|
Các dự án trọng điểm được đảm bảo tiến độ hứa hẹn tạo ra động lực phát triển mới trong tương lai. Ảnh: Lê Đình Hoàng |
Nhiều thách thức
Số liệu của UBND tỉnh cho thấy, quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) đạt 37.935,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, con số này nhỉnh hơn so với cùng kỳ. Trong cơ cấu kinh tế, sự đóng góp của các khu vực cũng có những tín hiệu đáng mừng. Điển hình như, khu vực dịch vụ tăng trưởng khá với mức tăng 6,95%, chiếm 50,1% trong cơ cấu kinh tế; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,22%, chiếm tỷ trọng 30,1% trong cơ cấu GRDP; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 2,99%, chiếm tỷ trọng 11,2% trong cơ cấu GRDP; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,53%, chiếm 8,6%.
Trong 8 chỉ tiêu chủ yếu có đến 6 chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ. Đó là tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu từ du lịch, giá trị xuất khẩu, tạo việc làm mới.
Theo lãnh đạo tỉnh, những kết quả đó nhờ việc UBND tỉnh đã kịp thời ban hành kế hoạch hành động về phát triển KTXH, các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
|
Tăng trưởng kinh tế là động lực tạo thêm việc làm cho người lao động |
Trong bức tranh KTXH toàn tỉnh, không phủ nhận những thành quả, song, một số chỉ số vẫn chưa như kỳ vọng. Điển hình như, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 6,01%. Vì thế nên tỉnh chỉ xếp thứ 10/14 các tỉnh/thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, xếp thứ 36/63 tỉnh/thành phố cả nước. Chỉ tiêu của tỉnh cả năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP phải đạt từ 8,5 – 9,5%. Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ, về kinh tế, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 cần phải đạt đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9 - 10%/năm, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 - 4%/năm; công nghiệp xây dựng 10 - 11%/năm; dịch vụ 11,5 - 12,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD…
Các chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng GRDP là yếu tố then chốt để mở rộng quy mô nền kinh tế. Thế nên, bài toán về quy mô kinh tế của tỉnh còn nhiều thách thức.
Tận dụng lợi thế
Tại một hội thảo góp ý cho tỉnh, TS. Phạm Văn Đại, chuyên gia kinh tế, Đại học Fulbright từng hiến kế, tỉnh nên xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị di sản và KTXH.
Ông Đại cũng đề xuất chia các cụm ngành kinh tế quan trọng của tỉnh thành 4 nhóm để phát huy lợi thế, tiềm năng về du lịch, giáo dục, công nghiệp may mặc; đồng thời tìm kiếm các cơ hội thu hút đầu tư mới, khuyến khích phát triển ổn định và tìm kiếm các tiềm năng tăng trưởng mới…
Rõ ràng, với vị trí địa lý thuật lợi, tỉnh có nhiều dư địa phát triển, từ du lịch, kinh tế biển – đầm phá, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao... Song, khai thác, phát huy đúng tiềm năng còn nhiều trở lực.
Trong một lần trao đổi, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhận định, vấn đề của Thừa Thiên Huế cần là nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế trong bức tranh kinh tế cả nước. Đặc biệt, vị thế và sự phát triển của Huế phải có sự so sánh với các thành phố trực thuộc Trung ương.
Từ thực tiễn hiện nay, lãnh đạo tỉnh cũng nhất quán về các định hướng, ưu tiên phát triển xung quanh 3 trung tâm đô thị, gồm: Đô thị trung tâm TP. Huế, Hương Thủy, Hương Trà; đô thị vùng Tây Bắc: Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới; đô thị vùng Đông Nam: Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông. Ba hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông -Tây, hành lang kinh tế đô thị hướng biển. Ngoài ra, tập trung các khâu đột phá về phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh; hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng viễn thông, phát triển kinh tế biển, đầm phá, hệ thống cảng biển nước sâu; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; thúc đẩy dịch vụ - du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản Cố đô Huế. Từ đó, từng bước giải bài toán mở rộng quy mô nền kinh tế.