Để có cái nhìn toàn diện về thực trạng này, Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh, Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Hitech và Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển (BIDV) Thừa Thiên Huế - Hồ Mộng Thanh.
Đến thời điểm này, dịch COVID-19 tác động đến “sức khoẻ” cộng đồng DN tại Thừa Thiên Huế như thế nào?
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Hitech Trần Đức Minh
Ông Trần Đức Minh: Tại Thừa Thiên Huế, đa số là DN nhỏ và siêu nhỏ nên mức độ tác động thể hiện ngay từ khi bắt đầu dịch bệnh, rất nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển lĩnh vực hoạt động. Số lao động mất việc tiếp tục tăng khi nền kinh tế chưa phục hồi kịp thời, sức mua và tiêu dùng trong nước đang tăng chậm.
Ông Dương Tuấn Anh: Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI thực hiện đầu tháng 4, có gần 85% DN cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% DN thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh, trên 40% DN thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% DN phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% DN cho rằng doanh thu 2020 sẽ bị sụt giảm so với 2019. Và có 30% DN dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% doanh thu và 22% sẽ sụt giảm trên 50%.
Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tất cả các nhóm DN, trong đó nhiều nhất là khối DN tư nhân và DN FDI.
Hàng loạt gói hỗ trợ của Chính phủ được ví như “những chiếc máy thở” để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn, các ông có thể nói rõ hơn những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với DN?
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Dương Tuấn Anh
Ông Dương Tuấn Anh: Chính phủ và tỉnh đã và đang có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN, như: Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành SXKD; miễn, giảm giá nước sạch trên địa bàn tỉnh; được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH); được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn; miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng; được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Hy vọng với sự đồng hành của Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành và toàn xã hội, DN sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định SXKD; giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người lao động.
Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển (BIDV) Thừa Thiên Huế Hồ Mộng Thanh
Ông Hồ Mộng Thanh: BIDV thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
BIDV cũng triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng của DN.
Đối với nhu cầu vay mới, BIDV triển khai gói tín dụng hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mức lãi suất cho vay giảm tối thiểu từ 1-2% so với lãi suất cho vay bình quân đã áp dụng cho khách hàng trong năm 2019.
Cộng đồng DN Thừa Thiên Huế đón nhận và kỳ vọng gì vào những chính sách này?
Ông Dương Tuấn Anh: DN kỳ vọng các quyết sách của Chính phủ cần cụ thể, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Bởi nếu DN buộc tới bước đường cùng là đóng cửa, sa thải nhân sự thì không chỉ DN chết, người lao động mất việc mà quỹ bảo hiểm tự nguyện/BHXH khả năng cao cũng vỡ, nguồn thu thuế sụt giảm mạnh, căng thẳng xã hội gia tăng.
Ông Trần Đức Minh: Ngay sau khi Thủ tướng có các giải pháp hỗ trợ DN thì DN ở Thừa Thiên Huế rất kỳ vọng, xem đây là “phao cứu sinh”. Nhiều DN vẫn cố gắng cầm cự, tìm hướng đi mới phù hợp. Tuy nhiên, thời gian để những chính sách đó thực sự đi vào cuộc sống, để DN được tiếp cận lại quá dài nên nhiều DN đã không thể cầm cự nổi.
Việc tiếp cận gói hỗ trợ từ phía DN có vướng mắc, trở ngại?
Ông Dương Tuấn Anh: Việc triển khai của các bộ ngành, địa phương còn khá chậm so với diễn biến của dịch bệnh, chưa kịp thời theo tinh thần chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”.
Mặc dù Chỉ thị 11/CT-TTg (chỉ thị sớm nhất về hỗ trợ DN) đã ban hành 2 tháng nhưng đến nay, nhiều DN phản ánh chưa tiếp cận được các cơ chế, chính sách từ các cơ quan có trách nhiệm. DN vẫn chưa biết cách nào tiếp cận gói cứu trợ, gói vay ưu đãi được đưa ra với con số hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Chính phủ đã đưa ra các chính sách, gói tín dụng để hỗ trợ DN nhưng khi DN cần thì không biết cụ thể.
