ClockThứ Bảy, 26/09/2020 07:10

Tái thiết & bảo tồn “đặc trưng cây xanh” đô thị Huế

TTH - Hơn 15.000 cây xanh đường phố, công viên, điểm xanh, vườn ươm của TP. Huế và chưa kể nhiều cây xanh, cây ăn quả vườn nhà dân, công sở khác bị bật gốc ngã đổ, gãy thân, tước cành là con số do bão số 5 gây ra. Sẽ phải khắc phục, tôn tạo lại hệ thống cây xanh, nhưng việc chính trước mắt là tập trung dọn dẹp “hậu trường” xơ xác sau bão là khẳng định của ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế (CVCX) khi trao đổi trên Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Huy động tổng lực để dọn rác cây xanhVẫn chuyện cây xanh đô thịNghiên cứu trồng hệ thống cây xanh công cộng bền vững

Ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế

Theo ông, phải mất bao lâu để phục hồi cây xanh đường phố?

Hậu quả bão số 5 để lại riêng đối với cây xanh thực sự quá lớn, ảnh hưởng đến giao thông, cảnh quan, môi trường. Nếu chỉ lực lượng gần 300 người và vài chiếc xe cẩu, xe ben, máy cưa của Trung tâm CVCX chắc chắn không thể sớm giải phóng giao thông, dọn dẹp cây đè, che chắn nhà dân, công sở, trường học... được như hiện trạng.

Những ngày qua, nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ các lực lượng gồm: công an, bộ đội, đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, tinh thần chủ động, tự giác của mỗi nhà dân, nên công tác khắc phục được thực hiện khẩn trương, đạt khối lượng công việc rất lớn. Khả năng khoảng 15 ngày nữa, việc dọn dẹp, cưa cắt, phong quang cây xanh gãy đổ sẽ cơ bản hoàn thành.

Trước đó, đường đi và sức ảnh hưởng của bão đã được dự báo, vậy trung tâm có lường trước được nguy cơ ảnh hưởng đối với hệ thống cây xanh khi bão đổ bộ?

Ngay khi có thông tin dự báo bão số 5 và khu vực miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế sẽ là tâm bão, Trung tâm CVCX đã huy động lực lượng, phương tiện ra quân kiểm tra, cắt mé, giằng chống lại cây xanh ở nhiều tuyến đường, công viên. Mặc dù trước đó, công việc này đã được đơn vị thực hiện theo kế hoạch ứng phó trước mùa mưa bão.

Tuy nhiên, một phần do số lượng cây xanh đơn vị đang quản lý quá lớn (hơn 65.000 cây), trong khi phương tiện hỗ trợ cưa, cắt mé, khống chế độ cao chưa đủ đáp ứng, cộng thêm do cơn bão quá mạnh, nên dù chỉ xảy ra trong thời gian ngắn vào sáng 18/9, nhưng đã quật ngã, bật gốc, tước cành nhiều cây xanh.

Theo thống kê, có 2.200 cây xanh bị bật gốc ngã đổ; 6.700 cây bị tước cành, gãy thân; 6.100 cây tại vườn ươm và hơn 200 cây cảnh, kiểng trong công viên bị ngã đổ, bật gốc. Trong đó, có khoảng 600 cây có khả năng chống dựng trồng phục hồi lại bình thường.

Chủng loại cây bị gãy đổ, hư hại nhiều nhất là phượng vàng (hay còn gọi lim xẹt cánh), phượng đỏ, bằng lăng, so đo cam, me tây và một số cây tạp.

Đa phần cây bị gãy đổ là phượng vàng và những cây vừa mới đưa vào trồng chưa lâu mà không phải là cây cổ thụ lâu năm? Phải chăng hậu quả này là do việc chọn chủng loại và kỹ thuật trồng chưa hợp lý?

Đúng là không chỉ sau trận bão này, mà trước đó, chúng tôi đã nhận thấy được những bất cập, tồn tại đối với một số tuyến cây xanh trên địa bàn. Thứ nhất là việc lựa chọn cây trồng mới chưa hợp lý, có tuổi thọ ngắn. Thứ hai, do việc lựa chọn kích cỡ cây quá lớn, nên khi trồng tại vị trí mới buộc phải cắt, chắn bớt rễ, cộng thêm thời tiết ở Huế khắc nghiệt, khả năng phục hồi cây chậm, hệ rễ dễ bị hư, nấm mốc, dẫn đến cây nhanh suy kiệt, yếu rễ, dễ đổ gãy.

Nỗ lực khắc phục, dọn dẹp cây xanh gãy đổ sau bão

Trung tâm CVCX đã đề xuất kiến nghị, khi đưa cây xanh vào trồng mới, tốt nhất cần chọn cây có đường kính từ 10-12cm và cao từ 3,5-4m để hạn chế việc cắt rễ cố định cây, đồng thời chọn giống cây có hệ rễ cọc phát triển vững chắc.

Ngoài những nguyên nhân trên, tôi cho rằng, chất lượng cây xanh suy yếu, tuổi thọ giảm một phần còn do quá trình thi công, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật đã làm chắn đứt một phần bộ rễ. Nhiều tuyến đường không đủ diện tích để rễ phát triển đồng đều. Mặt khác, do hệ thống dây điện, mạng trên không, mái hiên di động nhà dân... đã “lấn” không gian, làm chệch tán cây, gây tác động đến hình dáng, lệch sự phát triển của cây, nên nguy cơ đổ ngã rất cao, nhất là khi gặp gió to, mưa bão.

