Rau, củ quả không thiếu sau tết nên giá không tăng
Thèm bó rau xanh sau mấy ngày Tết ngán thịt, dầu mỡ, chị Ánh ra chợ mua bó rau xà lách xoong với giá 8.000 đồng. Hơi lấy làm lạ vì đầu năm giá không tăng mà chỉ ngang bằng như trong năm chị vẫn thường mua. Hỏi sang bó rau tần ô khá to, giá vẫn chỉ 6.000 đồng, cải xanh 5.000 đồng/bó. Theo những người bán, do năm nay gieo trồng muộn, ra tết lượng rau xanh được các nơi thu hoạch rất nhiều, nên giá bán không hề đắt đỏ như một số năm trước.
Thủy, hải sản cũng là mặt hàng được nhiều người chọn mua. Chị Thảo, bán cá tôm tại chợ Bến Ngự (TP. Huế) cho biết, rất nhiều người lựa mua tôm thiên nhiên, nhưng giá lại hạ hơn gần cả 100 nghìn đồng/kg so với những ngày cuối năm. Trong năm, giá tôm có lúc lên đến 350 nghìn đồng/kg, nhưng mấy ngày ra tết, chị Thảo chỉ bán được giá 250 nghìn đồng/kg. Những loại cá “ngon” như cá dìa, đối, thu… dao động từ 200-220 nghìn đồng/kg, hạ hơn khoảng 10- 15% so với trong tết. Các loại cá nuôi như trắm, rô phi… có giá khoảng 80- 100 nghìn đồng/kg.
Cá nuôi như trắm cỏ, rô phi, mè... được bán trong những ngày sau tết với giá 80- 100 nghìn đồng/kg
Không được nghỉ ngơi, chơi Tết như những điểm kinh doanh khác, một số hàng quán ở các chợ truyền thống trên địa bàn đã bắt đầu mua bán trở lại từ rất sớm. Nhất là các loại thực phẩm tươi sống như rau, cá, thịt… đã được mở hàng từ sáng mồng 2 Tết.
Hai trung tâm thương mại lớn trên địa bàn như siêu thị Big C, Co.Opmart Huế cũng mở cửa lần lượt từ ngày mồng 3 và mồng 4 Tết để phục vụ khách đến vui chơi, mua sắm. Đầu năm, lượng khách đến các trung tâm thương mại này chủ yếu là giới trẻ và mặt hàng bán chạy nhất là đồ chơi. Ngoài ra, một số mặt hàng như trái cây, rau củ quả đã được các siêu thị dự trữ và nhập về kịp thời để người dân mua phục vụ cúng kiếng đầu năm. Anh Lê Diên Nơ, Trưởng Bộ phận Maketing Siêu thị Co.Opmart Huế cho biết, giá cả các mặt hàng vẫn được bình ổn như trong năm, không tăng, có một số mặt hàng được áp dụng chương trình giảm giá để kích cầu mua sắm. Riêng trái cây nhập ngoại “cháy hàng” từ những ngày cuối năm do sức mua quá lớn. Khả năng trong ngày 6 Tết, trái cây ngoại sẽ bắt đầu có hàng trở lại.
Giá hàng hóa tại các siêu thị sau tết được bình ổn, lượng khách đến vui chơi, mua sắm bắt đầu nhộn nhịp trở lại
Ngày mùng 5 và 6 Tết được nhiều người quan niệm tốt ngày, nên hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn bắt đầu mở cửa trở lại. Hàng hóa phong phú, nên giá cả các mặt hàng không biến động. Không chỉ hàng từ các nơi nhập về không tăng mà ngay cả nông phẩm của địa phương cũng giữ giá như trong tết, thậm chí một số chủ hàng hạ giá bán vào thời điểm cuối ngày do lượng khách đi mua sắm còn thưa thớt.
Với giá cả ra tết "dễ thở" như vậy nên người tiêu dùng không còn cảm giác "đồng tiền mất giá" như những năm trước. Nhiều người hy vọng, đầu năm mức giá được giữ ổn định nên khả năng trong năm sẽ không có những đợt hàng hóa tăng giá. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi tiền lương, mức thu nhập được điều chỉnh tăng lên trong thời gian tới.
Riêng giá cả tại những điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống những ngày Tết có tăng khoảng 30- 40% so với ngày thường. Tuy nhiên, đây được xem là hiện tượng “thường niên”, do những ngày này giá nhân công phục vụ được trả tăng gấp đôi, gấp ba và thực phẩm chưa được bán nhiều, vì thế người tiêu dùng vẫn chấp nhận.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, từ ngày 1/2 đến 20/2, đơn vị đã thực hiện 309 vụ kiểm tra, xử lý 302 trường hợp vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, lĩnh vực chống buôn lậu, hàng cấm: 28 vụ, lĩnh vực giá: 68 vụ và các vi phạm khác về đăng ký kinh doanh, nhãn hàng hóa: 138 vụ. Tổng giá trị xử lý hơn 425 triệu đồng, gồm xử phạt vi phạm hành chính, hàng tịch thu và, hàng tiêu hủy.
Bài, ảnh: Hoài Thương