ClockThứ Ba, 02/11/2021 16:06

Để doanh nghiệp thích ứng trong điều kiện "bình thường mới"

TTH.VN - “Thực trạng, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế trong điều kiện “bình thường mới” gắn với phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19” là nội dung hội thảo được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trong ngày 2/11.

Kiểm tra việc lắp đặt thiết bị quét mã QR tại cơ quan, doanh nghiệpKý kết, trao 26 thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Anh với giá trị hàng tỷ USD

Thừa Thiên Huế đang có khá nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

"Trong cái khó ló cái khôn"

Với sự tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19, việc lưu thông hàng hóa bị gián đoạn và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Trong đó, ngành du lịch, giao thông vận tải… chịu tác động không nhỏ với doanh thu chạm đáy, nhiều DN phải ngưng hoạt động, tuyên bố giải thể.

Năm 2020, doanh thu du lịch đã giảm 66% so với cùng kỳ năm 2019, thiệt hại về doanh thu du lịch ước khoảng 8.000 tỷ đồng. Lao động trong ngành du lịch bị nghỉ việc khoảng 10.000 người, 90% cơ sở lưu trú dừng đón khách, hoạt động lữ hành gần như tê liệt.

Ngành vận tải cũng chịu tác động không kém khi hầu hết các tuyến vận tải hoạt động trong nước cũng như ở ngoài nước, vận tải nội tỉnh đều trong trình trạng cầm chừng, thậm chứ ngưng hoạt động với doanh thu giảm gần như 100%. Các DN vận tải còn đối mặt với những chi phí lớn từ công tác bảo trì thiết bị do thời gian “nằm” quá lâu. Một số phương tiện có sử dụng vay vốn ngân hàng đều phải thanh lý trước thời hạn. Con số 100 xe taxi phải thanh lý với số tiền khấu hao lớn là một trong những minh chứng cho gánh nặng của DN.

Những cụm từ “DN chết lâm sàng”, “DN không chết cũng bị thương”…  trong đại dịch được cộng đồng DN nhắc đến khá nhiều tại hội thảo này.

Tuy nhiên, nhiều DN cũng tỏ ra lạc quan khi cho đây như một cơ hội để thử thách. Nhiều DN đã có những chuyển biến nhằm thích nghi trong dịch bệnh. DN du lịch tranh thủ thời gian đóng cửa tiến hành tái cơ cấu hoạt động của đơn vị, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, cơ cấu thị trường, nâng cao năng lực của DN. DN khác tự điều chỉnh tình hình hoạt động kinh doanh, đa dạng các loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách du lịch nội địa, nội tỉnh và thu hút lượng lớn khách du lịch như: khu du lịch Thanh Tân, làng Hành Hương, Laguna Lăng Cô, Lapochine Resort,... Các DN thương mại dịch vụ cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng bán hàng qua kênh thương mại điện tử, đa dạng hóa các sản phẩm…

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, ngành du lịch đang xây dựng kế hoạch khôi phục phát triển du lịch trong trạng thái bình thường với mục tiêu đảm bảo mục tiêu kép khắc phục suy giảm, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế, góp phần phát triển du lịch bền vững. Kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN du lịch, người lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh. Xây dựng các kịch bản quy trình điều kiện để chủ động sẵn sàng đón khách du lịch và phục hồi ngành du lịch.

Trong đó, có giải pháp kích thích du lịch nội tỉnh, tại chỗ để các nhóm cộng đồng, các đơn vị, tổ chức tham quan các điểm du lịch của tỉnh, các di tích, di sản trong tỉnh. Đồng thời, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch nội địa, nhất là khách nội tỉnh. Đẩy mạnh liên kết giữa các DN lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cơ sở dịch vụ du lịch tại các địa phương lân cận, các tỉnh thành hết dịch để tổ chức các gói sản phẩm hấp dẫn hoặc các chương trình kích cầu.

Doanh nghiệp tiếp cận với chính sách vay vốn trả lương ngừng việc

Không tạo ra "giấy phép con"

Theo ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp, gánh nặng tài chính vẫn là áp lực lớn nhất của DN. Vì thế, điều DN mong mỏi nhất là Chính phủ, Quốc hội và các ngành liên quan đến thuế, tài chính, ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ bằng “tiền tươi thóc thật". Cần lựa chọn những khu vực kinh tế, những dự án tạo ra cú hích cho phát triển để hỗ trợ với nguyên tắc sản xuất là việc của DN, phòng chống dịch là nhiệm vụ của chính quyền. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa để tạo hiệu ứng lớn trên thực tế, tạo lực đẩy, động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Tại hội nghị, đại diện các DN, hiệp hội cũng chia sẻ, nguyện vọng của DN lớn nhất bây giờ là được hoạt động. Nguyện vọng tiếp theo của DN là được cơ quan Nhà nước đặt vào vai trò đồng hành, cùng tham gia vào việc quản lý an toàn trong dịch bệnh, là chủ thể chính của sự phục hồi kinh tế chứ không phải đặt DN trong vai nhận hỗ trợ, được giải cứu, bị động như hiện nay. Vì thế, khi xây dựng chính sách, phần tham vấn DN cần chiếm tỷ trọng cao hơn, để chính sách sát với thực tiễn, dễ thực thi. Ngoài ra, hoạt động đối thoại công - tư cần được đẩy mạnh, cơ quan xây dựng chính sách cần chủ động đối thoại với DN hơn nữa.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Cường thông tin, hiện tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Theo đó, các thành viên của Tổ và các Tổ giúp việc sẽ chủ động nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, kiến nghị của DN, người dân. Chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng DN trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19”; tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, DN.

Đồng thời, tổ cũng tập trung rà soát, đề nghị cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top