Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cùng lãnh đạo các sở ngành.
Điểm cầu Thừa Thiên Huế
6 tháng đầu năm, công tác điều hành chính sách tài khóa được Bộ Tài chính triển khai chủ động, tập trung chỉ đạo triển khai tốt các luật thuế; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác quản lý thu; xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.
Lũy kế 6 tháng thu NSNN đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2021; chi NSNN ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán. Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 69 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 14,75 năm, lãi suất bình quân 2,45%/năm.
Để hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2022, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã đề ra. Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án tài chính - NSNN theo chương trình công tác của Chính phủ và yêu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng, khả thi.
Tại Thừa Thiên Huế, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 5.786 tỷ đồng, bằng 84,3% dự toán và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt gần 4.543 tỷ đồng, bằng 38,1% dự toán. Trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các các giải pháp vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh. Thừa Thiên Huế phấn đấu thu NSNN cả năm sẽ đạt khoảng gần 11.600 tỷ đồng, vượt 69% dự toán HĐND tỉnh giao.
Sau khi lắng nghe các báo cáo và ý kiến của Bộ Tài Chính, các ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của ngành Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ điều hành chính sách tài khóa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế, xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Tài chính cần linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, nghiên cứu các chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022. Tập trung rà soát những rào cản về chính sách, cắt giảm các thủ tục hành chính nhất là thủ tục về thuế, hải quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thực hiện thủ tục hành chính.
Bộ Tài Chính phối hợp với các địa phương trong quản lý thu ngân sách; chủ động đề xuất xây dựng các thể chế nhằm điều hành chính sách tài khóa hiệu quả. Đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, bảo đảm dự toán thu và giảm áp lực chi NSNN. Đồng thời, phát triển bền vững, vận hành an toàn, thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Về phía các địa phương cần vào cuộc chỉ đạo công tác điều hành chính sách tài khóa, chống thất thu thuế, đảm bảo chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết.
Tin, ảnh: Hoàng Loan