Ông Phạm Bá Nam chia sẻ xung quanh chính sách hỗ trợ lãi suất
Doanh nghiệp cần nguồn lực tăng trưởng
Theo ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Với mục tiêu đặt doanh nghiệp (DN) là trung tâm tạo đà tăng trưởng kinh tế, Thừa Thiên Huế đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN trong năm 2022. Triển khai nhiều giải pháp, nhóm nhiệm vụ cải thiện chỉ số gia nhập thị trường cho DN, chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định mặt bằng sản xuất. Đồng thời, thành lập các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho từng đối tượng khác nhau.
Nhờ đó, trong những tháng đầu năm, tình hình hoạt động DN đã có những bước chuyển biến tích cực. Đến cuối tháng 5, trên địa bàn có 347 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.572 tỷ đồng, tăng 24,8% về lượng và tăng 32,8% về vốn so với cùng kỳ. Tình hình đầu tư cũng được cải thiện khi 5 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp phép cho 15 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 1.536 tỷ đồng.
Hoạt động DN đã có bước chuyển song theo nhận định của các DN, trong quá trình phục hồi kinh tế DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vốn vẫn là rào cản lớn nhất khi hiện nay kinh tế đã mở cửa, DN cần vốn để khôi phục, tái đầu tư. Trong khi đó, các chính sách cho vay đang được thắt chặt khiến DN khó tiếp cận với vốn, cũng như các chính sách ưu đãi.
Tại hội thảo những thắc mắc liên quan đến đối tượng thụ hưởng, quy trình thủ tục nhận gói hỗ trợ lãi suất được DN chia sẻ. Ngoài ra, các DN cũng đề xuất NHNN cần xây dựng thêm quy định, biểu mẫu chung cho các DN khi vay vốn; cũng như cần thành lập các đầu mối, đường dây nóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình tiếp cận chính sách.
“Gói hỗ trợ lãi suất lần này cần khắc phục được những nhược điểm của một số gói trước đây như thủ tục rườm rà, qua nhiều khâu xét duyệt, thẩm định… dẫn đến phát sinh chi phí, thời gian kéo dài. Nói cách khác, gói hỗ trợ lãi suất cần chính xác, nhanh chóng”, một DN chia sẻ.
Đảm bảo đúng mục đích
Theo hầu hết các ngân hàng tham gia tại hội thảo, sau khi có NĐ31 và TT03, các ngân hàng trên địa bàn đã triển khai rộng rãi, truyền thông đến khách hàng, đồng thời khảo sát nhu cầu của các DN hộ kinh doanh nằm trong đối tượng hưởng lợi. Từ đó, tổng hợp kế hoạch hỗ trợ lãi suất cho khách hàng theo từng năm…
Các ngân hàng sẵn sàng triển khai hỗ trợ lãi suất
Các ngân hàng cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai chính sách này.
Ông Lý Hoàng Vũ – Giám đốc Vietcombank Huế chia sẻ, đây là chương trình hỗ trợ sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước nên phải đảm bảo đúng quy trình, đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách. Vì thế, ngoài thực hiện các thủ tục cần thiết, khách hàng cũng cần đồng hành với ngân hàng trong việc công khai minh bạch trong báo cáo tài chính, sử dụng vốn vay đúng đối tượng và có trách nhiệm trong việc phối hợp với ngân hàng thương mại trong quá trình thực hiện hỗ trợ lãi suất.
Ngân hàng luôn đồng hành sát cánh cùng DN và luôn minh bạch về các chương trình hỗ trợ DN thì DN cũng cần minh bạch trong hoạt động SXKD cũng như dòng tiền, ông Vũ khẳng định.
Sau khi nắm bắt các ý kiến của cộng đồng DN, hộ kinh doanh và các ngân hàng thương mại, ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế chia sẻ, chính sách hỗ trợ thêm lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các chi nhánh ngân hàng thương mại là một chính sách không hề quá xa vời. Vấn đề quan trọng hiện nay là giải pháp triển khai hỗ trợ lãi suất sớm để tích lũy được nguồn vốn hỗ trợ, giúp DN vượt qua khó khăn.
Theo kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ trước, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ DN, tuy nhiên phải bảo đảm thực hiện hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích; ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách. Với DN, hộ kinh doanh, HTX cần nghiên cứu kỹ các điều khoản của NĐ31, TT03 và chủ động liên hệ với ngân hàng để tiếp cận chính sách. Riêng với các tổ chức DN khởi nghiệp nên tìm kiếm cho mình một ngân hàng đồng hành ngay từ đầu và toàn bộ dòng tiền hoạt động nên công khai minh bạch để ngân hàng nắm được từ đó có thể đồng hành với DN trong suốt quá trình hoạt động.
Bài, ảnh: Hoàng Loan