ClockThứ Ba, 18/06/2024 06:40

Tăng trưởng xanh, đi nhanh kẻo muộn - Kỳ 1: “Xanh hóa” trong sản xuất công, nông nghiệp

TTH - Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong xu thế đó, Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh, thành đã bắt nhịp và tìm cách kết nối, ưu tiên nguồn lực để thực hiện.

Tăng trưởng xanh từ chỉ số PGITăng trưởng xanh, đi nhanh để chiếm ưu thếThu hút đầu tư “xanh”

Nhiều doanh nghiệp ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đầu tư đổi mới công nghệ để sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh 

Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ là những trụ cột chính trong phát triển kinh tế ở Thừa Thiên Huế. Điều này nêu rõ trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hướng đến nền công nghiệp xanh

Hơn một thập niên trở lại đây, tỉnh đã thu hút đầu tư có chọn lọc, khuyến khích và hỗ trợ DN đổi mới công nghệ (ĐMCN), tăng sức cạnh tranh và tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Nhiều tập đoàn, DN trong, nước ngoài đã “đậu” tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) ở địa phương và tiên phong đổi mới, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm năng lượng mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Mới đây, chúng tôi đến Công ty Baosteel Packing tại KCN Phú Bài mới thấy sự chuyên nghiệp ứng dụng KHCN vào sản xuất lon nhôm 2 mảnh. Ngay từ lối vào đã thấy sạch sẽ, thoáng mát dù những robot, dây chuyền liên tục ra vào vận chuyển hàng. Đơn vị này đã chọn dây chuyền sản xuất đồng bộ dựa trên công nghệ Mỹ, châu Âu để giúp đa dạng hóa đặc tính sản phẩm, công suất bình quân mỗi năm đạt 1,2 tỷ lon, đáp ứng tốt cho khách hàng trong, ngoài nước. 

Đại diện lãnh đạo Công ty Baosteel Packing chia sẻ, đơn vị đã có giải pháp hướng đến sản xuất sạch theo chủ trương của tỉnh và xu hướng của thế giới. Các thiết bị, công nghệ dây chuyền ít tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, đơn vị khuyến khích người lao động đóng góp sáng kiến, cải tiến trong sản xuất. Hiện nay, công ty đã xây dựng lộ trình SXKD đến năm 2050 giảm phát thải về 0.

Hay, Công ty CP Dệt may Huế (Huegatex) không ngừng đổi mới, cải tiến, tạo sự khác biệt và bứt phá trên con đường phát triển. Đáng nói, trong đầu tư, công ty này tính đến sự đồng bộ các dây chuyền, dựa trên nhu cầu thực tế của đơn vị gắn với xu hướng phát triển của ngành trên 3 trụ cột: Sản xuất xanh, kinh tế, an sinh; tiết kiệm lao động, tiết kiệm quỹ đất, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo như nước, điện… Nhờ vậy, công ty ngày càng có điều kiện thuận lợi tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng ngành dệt may toàn cầu.

Thực tế lâu nay sản xuất xanh trong ngành công nghiệp ở Thừa Thiên Huế luôn được quan tâm. Từ hơn 20 năm trước, tỉnh đã có quy định chọn lọc thu hút các nhà đầu tư, DN trong, ngoài nước sản xuất công nghiệp theo hướng xanh, sạch. Gần đây, với xu thế hội nhập, yêu cầu các nhà máy sản xuất phải sử dụng nguyên liệu tái chế, năng lượng sạch… Do đó nhiều nhà máy, DN ở địa phương đã bắt nhịp, kết nối đầu tư SXKD đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế tiếp tục kêu gọi các DN đầu tư mở rộng các KKT, KCN theo hướng xanh, sản xuất tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tại KKT Chân Mây - Lăng Cô, được quy hoạch đầu tư phát triển KCN và khu dịch vụ hậu cần cảng, khu công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghiệp kỹ thuật cao. Mới đây, DA đầu tư hạ tầng KCN Gilimex tại KCN Phú Bài khởi công xây dựng với tổng vốn trên 2.600 tỷ đồng, diện tích hơn 460ha, gồm khu A và B. Đây là DA được xác định là KCN xanh, sạch, công nghệ tiên tiến, công nghiệp kỹ thuật cao, hiện đại phù hợp quy chuẩn quốc tế.

“Lan tỏa” nông nghiệp sạch

Với lợi thế về tiềm năng và nguồn nhân lực, gần đây Thừa Thiên Huế đã hình thành đội ngũ nông dân năng động, sáng tạo, dám đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) theo hướng bền vững.

 Mô hình trồng rau sạch, hữu cơ cho năng suất cao tại huyện Nam Đông

Đáng kể từ năm 2016, khi Tập đoàn Quế Lâm, một công ty hàng đầu có thương hiệu về NNHC đã đầu tư nhiều DA tại Thừa Thiên Huế, như chăn nuôi lợn an toàn sinh học, trồng lúa hữu cơ… Những hoạt động mà Tập đoàn Quế Lâm thực hiện chính là chất xúc tác, góp phần lan tỏa NNHC tại địa phương với nhiều mô hình theo quy mô nông hộ và hợp tác xã. Điển hình, như: Hệ thống cửa hàng cung ứng sản phẩm nông sản hữu cơ (200 tỷ đồng); nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, dự án Tổ hợp chăn nuôi lợn an toàn sinh học 4F tại xã Phong Thu (Phong Điền) với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng; vùng sản xuất lúa hữu cơ và bao tiêu sản phẩm với diện tích 70ha tại HTX Nông nghiệp Phù Bài (Hương Thủy); mô hình hộ chăn nuôi an toàn sinh học 10-30 lợn thịt... tại nhiều địa phương theo liên kết chuỗi.