Có nghĩa cần chuẩn hóa lại hệ thống cây xanh, thưa ông?

Việc chuẩn hóa lại hệ thống cây xanh đường phố là vấn đề đã được chính quyền lên kế hoạch và sẽ làm trong thời gian tới. Nhưng cần hiểu rằng, mỗi loài đều có những đặc tính ưu, nhược điểm khác nhau. Muốn cây cho hoa đẹp, nhanh tạo bóng mát thì buộc lòng phải chọn giống cây có hoa, nhanh lớn.

Nhiều ý kiến đề xuất nên thay thế cây mới sau hàng loạt cây xanh đã bị gãy đổ. Nhưng thực tế không phải tuyến đường nào cũng có thể thay thế được. Chẳng hạn như đường Nguyễn Trãi vốn được trồng hai hàng cây phượng vàng từ rất lâu. Nếu bây giờ trồng thay thế một vài cây khác sẽ không đồng đều, mất mỹ quan đường phố.

Đối với những tuyến đường mới, khu mới, đơn vị sẽ lưu ý khắc phục, tránh đưa vào trồng những loài có nhiều nhược điểm, bất lợi.

Đối với những mảng cây xanh được trồng tại công sở, trường học, khu quy hoạch dân cư... vẫn tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ, theo ông nên làm thế nào?

Trung tâm CVCX được giao nhiệm vụ quản lý hệ thống cây xanh đường phố, công viên, điểm xanh để bảo tồn và phát huy giá trị đặc trưng của Huế. Đơn vị thường xuyên chăm sóc, bảo vệ, cắt mé cho cây phát triển cân đối, thông thoáng, đồng thời tạo sự an toàn cho người dân.

Có ý tưởng cho rằng, nên quy về một mối để tiện quản lý, chăm sóc, song đối với cây xanh, vấn đề này không hề đơn giản. Tốt nhất, đối với cây xanh trong các cơ quan, trường học, các khu đô thị mới..., đơn vị chủ quản nên tuân thủ các quy định của tỉnh, của chính quyền địa phương trong việc chọn trồng đúng chủng loại, vị trí, kỹ thuật và có chế độ chăm sóc hợp lý.

Cây xanh vốn là đặc trưng, là niềm tự hào của Huế, nên chắc rằng cần tái thiết và quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị đảm bảo hài hoà, bền vững, thân thiện. Ông nghĩ sao về điều này?

Phải nói rằng, Huế là một trong những thành phố có mật độ cây xanh cao trên cả nước. Trong số hơn 65.000 cây xanh đường phố, công viên, có hơn 600 cây cổ thụ có giá trị cần bảo tồn. Cùng với đó, nhiều tên đường đã gắn liền với tên cây, đi vào thi ca, lịch sử.

Để bảo tồn và phát huy giá trị cây xanh, TP. Huế đang xây dựng quy hoạch hệ thống cây xanh giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung chỉnh trang, trồng thay thế cây tạp, cây già cỗi, cây chưa phù hợp tại một số tuyến đường trung tâm và ven thành phố. Trong quá trình làm, trung tâm sẽ dành nhiều thời gian, công đoạn tham vấn ý kiến từ phía các nhà chuyên môn về cây xanh, thực vật học cũng như các chuyên gia kỹ thuật, kiến trúc, nhà nghiên cứu môi trường, sử học, văn hoá...

Đối với việc lựa chọn chủng loại cây trồng, đơn vị sẽ tham mưu chú trọng cây rễ cọc ăn sâu, thân thẳng, bền... Đơn cử trồng các giống cây bản địa như: nhạc ngựa, long não, nhội (muối), sao đen, dầu rái... Vì đây là những loài có sức chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt ở Huế, tạo bóng mát, an toàn và chủ động nguồn giống. Kết hợp với đó là đưa vào trồng một số giống cây du nhập có hoa thơm, dáng đẹp như chuông vàng, hoàng yến, muồng hoa đào, ô môi... nhằm đa dạng chủng loại, làm phong phú thêm hệ thống cây xanh đô thị Huế. Tất nhiên để làm nên “hình hài” như ý cần rất nhiều thời gian, công sức và phải có những giải pháp kỹ thuật, quy hoạch đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

HOÀI THƯƠNG (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn đô thị

Có thể thấy, diện mạo Hương Thủy đang thay đổi từng ngày. Tuy chưa phải là tất cả, nhưng những sự đầu tư để chỉnh trang, tạo mỹ quan đô thị đã giúp Hương Thủy tạo ấn tượng tốt hơn trong mắt người dân và du khách.

Điểm nhấn đô thị
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học

Ngày 9/11, Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy phối hợp với Trường TH&THCS Dương Hòa (TX. Hương Thủy) tổ chức chương trình truyền thông với chủ đề Hội thi tìm hiểu kiến thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho học sinh nhà trường năm 2024.

Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học
Tăng cường giám sát, quản lý trật tự đô thị

Chiều 5/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về giải pháp giám sát, quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường giám sát, quản lý trật tự đô thị

TIN MỚI

Return to top