ClockChủ Nhật, 06/10/2024 07:55

Sức ép từ nợ thuế

TTH - Hiện, nợ thuế tại tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và toàn ngành nói chung đang có xu hướng tăng. Tính đến ngày 31/8/2024, tổng nợ thuế tăng 33,3% so với đầu năm (thời điểm 31/12/2023), trong đó, tỷ lệ tăng nợ có khả năng thu chiếm 35,7%, tỷ lệ tăng nợ khó thu chiếm 12,6%.

Đảm bảo mục tiêu kép trong thu hồi nợ thuế

 Cán bộ thuế hỗ trợ rà soát thông tin thuế

Nợ thuế tăng cao không chỉ tạo nên áp lực cho hoạt động thu ngân sách, mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư, chi ngân sách phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh.

Gia tăng nợ thuế

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thu ngân sách nhà nước nói chung và làm gia tăng tình trạng nợ thuế.  Nhìn vào chỉ số phát triển DN phần nào nhận thấy sức ép lớn của tình hình khó khăn chung, khi hoạt động DN đang có xu hướng thu hẹp. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có 536 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.294,8 tỷ đồng, giảm 11,6% về vốn so với cùng kỳ, nhưng có đến 572 DN đăng ký tạm ngưng hoạt động và 195 DN giải thể.

Hoạt động sản xuất công nghiệp cũng bị tác động, khi nhiều sản phẩm có mức sản xuất giảm như: Tôm đông lạnh giảm 9,7%; men frit giảm 2%; điện sản xuất giảm 13,3%. Kim ngạch xuất, nhập khẩu dù có tăng trưởng tốt, nhưng các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu vẫn giảm, trong đó phải kể đến các mặt hàng thủy sản giảm 84,8%; sản phẩm xuất khẩu như xơ, sợi dệt các loại ước cũng giảm 6,1% so với cùng kỳ.

Khó khăn về kinh tế không chỉ gây áp lực lên hoạt động thu ngân sách, mà còn gia tăng các khoản nợ thuế.

Theo danh sách Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế công khai, doanh nghiệp nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế, trên địa bàn có 223 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Trong đó, 205 DN, tổ chức và 18 cá nhân, hộ kinh doanh với tổng số tiền nợ hơn 380 tỷ đồng. Công ty CP tập đoàn IUC là đơn vị có số nợ thuế cao nhất, lên đến trên 176 tỷ đồng.

Theo lý giải của cơ quan thuế, hầu hết các DN nợ tiền thuế đều đang gặp khó khăn về tài chính, hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Một số người nộp thuế có ý thức chấp hành pháp luật về thuế chưa cao, chây ì không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài dẫn đến khoản tiền phạt chậm nộp tăng lên. Ngoài ra, một số trường hợp, người nộp thuế tự ý bỏ hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế khi đang nợ thuế, nhưng không làm thủ tục khai báo lại cho cơ quan thuế, gây khó khăn cho công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế.

Cưỡng chế, thu hồi

Trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách tiến tới cân đối thu chi ngân sách thì việc nợ thuế tăng cao sẽ tạo nên áp lực lớn trong thực hiện các mục tiêu đề ra.

Ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh thông tin, để thực hiện hiệu quả công tác thu hồi nợ thuế, Cục Thuế đã thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với người nộp thuế thuộc đối tượng phải cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Bước đầu, Cục Thuế sẽ rà soát và phân loại nợ, xác định chính xác các khoản nợ thuế và phân loại theo quy định, trong đó, tập trung vào các khoản nợ đã quá hạn và các trường hợp có dấu hiệu gian lận. Cục Thuế sẽ sử dụng nhiều kênh thông tin thông báo đến người nộp thuế về khoản nợ, nhắc nhở người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Trường hợp người nộp thuế vẫn chây ì, Cục Thuế sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, bao gồm: Trích tiền từ tài khoản ngân hàng; khấu trừ tiền lương hoặc thu nhập; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên và bán đấu giá tài sản, thu hồi giấy phép kinh doanh. Với các trường hợp đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế, Cục Thuế sẽ công khai thông tin trên website ngành thuế.

Việc áp dụng các chế tài xử phạt đối với hành vi chây ì, không chấp hành quy định pháp luật về thuế của các cá nhân, tổ chức như trên được xem là giải pháp mạnh của ngành thuế nhằm đảm bảo môi trường, hoạt động kinh doanh công bằng, minh bạch, chống thất thu ngân sách. Thực tế cho thấy, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế đã mang lại hiệu quả bước đầu. Trong tổng số thu 438 tỷ đồng từ tiền thuế nợ từ năm trước chuyển sang, có hơn 75 tỷ đồng thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế và tổng số thu tiền nợ thuế phát sinh trong năm hơn 1.637 tỷ đồng thì thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ đạt hơn 15 tỷ đồng.

Ngoài ra, để đảm bảo công tác quản lý nợ và cưỡng chế tiền thuế nợ hiệu quả, Cục Thuế cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào các khâu, các bước trong công tác quản lý, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế. Song song với các giải pháp quản lý, thu hồi nợ, các giải pháp đồng hành tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế liên quan đến thực hiện nghĩa vụ thuế cũng được Cục Thuế tăng cường. Trong đó, đáng chú ý là hỗ trợ người nộp thuế tiếp cận với các chính sách, pháp luật thuế mới, đối thoại với DN và người nộp thuế, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế thực hiện các chính sách, pháp luật thuế.

Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiện đại hóa toàn diện ngành thuế

Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Chương trình hành động triển khai thực hiện chiến lược này đang là kim chỉ nam trong định hướng phát triển ngành thuế trong hiện tại và tương lai, đồng thời, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế cũng như đời sống người dân.

Hiện đại hóa toàn diện ngành thuế
Nhiều vướng mắc khi xác định nghĩa vụ thuế

Tài sản bảo đảm được xem như “phao cứu sinh” đối với hoạt động tín dụng nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng. Tuy nhiên, việc xác định nghĩa vụ thuế khi xử lý tài sản đảm bảo vẫn khó khăn cho doanh nghiệp lẫn ngân hàng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

Nhiều vướng mắc khi xác định nghĩa vụ thuế
Return to top