Phiên chợ giới thiệu sản phẩm của các startup Huế
Tìm cơ trong nguy
COVID-19 ập đến khiến nhiều start-up vừa “chân ướt chân ráo” ra thị trường phải phá sản, thu hẹp quy mô hoạt động hoặc sáp nhập với đối thủ để tìm hướng “vượt bão”. Với các start-up chưa có sản phẩm hình thành, mới là ý tưởng và đang trong quá trình xây dựng cũng bị ảnh hưởng từ đại dịch.
“Chào sân” thị trường từ tháng 10/2019, chuỗi cửa hàng thực phẩm Yum Food của Phan Văn Hiền với mục tiêu kinh doanh “đưa sản phẩm từ nông trại đến người tiêu dùng” hứng chịu nhiều khó khăn từ đại dịch. Tuy vậy, Hiền thú nhận “mình khá may mắn” so với các startup khác. Việc chọn kinh doanh sản phẩm “an toàn, có nguồn gốc rõ ràng” nên Yum Food khá được lòng khách hàng. Ngoài sản xuất, cung cấp thịt từ nông trại của Yum Food (ở Lộc Tiến, Phú Lộc), Hiền còn liên kết với các nông trại địa phương và cơ sở sản xuất rau củ quả trồng thuỷ canh đạt tiêu chuẩn VietGAP (ở Đà Lạt), Yum Food còn kinh doanh các sản phẩm khô và hàng đặc sản.
Sách song ngữ tích hợp công nghệ của LISC
Theo lời ông chủ trẻ Phan Văn Hiền, COVID-19 như “liều thuốc thử” để biết phản ứng của DN khi đối mặt với thách thức do cạnh tranh khốc liệt, khách hàng thu hẹp nhưng bù lại, “mình có cơ hội khẳng định sản phẩm về giá và chất lượng”. Giải pháp vượt qua khủng hoảng của Hiền là tinh gọn với chi phí vận hành thấp nhất, tập trung khách hành chủ lực để có doanh số ổn định và luôn thay đổi chính mình để cho ra sản phẩm tốt, chất lượng, thu hút thêm nhiều khách hàng.
Ngay sau dịch COVID-19 lần 1, Hiền đầu tư mở thêm 2 cơ sở kinh doanh cơm văn phòng sử dụng nguyên liệu Yum Food cung cấp để chế biến nên mô hình cơm văn phòng của Yum Food được các DN đặt hàng cung cấp dài hạn. Tìm được hướng đi phù hợp, sắp tới “Yum Food tiếp tục tập trung vào chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngày càng phát triển”, Phan Văn Hiền cho hay.
Thành lập từ 2018, cuối 2019, startup Vườn ươm thủ lĩnh LISC tham gia phiên gọi vốn đầu tư trực tiếp – Pitching trong khuôn khổ hội thảo DN đổi mới sáng tạo hướng đến phát triển bền vững và là 1/12 dự án khởi nghiệp xuất sắc gọi vốn thành công.
Kêu gọi được nhà đầu tư (hỗ trợ về công nghệ), hợp đồng với DN cũng đã ký nhưng dự án huấn luyện đào tạo tiếng Anh cho DN của LISC không thể triển khai do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chỉ có khoá huấn luyện tiếng Anh mà đơn vị ký kết trước đó với Trung tâm Khởi nghiệp Đại học Huế vẫn tiến hành và chuyển sang hình thức online.
LISC tổ chức hoạt động truyền cảm hứng về văn hóa đọc cho học sinh tại Phú Mậu
Loay hoay tìm lối ra, “LISC quyết định tái cấu trúc ngay thời điểm có dịch, cắt giảm nhiều chi phí gián tiếp, đồng thời chuyển qua đầu tư, ứng dụng công nghệ, chọn lọc lại những nền tảng kinh doanh lõi”. Founder và CEO của LISC Trần Thị Thu Thuỷ ấp ủ ý tưởng xuất bản sách song ngữ tiếng Anh theo chủ đề có tích hợp công nghệ và cùng team bắt tay thực hiện.