Do đặc điểm của các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng là DN nên việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN chủ yếu dựa trên cơ sở cắt giảm lợi nhuận và chi phí, phụ thuộc vào quy mô và hiệu quả hoạt động của từng NHTM.
Ông Trần Đức Minh: Nhiều ngân hàng “tung ra” hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất giảm 2 – 3% để kích cầu cho DN vay, tuy nhiên thực chất DN khó tiếp cận được.
Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất các khoản đã vay trước đây, song hầu hết các ngân hàng không giảm hoặc chỉ giảm 0,1 hoặc 0,2%/năm. Một con số giảm không có ý nghĩa cho DN.
Đối với thuế và BHXH được gia hạn nộp, thực chất là không nộp trước thì phải nộp sau, trong lúc 3 tháng DN không hoạt động thì sau này vẫn phải nộp như cũ.
Lâu nay, nhiều DN phản ánh việc tiếp cận vốn vẫn còn nhiều vấn đề về thủ tục. Và nếu muốn gói vay ưu đãi đến sớm và đến đúng đối tượng, mỗi bên là DN và ngân hàng cần thoả mãn điều kiện gì và gỡ vướng như thế nào?
Ông Hồ Mộng Thanh: Theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng tại Hội nghị trực tuyến ngày 22/4/2020 v/v tăng cường hoạt động tín dụng ngân hàng nhằm khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, các tổ chức tín dụng cần rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ đề nghị cơ cấu lại nợ, vay vốn của khác hàng nhưng không nới lỏng, hạ thấp các điều kiện tín dụng. BIDV Thừa Thiên Huế sẽ thường xuyên cập nhật chủ trương, hướng dẫn của BIDV Việt Nam để áp dụng kịp thời cho khách hàng.
Các đối tượng DN được vay ưu đãi theo chính sách hỗ trợ của BIDV phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của NHNN và BIDV. BIDV đã gửi NHNN các văn bản hướng dẫn liên quan đến cơ chế, chính sách và thông báo công khai trên website của BIDV để được biết.
Hiệp hội, DN có đề xuất kiến nghị gì với ngành ngân hàng để tháo gỡ khó khăn?
Ông Dương Tuấn Anh: NHNN cần có các biện pháp mạnh hơn để khuyến khích các NHTM thực hiện giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau.
Tỉnh cần tăng cường áp dụng các phương thức bảo lãnh tín dụng; bổ sung các quy định hỗ trợ về thuế, tín dụng cho các hộ kinh doanh như chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế khoán, miễn phí môn bài cho các năm 2020 - 2021; thành lập 1 “Ban chỉ đạo” có đủ thẩm quyền quyết định và giải quyết vướng mắc cho DN để hỗ trợ, giải đáp các ý kiến từ cộng đồng DN, người dân.
Đề nghị tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến hết tháng 12/2020. Chính phủ cũng cần trình ra Quốc hội đề xuất giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống 0,5% ít nhất trong thời hạn 6-12 tháng; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% còn 1% trước mắt cho năm 2020.
Ông Trần Đức Minh: Cần giảm tất cả các khoản vay hiện tại của DN từ 2-2,5% ít nhất trong 1 năm. Giảm thuế thu nhập DN xuống 10% cho tất cả các DN cho kỳ tính thuế 2020. Tất cả các mặt hàng có thuế VAT trên 5% thì giảm xuống còn 5%. Giá trị tài sản đảm bảo được tăng tỷ lệ cho vay lên 10-15% nhằm giúp các DN có thể vay thêm để hoạt động. Các DN có mục chi ủng hộ chống dịch COVID-19 thì được tính vào chi phí trước thuế.
LIÊN MINH (thực hiện)