Học sinh là đối tượng chính của dự án
Gần 90% rác thải có thể tái chế
Mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh khoảng 550 tấn rác thải sinh hoạt chưa qua phân loại. Theo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (Hepco), tỷ lệ hữu cơ trong rác thải sinh hoạt chiếm khoảng 54-77%; chất thải có thể tái chế với thành phần chính là nhựa và kim loại chiếm 8-18%; túi ni lông, chất thải nhựa đáng lo ngại nhất. Riêng khu vực TP. Huế phát sinh mỗi ngày 200 tấn rác sinh hoạt thì có đến 6% là rác nhựa và túi ni lông. Đó là chưa nói lượng chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn y tế, chất thải rắn công nghiệp thải ra hàng ngày. Như vậy, lượng rác thải có thể sử dụng hoặc tái chế chiếm gần 90% lượng rác thải ra, nghĩa là nếu làm tốt công tác tái chế chỉ còn khoảng 60-80 tấn rác thải sinh hoạt sử dụng phương pháp chôn lấp thay vì chôn lấp toàn bộ như hiện nay.
Trên địa bàn hiện có một bộ phận chuyên thu gom chai lọ nhựa, thủy tinh, giấy báo rồi bán lại cho các cơ sở mua ve chai, các cơ sở này tiếp tục phân loại và bán cho từng cơ sở tái chế phù hợp. Tuy nhiên, công nghệ thu mua, phân loại lạc hậu nên vẫn gây tác động đến môi trường trong quá trình tái chế. Việc chôn lấp rác thải chưa qua phân loại đã và đang ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường.
Với mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ rác thải chôn lấp và hướng đến tỷ lệ chôn lấp đạt 0% vào năm 2025 tại các địa phương cấp huyện (trừ Nam Đông, A Lưới), dự án Chất thải rắn Việt Nam (JET) phối hợp với Sở Xây dựng triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn ở một số đơn vị. Tại địa bàn TP. Huế, dự án (DA) tiến hành xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn như: thúc đẩy 3R thông qua các hoạt động phối hợp với cơ sở kinh doanh, địa điểm triển khai tại Sở Xây dựng, khách sạn Le Residence, Công ty Hepco, tòa nhà Hành chính công, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Khách sạn Indochine; thí điểm phân loại rác tại nguồn được triển khai tại chung cư Vicoland. Các DA theo hướng này đã góp phần nâng cao năng lực của tỉnh trong việc thu hút cộng đồng hướng tới xây dựng hệ thống phân loại tại nguồn trong tương lai; giáo dục người dân, cộng đồng về vấn đề môi trường và phân loại tại nguồn trong tương lai, trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với xã hội.
Rác sau phân loại được bán cho người thu mua ve chai
Thay đổi nhận thức cho học sinh
Tại hội thảo khởi động DA mới đây, đại diện Trường THCS Nguyễn Tri Phương cho biết: Đơn vị thực hiện DA phân loại rác thí điểm do JET tài trợ, theo đó, mỗi chi đội thực hiện công tác phân loại rác ngay tại lớp học trước khi di chuyển đến địa điểm tập trung theo quy định. Nhà trường tiến hành lắp đặt hệ thống thu gom rác thải có chỉ dẫn để học sinh phân loại rác theo 3 nhóm: chai lọ nhựa; giấy; các loại rác khác. Nhân viên vệ sinh của trường thực hiện công tác thu gom rác định kỳ, bán rác thải tái chế tạo nguồn thu bổ sung vào quỹ liên đội để thực hiện các hoạt động xã hội có ý nghĩa.
“Nhà trường, chi đoàn, ban chỉ huy liên đội thực hiện kiểm tra giám sát hoạt động định kỳ và đột xuất để có những điều chỉnh kịp thời. Tuyên dương, cộng điểm thi đối với chi đội thực hiện tốt, phê bình các chi đội, cá nhân vi phạm các quy định. Nhờ đó, ý thức của học sinh trong trường được nâng cao, các em không còn vứt rác bừa bãi mà đã bỏ đúng nơi quy định. Các chi đội gây được quỹ liên đội để phục vụ hoạt động. Nhà trường sẽ tiếp tục duy trì mô hình này ngày càng tốt và sáng tạo hơn để xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, góp phần bảo vệ môi trường”, cô Phan Thị Hương Giang chia sẻ.
Sau khi nhận được viện trợ từ Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD), JET đã bắt tay thực hiện DA với nhiều nội dung hoạt động; trong đó tập trung các hoạt động nâng cao nhận thức cho các em học sinh tại một số trường học, từ đó nhân rộng mô hình.
Theo bà Trần Mai Hương, Điều phối viên DA thuộc CSRD, DA với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng do USAID hỗ trợ với thời gian thực hiện từ tháng 3/2018 đến tháng 5/2019, sẽ tập trung hỗ trợ 6 trường học trên địa bàn tỉnh. Các trường sẽ được hướng dẫn, lắp đặt hệ thống phân loại rác thải và thực hiện phân loại rác thải tại trường, tham gia các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy chiến lược 4Rs (từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) hướng đến giảm thiểu 5% lượng rác thải nhựa. DA cũng sẽ tiến hành nghiên cứu và khảo sát các điểm có thể đặt bẫy thu gom rác trên lưu vực sông Hương, tiến hành dọn dẹp rác thải ở khu vực bãi biển của thôn Thái Dương Thượng, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà và nhiều các hoạt động liên quan khác.
Đầu tháng 9, dự án đã tiến hành bàn giao 149 hệ thống thu gom và phân loại rác thải cho 6 trường tham gia. Sau 1 tuần triển khai hoạt động phân loại và giám sát phân loại, Trường THCS Hoàng Kim Hoán thu được 4,5kg giấy, 0,4 kg nhựa, kim loại; Trường THPT Chuyên Quốc học Huế thu được 17,3kg giấy, 19,4 kg nhựa và kim loại… Các trường khác đang tiến hành hoạt động thu gom và phân loại với mong muốn góp phần giảm thiểu lượng chất thải chưa phân loại ra môi trường. |
Hoàng Loan