Cơ sở đóng tàu được hình thành tại Vinh Hiền tạo ra cơ hội phát triển đánh bắt xa bờ của người dân trong khu vực
Ngư dân phấn khởi
Chúng tôi đến cơ sở đóng tàu Khắc Hùng khi 30 người thợ đang tất bật đóng hai con tàu mới, vừa “lên đà” vào ngày 29/6 vừa qua.
Là một trong hai chủ tàu “mở hàng” cho cơ sở đóng tàu Khắc Hùng, ông Hà Thúc Minh, trú tại thôn Hiền An, xã Vinh Hiền cho hay: “Cách đây mấy tháng, khi nghe thông tin sắp có cơ sở đóng tàu quy mô lớn được thành lập ngay tại Vinh Hiền, ngư dân trong xã ai cũng phấn khởi. Ước mơ vươn khơi xa, tôi và một số người thân quyết định hùn vốn đóng tàu công suất lớn. Dự định trước đây sẽ lên Thuận An, nay có cơ sở đóng tàu ngay trên địa phương nên quá thuận lợi”.
Ngư dân trẻ Trần Thuận (30 tuổi, trú tại xã Vinh Hưng, Phú Lộc), chủ nhân con tàu đang được đóng mới còn lại phấn khởi: “Chiếc tàu mới có công suất 820 CV, cộng với hai máy đẩy sẽ giúp tàu chạy mạnh hơn khi vươn khơi. Kinh phí dự kiến khi hoàn thiện gần 13 tỷ đồng; trong đó, vốn của tôi 1 phần và Nhà nước hỗ trợ cho vay 2 phần”.
Cơ sở đóng tàu sẽ tạo ra công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động
Ông Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc Công ty Khắc Hùng cho biết, theo hợp đồng, thời gian đóng mỗi chiếc là 90 ngày, nhưng với tiến độ như hiện nay, không quá 60 ngày, chiếc tàu đầu tiên do cơ sở đóng sẽ được hạ thủy và ra khơi. “Nhận thấy nhu cầu đóng tàu ĐBXB ở Vinh Hiền và các khu vực lân cận rất lớn nên tôi mạnh dạn thành lập cơ sở tại đây. Từ khi khai trương, công ty tiếp nhận nhiều hợp đồng đóng tàu. Ít hôm nữa sẽ mở rộng mặt bằng để đóng chiếc lớn hơn, công suất 1.000 CV cho một ngư dân cũng tại xã Vinh Hiền. Ngoài các chiếc đang đóng, đã có 6 tàu đăng ký đóng mới. Năm 2018, cũng đã có hơn 20 chiếc được người dân liên hệ”, ông Hùng hồ hởi.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền thông tin: “Vinh Hiền là địa phương có thế mạnh về đánh bắt thủy hải sản trên biển, đặc biệt là có đội tàu đánh bắt xa bờ. Địa phương có cơ sở thì rất thuận lợi cho ngư dân Vinh Hiền đóng tàu lớn vươn khơi. Đây là bước tiến mới để phát triển nghề đánh bắt trên biển ở địa phương, tạo bước đột phá cho nghề biển”.
Vẫn còn trăn trở
Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh nhận định, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà đội tàu cá xa bờ của Phú Lộc có bước phát triển mạnh. Ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng tàu có công suất lớn, trang bị máy móc, công nghệ khai thác hiện đại để vươn khơi xa, khai thác hiệu quả hơn. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của đội tàu dịch vụ hậu cần và tàu thu mua giúp cho đội tàu khai thác yên tâm bám biển dài ngày trên biển. Đây là mô hình tổ chức hoạt động thủy sản trên biển những năm qua làm ăn có hiệu quả.
|
Ông Mai Văn Xỉ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho hay, trước những thông tin về chất lượng đóng tàu mà báo chí, thông tin đại chúng phản ánh thời gian qua, nhiều người dân có ý định đóng tàu mới ở Phú Lộc cũng cảm thấy lo lắng về chất lượng. Khi đóng tàu tại Vinh Hiền sẽ giúp người dân yên tâm hơn, giám sát và kiểm tra thường xuyên quy trình kỹ thuật.
Theo ông Mai Văn Xỉ, nỗi lo lớn nhất của ngư dân không phải là kỹ thuật, kinh phí đóng tàu mà lại là luồng lạch để tàu có thể ra vào cửa biển Vinh Hiền. Với luồng lạch bị bồi lấp như hiện nay, việc ra vào của những chiếc tàu có công suất 400 CV trở lên vô cùng khó khăn. Huyện đã có nhiều văn bản kiến nghị các cấp cần có phương án khơi thông luồng lạch, nhưng hiện nay vẫn chưa có phương án cụ thể. Trước mắt chỉ có thể “canh” con nước lên xuống mà di chuyển tàu ra biển.
Ông Nguyễn Khắc Hùng cho hay, qua khảo sát độ sâu của các luồng lạch, các tàu sẽ không thể di chuyển ra biển sau khi hạ thủy. Doanh nghiệp đang làm các tờ trình, lập một số phương án kiến nghị lãnh đạo tỉnh để sớm khơi thông cửa biển. Việc này cần được xử lý sớm vì dự kiến qua tháng 8/2017, chiếc tàu đầu tiên sẽ được hạ thủy.
Một khó khăn khác mà nhiều ngư dân từng tham gia đóng tàu theo Nghị định 67 vấp phải là quá trình giải ngân của ngân hàng. Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền mong muốn các cơ quan chức năng và phía ngân hàng tạo điều kiện nhất có thể cho ngư dân, giải ngân kinh phí nhanh. Thời gian đóng một chiếc tàu không dài, nếu chậm giải ngân thì rất khó để ngư dân mua nguyên, vật liệu và các chi phí khác.
Mỗi chiếc tàu đóng mới công suất 800 CV – 1.000 CV có kinh phí lên đến 12 – 15 tỷ đồng. Đây là con số cao gấp 2 lần so với đóng tàu bằng gỗ kiềng như trước đây. Theo ngư dân Trần Thuận, gỗ để đóng tàu hoàn toàn là lim xanh, được nhập từ Nam Phi, giá thành phẩm lên đến 50 triệu/m3. Dù vậy, nguyên liệu vẫn còn khá khan hiếm.
Đức Quang