ClockThứ Tư, 15/04/2020 16:27

Tăng trưởng kinh tế quý II sẽ chịu tác động mạnh mẽ từ dịch COVID-19

Nhiều chuyên gia kinh tế cùng nhận định, tăng trưởng kinh tế quý II/2020 sẽ không còn khả quan như quý I do kinh tế Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn từ dịch COVID-19.

Kịch bản xấu nhất với nền kinh tế nếu Covid-19 kéo dài tới 9/2020Tăng trưởng phải hợp lý, bền vữngVực dậy nền kinh tế sau đại dịchCần “nỗ lực toàn cầu” để giải quyết khủng hoảng kinh tế leo thang do COVID-19

Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường, khó dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc và ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Các ngành thương mại, du lịch, vận tải và hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Bên cạnh đó, áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Trước những khó khăn đối với kinh tế trong nước, mới đây, các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam dự báo vào khoảng 2% so với cùng kỳ và thậm chí còn thấp hơn nếu xảy ra kịch bản xấu. Xuất khẩu của Việt Nam dự báo cũng giảm khoảng 25% trong quý II và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020. Nền kinh tế Việt Nam dự kiến bắt đầu phục hồi từ quý III/2020.

Tuy nhiên, con số dự báo này cũng chỉ là tương đối bởi các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 đã gây nên khủng hoảng kinh tế chưa từng có trong nhiều năm qua và điều nguy hiểm của khủng hoảng này là diễn biến của dịch rất bất ngờ, khó dự báo.

Dự báo trong các tháng tiếp theo, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, như: khả năng hấp thụ gói tín dụng 285 nghìn tỷ đồng từ năng lực sản xuất và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước; rủi ro về tác động lây lan của suy giảm thương mại và sản xuất toàn cầu đối với tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2020.

Đó là chưa kể, vốn FDI có xu hướng giảm do dịch COVID-19 làm các doanh nghiệp FDI hoạt động cầm chừng và tạm hoãn lại việc tăng vốn đầu tư trong thời gian tới khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước chưa có những biến chuyển tích cực. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng thấp vẫn được dự báo đến hết quý II và sức ép tỷ giá gia tăng.

Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra dự kiến ba kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020. Kịch bản 1 dự kiến dịch COVID-19 kết thúc trong quý II/2020, kịch bản hai dự kiến dịch COVID-19 kết thúc trong quý III/2020 và kịch bản 3 được xây dựng với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 đạt 6,8%.

Với kịch bản 1, GDP quý II dự kiến sẽ giảm khoảng 2,79%, quý III giảm 1,13%, quý IV giảm 0,1% và cả năm giảm 1,47% so với dự báo trong điều kiện bình thường. Với kịch bản 2 dự kiến GDP quý II sẽ giảm khoảng 2,79%, quý III giảm 1,44%, quý IV giảm 0,69% và cả năm giảm 1,77% so với tốc độ dự báo trong điều kiện bình thường. Cả hai kịch bản này tăng trưởng GDP cả năm 2020 đều ước đạt trên 5%.

Nhận định về kinh tế quý II, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khác với quý I, sang quý II, toàn bộ nền kinh tế đều chịu tác động bởi đại dịch COVID-19. Từ du lịch, hàng không, tiêu dùng, xuất nhập khẩu... đều bị tác động mạnh cả từ hai phía cung và cầu. Nếu như nguồn cung vẫn tiếp tục bị gián đoạn bởi dịch bệnh thì về phía cầu (thế giới cũng như trong nước) đều giảm do giãn cách toàn xã hội và điều này tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế.

“Tuy nhiên, chúng ta mới bắt đầu bước vào quý II và vì diễn biến của dịch biến đổi khôn lường nên còn quá sớm để dự báo GDP của quý này”, ông Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cũng cho rằng, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu dịch bệnh không được kiểm soát sớm. Nếu đến cuối quý II dịch COVID-19 không được khống chế, thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ sụt giảm xuống mức rất thấp do độ mở của kinh tế Việt Nam là rất lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, tính chất của dịch COVID-19 lần này cho thấy, việc dự báo tác động của dịch đến nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian bao lâu là rất khó. Mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch nếu được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu nó vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác. Điều này đòi hỏi phải xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới.  

Để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước tiên, cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; đồng thời, nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng…

Bên cạnh đó, hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.

“Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát. Cùng với đó, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai

Trong một phân tích của Morgan Stanley, các thị trường mới nổi như Ấn Độ đang trên đà thúc đẩy tăng trưởng của châu Á, khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc dần suy giảm. Đáng chú ý, Ấn Độ cùng với các nền kinh tế Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Malaysia được dự báo sẽ dẫn đầu tăng trưởng của khu vực.

Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng của châu Á trong tương lai
Return to top