Giao dịch không dùng tiền mặt đang thể hiện được ưu thế
Đầu tháng 8, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã triển khai chương trình giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử lần thứ hai trong năm 2021. Theo đó, NAPAS giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành đến cuối năm 2021. Trên cơ sở đó, các ngân hàng đều đồng loạt triển khai các chương trình giảm, miễn phí giao dịch, giới thiệu các gói thanh toán, giao dịch với mức phí 0 đồng như một cách hỗ trợ và thu hút khách hàng.
Vietcombank được xem là ngân hàng khá “tiết kiệm” trong việc miễn, giảm các loại phí, thế nhưng mới đây, ngân hàng này cũng đã có động thái giảm hàng loạt loại phí dịch vụ trên toàn bộ các kênh: quầy giao dịch, ATM, ngân hàng số VCB Digibank, VCB_iB@nking và VCB Money cho các tất cả đối tượng khách hàng.
Với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm đến 80% phí chuyển tiền trong cùng hệ thống còn 1.000 đồng/giao dịch; giảm 25% phí chuyển tiền ngoài hệ thống xuống còn 4.000-6.000 đồng/giao dịch trên cả ngân hàng điện tử và ATM.
Trước đó, Vietcombank cũng ra mắt 4 gói tài khoản mới bao gồm: VCB Eco, VCB Plus, VCB Pro, VCB Advanced. Khi đăng ký các gói tài khoản này, khách hàng chỉ cần đóng 1 mức phí “trọn gói” cho các dịch vụ. Và khi duy trì số dư trên tài khoản thanh toán đáp ứng mức yêu cầu, khách hàng thậm chí sẽ không phải đóng phí duy trì gói hàng tháng.
Vietcombank cũng giảm đến 33% phí các gói tài khoản, áp dụng cho các gói tài khoản VCB Eco và VCB Plus, mức phí mới chỉ còn từ 7.000-20.000 đồng/tháng; giảm 17% phí rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống Vietcombank xuống còn 2.500 đồng/giao dịch. Đối với khách hàng tổ chức, Vietcombank cũng giảm đến 50% phí chuyển tiền ngoài hệ thống.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai chuỗi chương trình "ở nhà cùng bạn" trong tháng 8 như: miễn 100% phí chuyển tiền online, quẹt thẻ hoàn tiền tới 6% tại lĩnh vực online hoặc tới 10% tại lĩnh vực siêu thị, cộng thêm 0,2% lãi suất khi gửi tiết kiệm trực tuyến.
Nhiều nhà băng khác cũng đã thực hiện miễn phí chuyển khoản cho khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Quân đội (MB)…
Ngoài miễn giảm phí, các ngân hàng cũng triển khai tăng hạn mức cho các giao dịch trên ngân hàng điện tử. Việc làm này đã góp phần quan trọng giúp người dân hạn chế đi lại khi có nhu cầu giao dịch với khoản tiền lớn.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank) mới đây đã triển khai nâng hạn mức chuyển khoản 24/7 từ 300 triệu đồng lên tối đa dưới 500 triệu đồng/giao dịch. Tính năng “đổi gói hạn mức giao dịch” trên PV Mobile Banking cũng hỗ trợ khách hàng tự động nâng hạn mức giao dịch mỗi ngày lên tới 3 tỷ đồng. Nhờ đó, các khách hàng có nhu cầu giao dịch với số tiền lớn có thể thực hiện dễ dàng, tiết kiệm thời gian và loại bỏ nhiều rủi ro tiềm ẩn khi phải trực tiếp giao dịch tại quầy trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh tỉnh thông tin, cùng với miễn, giảm phí giao dịch, Agribank cũng điều chỉnh tăng hạn mức giao dịch ở hầu hết các kênh Internet Banking. Trong đó, áp dụng hạn mức tối đa mỗi lần giao dịch dưới 500 triệu đồng và hạn mức tối đa trong ngày là dưới 1,5 tỷ đồng với phương thức giao dịch cơ bản có mã pin; đối với giao dịch với mã xác thực nâng cao hạn mức tối đa cho mỗi giao dịch sẽ là 1 đồng và tối đa trong 1 ngày là 10 tỷ đồng. Các khách hàng là tổ chức hạn mức tối đa giao dịch trong ngày lên đến 50 tỷ đồng. Riêng với kênh giao dịch trên Mobile Banking hạn mức tối đa giao dịch trong ngày được nâng lên đến 5 tỷ đồng đối với khách hàng chuyển tiền trong và ngoài hệ thống khi sử dụng với giao dịch với mã xác thực nâng cao.
Ngoài ra, các ngân hàng đều có áp dụng chính sách miễn phí với các giao dịch chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19 như một cách chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Bài, ảnh: Hoàng Anh