Từ “bước đà” này, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số tổ chức tham gia sản xuất NNHC, như: Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt (TP. Huế), HTX Nông nghiệp Xanh Narasa (TX. Hương Trà), HTX Nông nghiệp Mỹ Hải (huyện Phú Lộc)…

Vào năm 2019, với sự hỗ trợ từ DA Thích ứng và chống chịu với BĐKH VIE/433 của Chính phủ Luxembourg đã hình thành nên các tổ, nhóm nông dân PGS sản xuất rau hữu cơ theo hình thức liên kết nông hộ tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền... Cụ thể, những sản phẩm tham gia dự án VIE/433, gồm: Rau má hữu cơ Quảng Thọ, Quảng Thành, gà Quảng Phước (Quảng Điền); lúa hữu cơ Phú Mỹ (Phú Vang); rau hữu cơ Mỹ Lợi, dầu lạc Mỹ Á, lúa hữu cơ Lộc An (Phú Lộc).

Đến nay, toàn tỉnh hiện có hơn 500ha lúa, ngô, đậu tương… sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị; 42 hộ dân và 2 hợp tác xã (HTX) đang hợp tác phát triển chăn nuôi lợn hữu cơ an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi giá trị với hàng trăm lợn nái và hàng ngàn lợn thịt, gia cầm/năm và 21 nhà lưới với tổng diện tích hơn 52.700m2…

Hiện nay, Thừa Thiên Huế tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm với các chương trình, DA được triển khai thực hiện tại 9 huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao thu nhập cho người sản xuất, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng giúp sản xuất nông nghiệp của tỉnh ổn định với những cây trồng chủ lực, như lúa cánh đồng mẫu lớn, lúa hữu cơ (Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy); rau màu (Quảng Điền, Nam Đông…), cây ăn quả (thanh trà, cam, dứa, chuối… ở Nam Đông, Phong Điền, Hương Thủy, TP. Huế, A Lưới... Qua đó, tạo điều kiện cho các mô hình sản xuất NNHC trên địa bàn ngày càng phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, được thị trường gần xa tin dùng.

Đồng bộ hạ tầng, gắn đổi mới sáng tạo

Thừa Thiên Huế có mạng lưới giao thông đặc biệt, với cảng biển, sân bay quốc tế, đường sắt, đường bộ kết nối liên hoàn với các tỉnh thành trong khu vực và Hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối Lào, Myanmar, Thái Lan… Thừa Thiên Huế cũng có rừng vàng, biển bạc; có lực lượng lao động dồi dào, đặc biệt đội ngũ trí thức, nhà nghiên cứu khoa học đứng ở top 3 trong nước. Chính những yếu tố trên là điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu, kết nối, chuyển giao KHCN, sản xuất, đẩy mạnh giao thương, xuất, nhập khẩu hàng hóa.

 Nhiều ý tưởng khởi nghiệp ĐMST đã trở thành mô hình SXKD hiệu quả ở TP. Huế theo hướng tăng trưởng xanh

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã, đang đẩy mạnh phát triển KHCN và ĐMST; lấy DN làm nòng cốt nhằm xây dựng, triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng và ĐMST dựa trên thành tựu  cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Những năm qua, Thừa Thiên Huế tổ chức các Giải thưởng Cố đô Huế nhằm khơi nguồn sáng tạo của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong, ngoài địa phương; cũng như các Cuộc thi khởi nghiệp ĐMST trong cộng đồng. Từ đó lựa chọn nhiều giải pháp KHCN, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp ĐMST để hình thành các mô hình kinh doanh mới, sản xuất xanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT-XH hiệu quả.

Theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2050, Thừa Thiên Huế phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, KHCN, ĐMST, chuyển đổi số hàng đầu cả nước… Trước mắt, là nhiệm vụ quan trọng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia chia sẻ, Thừa Thiên Huế là vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử, lại giàu tài nguyên rừng, biển, đặc biệt hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, của hiếm của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nên có nhiều dư địa để phát triển ý tưởng, khởi nghiệp ĐMST, hình thành phát triển các DN hoạt động sản xuất xanh.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trong đề án Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Thừa Thiên Huế sẽ ở trong tốp đầu cả nước về công nghiệp công nghệ cao và là động lực tăng trưởng chính của kinh tế. Trong đó, tỉnh chú trọng vào công nghiệp hỗ trợ cho nhóm ngành giá trị cao trong nước và thế giới. Hiện nay chính sách xuyên suốt của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên cho dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, địa phương lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải về 0 vào năm 2050.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: MINH VĂN - HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp

Nắng nóng được dự báo sẽ diễn ra gay gắt, kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng vụ hè thu, ảnh hưởng đến sinh trưởng đối với thủy sản nuôi lồng trên các sông. Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, nuôi trồng đang được ngành nông nghiệp quan tâm.

Đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp
Tăng trưởng xanh từ chỉ số PGI

Để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững môi trường, tỉnh cần cần tập trung cải thiện ở 4 nhóm chính sách lớn, tức là ở cả 4 chỉ số thành phần PGI.

Tăng trưởng xanh từ chỉ số PGI

TIN MỚI

Return to top