ClockThứ Bảy, 07/10/2017 08:18

Tăng trưởng GDP 6,7%: Tránh tình trạng 'trên quyết liệt, giữa chần chừ, dưới chậm chạp'

Mặc dù Tổng cục Thống kê cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017 là có thể đạt được, song các chuyên gia vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm 2017 được Tổng cục Thống kê ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%.

Mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016. Đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.

9 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 12,77%. Ảnh: Hải Âu/TTXVN

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ước tính, để đạt tăng trưởng cả năm 6,7%, thì quý IV phải đạt con số 7,31%.

Với tốc độ tăng trưởng GDP quý III cao hơn kịch bản đặt ra (hồi giữa năm, Bộ Kế hoạch Đầu tư xây dựng kịch bản GDP quý III tăng 7,23%, quý IV tăng 7,57%), áp lực lên quý IV được nhận định là sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% vẫn phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cần đạt tăng trưởng 7,31% trong quý IV là mức tăng rất cao mà kể từ quý IV năm 2011 đến nay chưa năm nào đạt được.

Nhận định về những con số tăng trưởng này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ sự băn khoăn. Theo ông Long, quý I, GDP chỉ tăng 5,15%, thấp nhất trong vòng nhiều năm thì những con số tăng cao liên tục các quý sau khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Chưa kể, quý III còn có tháng 7 vốn được coi là "tháng cô hồn", không tốt cho giới kinh doanh.

Theo ông Ngô Trí Long, điểm sáng của kinh tế 9 tháng đầu năm là ngành nông nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thu ngân sách. Nếu những số liệu đã công bố là chính xác thì khả năng tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt 6,7% là có thể đạt được. Dù vậy, để những chỉ đạo của Chính phủ có thể phát huy hết tác dụng thì cần sự quyết tâm của cả nền kinh tế, tránh tình trạng "trên thì quyết liệt, giữa chần chừ, dưới thì chậm chạp".

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nếu như các con số ước tính về tăng trưởng GDP trong III quý đầu đều chính xác thì việc đạt tăng trưởng quý IV ở mức 7,31% không phải là quá khó. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% là rất quan trọng vì ngân sách đang bội chi. Doanh nghiệp phải phát triển về tăng được nguồn thu ngân sách, kiềm chế nợ công.

"Chính phủ đang quan tâm đến chính sách tài chính tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 11,02% (cùng kỳ năm trước tăng 10,46%), cho thấy nguồn tiền đã được đẩy mạnh vào nền kinh tế. Điều này chứng tỏ vốn được đưa vào sản xuất kinh doanh, góp phần đóng góp vào tăng trưởng. Song cũng phải tính tới những mặt tiêu cực", ông Hiếu nói.

Tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng cho thấy khả năng hấp thụ vốn tương đối tốt của nền kinh tế. Ảnh: TTXVN

Chuyên gia có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính phân tích kĩ hơn: Khi các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, mỗi tháng có hàng nghìn tỷ đồng rót vào nền kinh tế. Ngân hàng thường đẩy vào 2 lĩnh vực dễ nhất là bất động sản và chứng khoán. Vì nếu rót vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thì doanh nghiệp phải có phương án sản xuất rõ ràng, cần nhiều thời gian để đạt mức tín dụng, trong khi rót vào bất động sản thì cho vay hàng nghìn tỷ đồng rất dễ dàng chỉ trong vài tháng nên sẽ hấp dẫn các ngân hàng hơn.

Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt chất lượng tín dụng có thể gây ra rủi ro: Lạm phát đối với nền kinh tế và nợ xấu với hệ thống ngân hàng. Khi ngân hàng đẩy tín dụng quá nhanh thì "dục tốc bất đạt", sẽ lại trở thành mối lo cho nền kinh tế. Con số nợ xấu 600.000 tỷ đồng trong toàn hệ thống ngân hàng, các công ty mua bán nợ hiện nay là rất đáng lo.

"Mặc dù quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng cần chú ý kiểm soát tăng trưởng tín dụng và giảm nợ xấu để tăng trưởng GDP có chất lượng. Phải cân nhắc chứ không thể cùng lúc đạt được cả 2 mục tiêu này", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.

Theo Tổng cục Thống kê, để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm còn rất lớn, cần tập trung vào những nội dung sau:

- Điều hành chính sách tài chính, tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát;

- Chủ động bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản;

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017;

- Thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, góp phần duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo;

- Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách, biện pháp hiệu quả thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách đến từ các thị trường có mức chi tiêu cao;

- Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Theo Báo Tin tức

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Cảnh báo trộm mùa nắng nóng

Dù đã được cảnh báo nhiều lần về các hành vi trộm cắp tài sản mùa nắng nóng, nhưng người dân vẫn chủ quan, thiếu cẩn thận để các đối tượng xấu lợi dụng đột nhập vào nhà thực hiện hành vi phạm tội.

Cảnh báo trộm mùa nắng nóng
Return to top