CEO Nông trại Giáo dục Hoa Sen - Văn Công Hùng thừa nhận, không có học viên nên nông trại không thể hoạt động và chưa biết khi nào mới mở lại vì dịch vẫn đang lan rộng.

Dạy trực tuyến để thích ứng với thời dịch bệnh

Trước đó, Hùng cùng các cộng sự xây dựng mô hình giáo dục hướng đến việc rèn luyện các kỹ năng sống thông qua hoạt động dã ngoại, trò chơi ngoài trời, từng thu hút rất đông học viên là học sinh, phụ huynh cùng tham gia.

“Khi đầu tư, mô hình nông trại dành cho giáo dục nên bây giờ muốn chuyển hướng sang trồng trọt, chăn nuôi phải cần nhiều thời gian và đầu tư kinh phí lớn. Hơn 400 triệu đồng vốn vay ngân hàng cách đây 3 năm hiện vẫn chưa trả được nên muốn tái đầu tư là rất khó”, Hùng nói.

Để tìm giải pháp tồn tại trong mùa dịch, CEO Văn Công Hùng kêu gọi đầu tư cây ăn trái tại nông trại của mình. Với phương án mua một lần thu hoạch từ 10-15 năm, nông trại sẽ phụ trách trồng cây, chăm sóc; nhà đầu tư mua cây và nhận nông sản hàng năm cho đến hết thời gian thu hoạch. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Xây dựng các video dạy trực tuyến về pha chế ở Coffeeholic

Hùng cho biết, với tình hình dịch kéo dài, công ty vẫn cầm cự được trong năm. Hy vọng sau đó, dịch bệnh sẽ khép lại để có thể bắt đầu hoạt động. Nhưng nếu ảnh hưởng sang đến 2021, có khi phải “thả tay”.

Giám đốc Công ty TNHH Thương hiệu và Đồng phục Lion Nguyễn Văn Thanh Bình cho hay, mảng kinh doanh của công ty “ăn theo” DN. Trước đó, công ty đã xây dựng phương án kinh doanh cho từng quý, năm nhưng COVID-19 ập đến đã phá hỏng tất cả. DN chuyển sang hoạt động online. Kế hoạch ứng phó được triển khai: tranh thủ “ngủ đông”, công ty có thời gian để rèn luyện nhân sự, hoàn thiện hệ thống, bảo mật, chuyển hướng sản phẩm ngắn hạn…

“Trước mắt, vẫn trả 50% lương cơ bản cho nhân viên; duy trì nhân sự ổn định và các phúc lợi khác. Rất may nhân viên vẫn thông cảm cho chủ DN”, Thanh Bình chia sẻ.

CEO của Lion cho rằng, bài toán chi phí duy trì công ty, trả lương cho nhân sự trong giai đoạn này sẽ thấp hơn chi phí tuyển dụng, đào tạo mới sau dịch nếu sa thải họ.

Thay đổi để tồn tại

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Trần Đức Minh, COVID-19 là phép thử đối với các DN khởi nghiệp để biết sức khoẻ của họ như thế nào. Mức độ phản ứng ra sao với khủng hoảng. Từ đó, các startup có thể thấy rõ điểm mạnh, yếu, thách thức và cả cơ hội, chọn được thị trường tốt hơn, tìm con đường đi phù hợp, dù khó khăn.

Giám đốc Công ty Coffeeholic Nguyễn Thị Như Mai nói: “Mình đang xây dựng các video dạy trực tuyến về pha chế. Đối tượng học là các chủ quán cà phê. Họ đã có cơ sở vật chất, nguyên liệu sẵn. Khi học, cả thầy và trò cùng thực hành trực tuyến và học viên có thể lựa chọn chuyên đề phù hợp”.

Như vậy, người học có thể tiết kiệm chi phí cũng như có thời gian tập trung học thành thạo nhanh hơn. Chủ quán cũng dễ dàng làm mới menu, thay đổi phong cách phục vụ để “hút” khách khi hàng quán hoạt động trở lại.

Lấy công nghệ làm nền tảng, Mai còn bán online các sản phẩm mới lạ do mình trực tiếp làm, thử nghiệm. Từ cà phê ủ lạnh, đóng chai, mứt gừng sấy dẻo, chè bắp sấy đến cánh gà tẩm ướp sấy; bột thịt, cá, tôm nguyên chất cho trẻ ăn dặm cũng chuẩn bị đưa ra thị trường.

Mai cho biết, thời gian ở nhà dài nên nhu cầu mua thực phẩm online tăng mạnh. Bằng cách tăng dung tích, giảm giá thành, các sản phẩm của công ty vẫn được khách hàng đặt mua nhiệt tình.

CEO Ata Global Võ Hà Nhi cảm thấy may mắn vì khi khởi nghiệp đã không “liều” vay vốn từ ngân hàng nên giờ không chịu áp lực trả lãi.

“Tuy giảm 30% khách hàng, nhưng bù lại Ata bán được phần mềm kế toán do công ty xây dựng cho các DN, đồng thời, việc nhiều DN cắt giảm bộ phận kế toán cũng góp phần tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán của Ata nhiều hơn”, Hà Nhi nói.

Để hỗ trợ khách hàng, Hà Nhi còn giảm 20-30% phí dịch vụ cho DN đã ký hợp đồng nhưng nay gặp khó khăn, tặng 50% phí dịch vụ tháng 4 cho các tổ chức để ủng hộ ngân sách nhà nước…

Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Huế Nguyễn Văn Thanh Bình cho biết, nhiều startup Huế đang nỗ lực để hỗ trợ cộng đồng, liên kết để vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. Như các DN ẩm thực liên kết với startup chuyên về truyền thông để xây dựng website bán hàng online, quay video sản phẩm quảng bá tạo thành chuỗi hỗ trợ. DN nông sản kết nối đầu ra cho nông dân cũng như phân phối sản phẩm trên nền tảng công nghệ.

“CLB cũng tìm cách kết nối các startup, làm cầu nối để DN hợp tác, sử dụng chung nguồn lực, tiêu dùng sản phẩm cho nhau hay các DN về đào tạo sẽ hỗ trợ cộng đồng Startup các khoá đào tạo online để nâng cao kỹ năng cho DN”, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Huế thông tin.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh
Return to top