ClockThứ Bảy, 02/10/2021 17:08

Chuyển dần sang đường chính ngạch

TTH - Đa số các mặt hàng, nhất là nông sản tại Việt Nam hiện được xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch. Con đường “vượt biên” này tỏ ra hiệu quả, song khi mà dịch COVID-19 bùng phát, rất nhiều rủi ro hiển hiện và thực tế, hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới bị tồn đọng thời gian qua là minh chứng.

Phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản sau giãn cáchĐẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19

Mô hình nuôi tôm hữu cơ tại Vinh Xuân (Phú Vang) sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng cho thị trường

Một con số đáng giật mình, chỉ 5% các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu theo đường chính ngạch, số còn lại chủ yếu là bằng các “đường phụ” như, tiểu ngạch, xách tay. Tại sao hướng tiểu ngạch lại thuận lợi đến thế? Đó là bởi con đường này thủ tục đơn giản, sự kiểm soát về chất lượng hàng hóa không cao. Thực ra, xuất khẩu tiểu ngạch như một phiên chợ giữa các nước giáp đường biên, trong đó, ngoài tuân thủ một số quy tắc về việc đưa hàng qua biên giới thì quan trọng cần có sự thỏa thuận giữa các “đối tác” làm ăn.

Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu tiểu ngạch các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn của nước ta. Trong mọi thời điểm, con đường xuất khẩu này giúp sản phẩm nội địa được tiếp cận với người tiêu dùng ngoài nước. Thế nhưng, khi dịch COVID-19 phức tạp, quy trình kiểm dịch đối với hàng hóa, phương tiện lẫn con người được nước bạn điều chỉnh đã gây khó khăn lớn. Hàng hóa khó thông quan, nhiều thời điểm ùn ứ ngay tại cửa khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi công thư đến Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan và xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Đồng thời, Bộ này cũng khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đưa hàng lên biên giới nếu xuất khẩu chính ngạch hoặc có thỏa thuận cụ thể với phía mua.

Trung Quốc có cái lý của họ khi kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu tại đường biên. Họ đã áp dụng các tiêu chuẩn về việc kiểm định nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, nhất là kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản được nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, khoảng 90% sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam dưới dạng thô, giá trị xuất khẩu thấp. Hiện vẫn còn nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, lô gô, nhãn mác, điều này gây bất lợi trong cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Gia vị bún bò Huế không chỉ xuất hiện trên kệ hàng trong nước mà còn xuất khẩu chính ngạch sang nước ngoài

Tại Thừa Thiên Huế cũng vậy, mặc dù không thiếu các sản phẩm có giá trị, trở thành thương hiệu của vùng đất, song câu chuyện xuất khẩu còn lắm gian truân. Rất nhiều trở lực được các cơ quan chức năng đặt ra như, vùng nguyên liệu nhỏ, sản phẩm chưa mang tính giá trị hàng hóa cao và ngành công nghiệp chế biến vẫn chưa phát triển… Nhiều thời điểm, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản bị ứ đọng và báo chí nhắc đến từ “giải cứu”, đặc biệt là trong thời COVID-19. Những lúc đó, ai cũng nhận ra rằng, giá trị hàng hóa đang chạm đáy, nông dân không nhận được thành quả tối thiểu. COVID-19 chưa biết lúc nào được kiểm soát, cụm từ “giải cứu” phải được thay thế bằng những giải pháp dài hơi khi ngay lúc này, hàng tấn cá đặc sản có giá trị cao của người dân đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đang tồn đọng, cần hỗ trợ tiêu thụ.

Cá đặc sản cũng khó tiêu thụ cho thấy giá trị loại hàng hóa này sẽ chạm đáy, nghĩa là dân sẽ mất đi thu nhập lớn khi thiếu các kênh phân phối chính thống, ngay từ đầu đã không có hợp đồng thu mua.

Đối với mặt hàng thủy sản, ngoài tiêu thụ nội địa, các sản phẩm của người dân cũng được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, điển hình là hải sản tại các cảng cá, tôm chân trắng được đầu nậu thu mua rồi sơ chế xuất khẩu.

Bài học về việc hàng nghìn tấn cá các loại tồn đọng trong kho cấp đông tại các cơ sở thu mua hải sản ở Cảng cá Thuận An giá trị vẫn còn nguyên. Dù có thời điểm chưa xuất hiện COVID-19, cá vẫn tồn đọng khiến người thiệt thòi lớn nhất là ngư dân. Lý do các cơ sở thu mua đưa ra là, hàng khó tiêu thụ, Trung Quốc thắt chặt việc xuất khẩu tiểu ngạch.

Tiểu ngạch hay chính ngạch đều là hình thức xuất, nhập khẩu phổ biến, là hoạt động buôn bán hợp pháp, được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Nhà nước. Song, xuất khẩu chính ngạch sẽ thể hiện được giá trị của hàng hóa và tránh được nhiều rủi ro, đặc biệt là trong thời COVID-19. Thừa Thiên Huế không phải không có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường lớn theo đường chính ngạch. Việc hàng tấn gia vị bún bò Huế của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ cho thấy Huế vẫn có tiềm năng để đưa sản phẩm sang nước ngoài chính ngạch.

Sự ra đời của các hiệp định như, CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam đường đường chính chính thâm nhập vào thị trường các nước, nhất là các nhóm ngành nông, lâm, thủy sản. Thừa Thiên Huế cũng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản chủ lực để đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt thị trường xuất khẩu, song để bền vững cần tính đến các hợp đồng tiêu thụ ổn định, dài hơi, xa hơn là hướng đến con đường chính ngạch.

Bài: LÊ THỌ - Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cơn khát” sầu riêng của Trung Quốc mang đến cơ hội làm giàu ở Đông Nam Á

Được mệnh danh là “vua trái cây”, sầu riêng từ lâu đã là một loại trái cây được yêu thích trong văn hóa địa phương ở Đông Nam Á, nơi nó được trồng rất nhiều. Nhiều người thực sự yêu thích hương vị ngọt, béo của trái sầu riêng, trong khi với nhiều người khác, sầu riêng được coi là loại trái cây “nặng mùi” nhất thế giới.

“Cơn khát” sầu riêng của Trung Quốc mang đến cơ hội làm giàu ở Đông Nam Á
Xử phạt nặng hành vi săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã

Thời gian gần đây, nạn săn bắt, tiêu thụ, quảng cáo để kinh doanh, buôn bán, chế biến các loài động vật hoang dã (ĐVHD) diễn biến khá phức tạp. Hành vi này có thể bị phạt lên đến 100 triệu đồng và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt nặng hành vi săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã
Return to top