Nhiều thách thức
Do tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước thải sinh hoạt... khiến chất lượng nước nguồn ở thượng lưu bị suy giảm. Ở vùng hạ lưu, lượng sắt, mangan tăng cao do hồ đập thủy điện, rong tảo phát triển mạnh.
Chất lượng nước của HueWACO đang dần được khẳng định
Số liệu kiểm tra chất lượng nước trong tháng 11/2017 cho thấy, độ đục nước sông Hương đang dao động ở mức 510 NTU (đơn vị đo độ đục khuếch tán), mangan 1,1 mg/l, sắt 4,3 mg/l, cao nhất so với 2 năm gần đây. Trong khi, độ đục nước sông Hương thời điểm bình thường chỉ duy trì ở mức 20 NTU; mangan 0,07 mg/l; sắt 0,6mg/l. Nước nguồn tại sông Bồ cũng có độ đục cao 450 NTU và duy trì ở mức 200 NTU; sông Ô Lâu cao nhất ở mức 530 NTU; sông Truồi 450 NTU.
Mùa hè, lượng chất hữu cơ trong nước tăng cao, cộng với việc điều tiết nước xuống vùng hạ du giảm sút khiến chất hữu cơ trong nước không được lưu thông, rong tảo phát triển mạnh khiến chất lượng nước giảm sút.
Một số vùng nước nguồn bị nhiễm mặn như nước nguồn cung cấp cho các nhà máy (NM) Phú Bài, Dã Viên, Hương Phong, Điền Môn.
Hệ thống cấp nước của HueWACO hầu hết đã đầu tư trên 20 năm, thậm chí đến 100 năm, được nâng cấp mở rộng qua nhiều giai đoạn; trong khi nhu cầu dùng nước tăng nhanh, hệ thống cấp nước trở nên quá tải. Chi phí năng lượng, hóa chất trong vận hành NM tăng theo từng năm tạo áp lực trong việc điều chỉnh giá nước.
Theo ông Châu Ngọc Long, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật HueWACO, công ty đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật, tăng cường bảo trì kết hợp phục hồi các máy bơm để tăng hiệu suất, cài chế độ vận hành tối ưu, ứng dụng năng lượng xanh, sạch vào xử lý nước. Đồng thời áp dụng nhiều công nghệ mới.
Đổi mới công nghệ
Năm 2017, HueWACO đưa vào nghiên cứu ứng dụng thành công bể lắng thảm bùn thông minh, chất lượng cao tại NM Quảng Tế 2.
Thi công bể lắng nhà máy Quảng Tế 1
Ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT HueWACO thông tin, hiện công trình bể lắng thảm bùn thông minh chất lượng cao được cải tiến ứng dụng tại các NM nước Quảng Tế 1, Quảng Tế 2 DN1, Quảng Tế 2 DN2 và NM Tứ Hạ. Việc ứng dụng công nghệ giảm độ đục sau xử lý xuống còn 0,02 NTU, thấp hơn độ đục nước nguồn ngày thường 2.000 lần, thấp hơn tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế 200 lần. Lượng sắt, mangan trong nước sau xử lý cũng ở ngưỡng 0,001mg/l, thấp hơn tiêu chuẩn Bộ Y tế 300 lần.
Việc đổi mới công nghệ góp phần đảm bảo cấp nước 24/24h. Ngay cả trong những ngày mưa, lũ vừa qua, chất lượng nước vẫn đảm bảo. Hiện, độ đục sau lắng các NM nước vẫn duy trì dưới 0,5 NTU (thấp hơn 10 lần bể lắng truyền thống), trong khi độ đục sau lắng bình quân của các công ty cấp nước 5 NTU, ngay cả Thái Lan độ đục sau lắng cũng cao hơn HueWACO 10 lần.
HueWACO xây dựng trung tâm chăm sóc khách hàng Call Center xử lý nhanh những sự cố nước, cam kết thời gian khắc phục sự cố với khách hàng. Điều này làm tăng tỷ lệ giao dịch qua thương mại điện tử từ 1.100 khách hàng vào cuối năm 2014 lên gần 50.000 khách hàng năm 2016, tiết kiệm chi phí hàng năm gần 800 triệu đồng.
Ông Trương Công Nam thông tin: HueWACO đang tập trung nguồn lực thực hiện dự án cấp nước toàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 (có tính đến 2030), đảm bảo an ninh nước, cấp nước an toàn và ngon cho trên 91,5% dân số vào năm 2020. Hoàn chỉnh mạng lưới, mở rộng cấp nước cho 31 phường, xã (trong đó có 10 xã mới) trên địa bàn toàn tỉnh, với hơn 86.000 người được sử dụng nước sạch. HueWACO sẽ ưu tiên ứng dụng công nghệ xanh, bể lắng thông minh chất lượng cao, thân thiện môi trường; xây dựng các trạm trung chuyển điều áp.
Nhờ tăng cường các giải pháp công nghệ, cải tiến kỹ thuật, trong những năm trở lại đây, HueWACO liên tục nhận được nhiều giải thưởng lớn trong hoạt động khoa học công nghệ. Trong đó, công trình nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh vào xử lý nước đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam năm 2015 và được ghi danh vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016. Năm 2017, 3 giải pháp kỹ thuật của HueWACO tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đều đạt giải. |
Bài, ảnh: Hoàng Loan