6 tháng từ khi hình thành ý tưởng, lên kịch bản, tìm hoạ sĩ về “một nhà”… mới đây, sản phẩm đầu tay của LISC – sách song ngữ Anh Việt “Coming home – Về nhà” có tích hợp công nghệ 4.0 (dành cho đối tượng trẻ em từ 5-10 tuổi) ra mắt độc giả. CEO LISC Trần Thị Thu Thuỷ hồ hởi: Sản phẩm đầu tay của LISC được sự đồng hành của Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh- HueIDS, sách được Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản 1.000 bản và đã có đối tác đặt mua.
Chủ động vượt khó
Theo kết quả khảo sát DN về tình hình dịch COVID-19, có nhiều DN tư duy tích cực bằng cách phản ứng chủ động và sáng tạo, với hơn 7% tích cực tìm thị trường mới, 2,4% nâng cao chất lượng phục vụ và 1,7% DN tranh thủ thời gian đào tạo lại nhân viên. Phó Chủ tịch CLB Xúc tiến thương mại và đầu tư doanh nhân trẻ Việt Nam (phụ trách miền Trung), Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Huế Nguyễn Văn Thanh Bình chia sẻ, nguồn tài chính hỗ trợ cho các startup thời điểm này rất khó, gói hỗ trợ tín dụng không tiếp cận được. Đặc điểm chung của các DN khởi nghiệp là sản phẩm vô hình, sản phẩm trí tuệ, không có tài sản thế chấp nên không vay được vốn từ ngân hàng, vì vậy, hầu hết startup đều “tự bơi”.
Để chung sức vượt qua khủng hoảng, nhiều startup Huế đang nỗ lực để hỗ trợ cộng đồng, liên kết để vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. Như DN nông sản kết nối đầu ra cho nông dân cũng như phân phối sản phẩm trên nền tảng công nghệ. Các DN ẩm thực liên kết với startup chuyên về truyền thông để xây dựng website bán hàng online, quay video sản phẩm quảng bá tạo thành chuỗi hỗ trợ.
Về phía CLB, việc kết nối nguồn lực hỗ trợ doanh nhân- DN khởi nghiệp, phát triển mở rộng thị trường cho startup đã được CLB triển khai: kết nối các startup, làm cầu nối để DN hợp tác, sử dụng chung nguồn lực, tiêu dùng sản phẩm cho nhau hay các DN về đào tạo sẽ hỗ trợ cộng đồng startup các khoá đào tạo online để nâng cao kỹ năng cho DN.
Mới đây, trong khuôn khổ hội thảo kết nối nguồn lực hỗ trợ doanh nhân- DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – hội thảo nhằm hỗ trợ hoạt động cho cộng đồng khởi nghiệp và kết nối các vườn ươm DN tại 5 tỉnh (Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Đăk Lăk và Đồng Tháp) qua đó, hình thành mạng lưới các vườn ươm DN, khởi nghiệp miền Trung và Tây Nguyên.
Tại Huế, vườn ươm DN đã cùng vườn ươm các tỉnh bạn truyền thông chéo, hỗ trợ các startup trưng bày, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng phát triển thị trường, đồng thời ươm tạo, thúc đẩy kinh
doanh, hoàn thiện mô hình cũng như nâng cao sản phẩm, nâng cao kiến thức cho các startup nhằm kêu gọi vốn, thu hút đầu tư. Trước mắt, đã có trên 15 sản phẩm khởi nghiệp của startup Huế có mặt ở các tỉnh bạn qua kênh này và ngược lại.
“Khủng hoảng từ đại dịch dù mang đến những thách thức không nhỏ cho đa phần startup nhưng đó cũng là cơ hội tìm lại thị trường, định hướng lại sản phẩm, biết thực tế phải làm gì để triển khai nhanh và đưa ra thị trường, tận dụng xu hướng chuyển dịch, tiến đến thời kỳ phát triển nhanh hơn trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Thanh Bình nêu giải pháp.
Bài, ảnh: LIÊN MINH