ClockThứ Năm, 09/06/2022 14:34

Phát triển hệ thống tổ chức tín dụng trong nước lành mạnh, chất lượng

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng, ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng.

Không hạ thấp điều kiện nhằm hạn chế rủi ro tín dụngHỗ trợ lãi suất 2%: Cần nới "room" tín dụng có chọn lọcSức mạnh từ sự đồng lòngHỗ trợ phát triển thông qua tín dụng chính sáchThực hiện các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn về lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

“Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuy mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm, nhưng đã có nhiều năm công tác tại Ngân hàng Nhà nước nên có chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm chắc các vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; đã trả lời thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế và đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua."

Đây là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với phần trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, liên quan đến nhóm lĩnh vực ngân hàng, sáng 9/6.

Tại phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề này, có 57 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 32 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 5 đại biểu tranh luận, còn 25 đại biểu đã đăng ký nhưng hết thời gian chất vấn, đề nghị được trả lời bằng văn bản.

Tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề chất vấn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Ngành ngân hàng vượt qua thách thức, đạt nhiều kết quả quan trọng

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ngân hàng là lĩnh vực rất quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế, việc bảo đảm an toàn và phát triển lành mạnh ngành ngân hàng luôn được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy các đại biểu đã bám sát nội dung chất vấn, tập trung nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề và gợi mở nhiều giải pháp quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thời gian qua, nhất là trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, do tác động của dịch bệnh và biến động của tình hình địa chính trị trên thế giới đã tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm, ngành ngân hàng đã vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng và nổi bật. Đó là điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng linh hoạt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục triển khai tích cực các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng yếu kém có hiệu quả. Xử lý hiệu quả nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn, lo lắng trước những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng tới lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới như tác động địa chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát ngày càng tăng, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ trong nước. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước nhìn chung còn chậm, nhất là việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% trong thực tế…

Ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo

Để phát triển ngành ngân hàng lành mạnh, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các Bộ trưởng, Trưởng ngành điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ, chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc tiếp tục phấn đấu tiết giảm chi phí và hạ lãi suất cho vay đối với nền kinh tế; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền tệ, quản lý ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng. Tổ chức triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai và minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn và các hoạt động ngân hàng, tiệm cận thông lệ quốc tế, phấn đấu đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; tập trung xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, phấn đấu đến hết năm 2025, cơ bản xử lý xong các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém.

“Nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng, quan tâm cung cấp thêm vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng có cổ phần nhà nước chi phối. Ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường năng lực, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát các hoạt động của các tổ chức tín dụng; nghiên cứu ứng dụng tiền kỹ thuật số, đẩy mạnh ứng dụng Fintech (công nghệ tài chính) trong lĩnh vực ngân hàng, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Xây dựng tiêu chí phân tích chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Nghiên cứu hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc điều hành theo hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay…

Lưu ý việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ quy định phải bảo đảm chặt chẽ, đồng thời nâng cao yêu cầu chuẩn mực quản trị của các tổ chức tín dụng khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm góp phần bảo đảm an toàn cho hoạt động của ngân hàng, góp phần phát triển thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng một cách lành mạnh. Giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm cung ứng vốn cho các thị trường chứng khoán, bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững.

Một yêu cầu khác được Chủ tịch Quốc hội đặt ra là tăng cường quản lý, giám sát hoạt động cung cấp, cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử và phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm có liên quan.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng triển khai mở rộng, cho phép các ngân hàng kết nối, khai thác thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thông tin trên thẻ Căn cước công dân gắn chip, hạn chế các hành vi gian lận, mạo danh, làm giả giấy tờ tùy thân khi thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử. Đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tội phạm công nghệ cao lĩnh vực ngân hàng, hiện tượng mua bán tài khoản ngân hàng trên không gian mạng.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các ủy ban chủ trì thẩm tra khẩn trương phối hợp với cơ quan hữu quan hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng, sớm gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu trước khi biểu quyết thông qua.

Bảo đảm chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua
Ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều chương trình tín dụng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng và các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Đó là khẳng định của ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh tại hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn chiều 14/11.

Ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung
Return to top