Sản phẩm mây tre đan Bao La là sản phẩm điểm OCOP
Chưa đảm bảo kế hoạch
Theo kế hoạch, năm 2019 toàn tỉnh sẽ hoàn thiện nâng cấp tiêu chuẩn hóa 18 sản phẩm và phấn đấu có ít nhất 10 sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và hoàn thiện. 100% sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa (có dự án triển khai trong năm 2019) tham gia chu trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện, tỉnh.
Trong đó, mỗi đơn vị cấp huyện lựa chọn 1 đến 2 sản phẩm để tập trung phát triển (đánh giá tại cấp huyện đạt 3 sao trở lên, lập hồ sơ gửi hội đồng cấp tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh công nhận và xếp hạng). Cấp tỉnh lựa chọn ít nhất 2 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận xếp hạng từ 3 sao trở lên có lợi thế nhất để tham gia đánh giá, xếp hạng cấp quốc gia. Thế nhưng đến nay, các chủ thể kinh tế vẫn chưa thực hiện các thủ tục nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm.
Dù thương hiệu sản phẩm đã được định hình và được định hướng xây dựng sản phẩm OCOP quốc gia, nhưng sản phẩm mây tre đan của HTX Bao La vẫn gặp một số khó khăn. Các sản phẩm vẫn chủ yếu nhận gia công theo đơn đặt hàng và mẫu có sẵn của các doanh nghiệp. Các sản phẩm và mặt hàng làm quà tặng vẫn thiếu.
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX mây tre đan Bao La chia sẻ, do kinh nghiệm trong thực hiện chu trình OCOP không có nên chúng tôi sẽ cùng đơn vị tư vấn thực hiện các công đoạn chu trình. Thế nhưng đến nay, sản phẩm vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa. Đơn vị tư vấn đang làm việc với HTX về kế hoạch nâng cấp hoàn thiện sản phẩm, tiến tới cụ thể hóa đề án xây dựng mây tre đan Bao La thành sản phẩm OCOP.
Theo ông Phan Văn Tần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, trong năm 2019, các huyện bắt đầu triển khai chu trình OCOP và có 31 sản phẩm đăng ký ý tưởng. Sở NN&PTNT đã phối hợp với 2 đơn vị tư vấn làm việc với 31 chủ thể kinh tế có sản phẩm đăng ký và chọn ra 18 sản phẩm có tiềm năng tham gia chương trình đề xuất phân khai vốn thực hiện. Các chủ thể kinh tế đã phối hợp với các đơn vị lập kế hoạch hoàn thiện, nâng cấp tiêu chuẩn hóa sản phẩm với các nội dung được nhà nước hỗ trợ…và đã được phê duyệt phân khai vốn cho các huyện, thị xã.
Tuy nhiên, đến nay, các huyện, thị xã chưa có quyết định phê duyệt dự toán chi tiết cho các chủ đầu tư nên đơn vị tư vấn chưa ký được hợp đồng với các chủ đầu tư để triển khai thực hiện các bước hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm
Hiện, kinh phí phân khai vốn đợt 1 với 2,7 tỷ đồng, bao gồm kinh phí quản lý điều hành, tuyên truyền, tập huấn, xúc tiến thương mại, tham quan đánh giá xếp hạng đã giải ngân 2,13 tỷ đồng; còn lại 250 triệu chưa giải ngân do chưa tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm. Kinh phí này rất khó chuyển nguồn, sẽ bị thu hồi lại, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện.
Sản phẩm Zèng A Lưới đang được nâng cấp tiêu chuẩn hóa
Tháng 4 sẽ đánh giá xếp hạng cấp tỉnh
Do khối lượng công việc từ năm 2019 còn lại khá lớn nên trong năm 2020, nhiệm vụ thực hiện chương trình khá nặng nề. Toàn tỉnh phấn đấu có 34 sản phẩm được hoàn thiện nâng cấp tiêu chuẩn hóa sản phẩm và được xếp hạng 3 sao; 4,5 sản phẩm đạt 4 đến 5 sao; xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Thực hiện được điều này, trước mắt, các địa phương, chủ thể kinh tế phải nâng cấp tiêu chuẩn hóa 18 sản phẩm đã được phân cấp vốn năm 2019 để đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp huyện và làm hồ sơ đăng ký đánh giá xếp hạng cấp tỉnh trong tháng 4. Hoàn chỉnh 3 sản phẩm được Bộ NN&PTNT chọn làm điểm để thẩm định, phê quyệt, triển khai vào tháng 3.
Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông thông tin, địa phương đang đốc thúc các chủ thể sớm ký hợp đồng với tư vấn để thực hiện hoàn thiện, nâng cấp tiêu chuẩn hóa 2 sản phẩm mật ong ruồi Nam Đông và men rượu dưỡng sinh. Huyện sẽ đánh giá xếp hạng sản phẩm cấp huyện và làm hồ sơ đăng ký đánh giá xếp hạng cấp tỉnh trong tháng 3.
Đồng thời yêu cầu các chủ thể đăng ký tham gia OCOP phải chịu trách nhiệm về quyết định phương án sản xuất kinh doanh của mình, đảm bảo thiết thực, khả thi, hiệu quả và đủ năng lực để thực hiện. Cân nhắc kỹ việc đầu tư để đưa lại hiệu quả cả trước mắt và lâu dài, tránh tư tưởng vì có ngân sách hỗ trợ mà đầu tư…
Ông Phan Văn Tần khẳng định, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình OCOP để huy động hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời, các tổ chức doanh nghiệp cần hiểu rõ lợi thế cạnh tranh khi được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Các địa phương cần nâng cao vai trò lãnh đạo trong thực hiện chương trình, nhất là trong việc xác định đúng các sản phẩm tham gia chương trình, vận động các cơ sở, hộ gia đình liên kết, tạo quy mô sản xuất lớn để xây dựng thương hiệu, chuẩn hóa sản phẩm 1 cách hiệu quả.
Các chủ thể cũng cần chủ động trong quá trình thực hiện, chương trình OCOP chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm, vì thế bản thân sản phẩm phải chú trọng chất lượng, đặc trưng mang tính cộng đồng để tạo thương hiệu, sản phẩm đặc trưng.
Bài, ảnh: Hoàng Anh