Tại một trong những cơ sở vừa chế biến và kinh doanh các sản phẩm làm từ đậu nành ở TP. Huế
Trước kia, chị bán khuôn đậu có tiếng ở lô hàng “mặt tiền” đường Phan Đình Phùng lúc nào cũng đắt khách và thường hết hàng khá sớm vì sản phẩm của chị luôn đặc, thơm ngon “nức tiếng”, dù giá cao hơn 2.000 đồng mỗi bánh so với các hàng quán khác. Thế mà bây giờ cũng rơi vào cảnh ế ẩm.
Trở lại chuyện ki-ốt bán đủ các sản phẩm làm từ đậu nành mới mở đối diện chợ Bến Ngự vì sao bán đắt hàng, lúc nào cũng tấp nập người mua, người đợi là vì chỉ nhìn vào giàn máy móc mới toanh và chuyên nghiệp để xay, nấu, ra khuôn thành phẩm... không thôi cũng đã thấy sướng mắt. Hấp dẫn hơn nữa là sản phẩm luôn mới ra lò tươi ngon, nóng hổi... cũng đủ làm người mua thích dùng.
Cơ sở ở chợ Bến Ngự chỉ là một trong ba, bốn cơ sở được anh em trong cùng một gia đình quê miền Bắc vào Huế lập nghiệp, sinh sống cùng gầy dựng và phát triển. Hồi đầu, nắm bắt nhu cầu, tâm lý người tiêu dùng, chủ cơ sở đã thuê một ki-ôt trên đường Lê Đại Hành, ngay sát hông chợ Tây Lộc để vừa chế biến và bán ngay tại chỗ. Đắt khách, có hiệu quả, mô hình này được mở thêm điểm khác ở ngay cạnh chợ Trường An, TP. Huế.
Quan sát những cơ sở này, chỉ trong buổi sáng, mỗi cơ sở 3 người làm không ngớt tay, từng “mẻ” sản phẩm cho ra đều đều và đều được bán hết nhanh gọn, thậm chí có lúc khách hàng phải chờ đợi.
Thời buổi hiện nay, kinh doanh không chỉ cần có nghệ thuật, lấy uy tín, lòng tin làm trọng và biết chịu thương chịu khó mà còn phải kết hợp công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Những cửa hàng kinh doanh sản phẩm làm từ đậu nành kể trên chỉ mới là một ví dụ ở quy mô nhỏ và trong phạm vi nhỏ, song cũng đã chứng minh được tính hiệu quả và lợi thế.
Cho nên, dù sản xuất kinh doanh bất cứ mặt hàng nào nếu cần đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ cứng như máy móc, phương tiện thì vẫn nên đổi mới. Lĩnh vực kinh doanh nào cần đổi mới công nghệ mềm như bộ máy điều hành quản lý, con người, áp dụng công nghệ số, kinh doanh qua mạng, trao đổi giao dịch hàng hoá qua online thì cũng nên làm, nên cập nhật mới để không bị lạc hậu, không bị loại khỏi thương trường khốc liệt.
Người tiêu dùng là người được lợi nhất khi thị trường có sự cạnh tranh và xã hội cũng sẽ phát triển theo, tất nhiên với điều kiện cạnh tranh lành mạnh. Nên chỉ cần những ai tham gia vào thương trường thời buổi bây giờ nếu không xây dựng cho mình một thế mạnh nổi trội thì sẽ bị lép vế ngay và dần dần bị đào thải khỏi thương trường. Nhất là trong nền kinh tế đang chịu nhiều tác động mạnh do dịch bệnh phát sinh phức tạp, thiên tai, biến đổi khí hậu, thì việc đổi mới phương thức kinh doanh hiện đại, phù hợp xu thế là điều tất yếu để những người tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường tồn tại.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN