ClockThứ Bảy, 12/06/2021 12:37

Hàng quán dần sôi động, bán buôn chờ phục hồi

TTH.VN - Sau 28 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, chính quyền tỉnh đã hạ cấp phòng dịch. Với người dân đó là niềm vui bởi niềm tin kiểm soát bệnh dịch theo chiều hướng tích cực, nhưng với những ai kinh doanh thì niềm vui đó như nhân đôi sau chuỗi ngày việc buôn bán, làm ăn bị gián đoạn.

Tạo điều kiện để người bán hàng rong ổn định kinh doanhHàng quán chủ động nghỉ bán, phát khẩu trang miễn phíXử phạt một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không niêm yết giáThành phố Huế xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng

Một dãy hàng quán ở khu phố Tây sáng đèn trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch

Niềm vui ngày nới lỏng trở lại

“Ngày nào tôi cũng hóng tin tức và hy vọng kiểm soát được dịch, để việc kinh doanh có thể diễn ra trở lại như thường”, anh Nguyễn Vũ Long, chủ một nhà hàng trên đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế nói. Và khi nghe tin nhà hàng nằm trong nhóm được phép hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch, giãn cách tối thiểu 2m giữa các bàn, tối đa không quá 50% công suất phục vụ, anh tỏ ra vui mừng, phấn khởi.

Cũng như anh Long, hầu hết các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê… hoạt động cầm chừng để phòng, chống dịch bệnh theo quy định của cơ quan chức năng. Những ngày đó, quán sá chỉ được phục vụ không quá 10 người, rồi sau đó thì không được quá 20 người. Việc giới hạn phục vụ số lượng khách nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến việc buôn bán kinh doanh.

“Bán cho khách thì ít hơn ngày thường, trong khi đó phải thuê nhân công, chi trả thêm các chi phí khác nên tôi quyết định đóng quán, đến nay mới mở lại. Hy vọng mọi việc thuận lợi, dịch không còn và những người làm ăn, buôn bán có thể phục hồi sau một thời gian dài ảnh hưởng”, anh Long tâm sự.

Gần 28 ngày áp dụng các biện pháp phòng, dịch cũng là chừng ấy thời gian nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh từ lớn cho đến nhỏ thu hẹp hoạt động, áp lực trả tiền nhân công, mặt bằng.

Những ngày sau khi chính quyền cho các nhà hàng, quán ăn, cà phê.., hoạt động 50% công suất, nhiều nhà hàng, quán ăn, quá cà phê sầm uất ở khu phố Tây Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu – Chu Văn An, đường Tố Hữu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thái Học… nhộn nhịp trở lại.

Các quán sá mở cửa không chỉ giúp kích cầu việc giao thương, đáp ứng nhu cầu người dân mà còn tạo công ăn, việc làm cho người lao động. Tâm lý người kinh doanh nghe tin được buôn bán trở lại đều phấn khởi, mong ai cũng có công ăn việc làm, có thu nhập và hy vọng dịch bệnh được khống chế.

Tiếp tục buôn bán, tiếp tục phòng dịch

Anh Ái, chủ một nhà hàng trên đường Tố Hữu nói rằng, 28 ngày bán khách với số lượng giới hạn 10, 20 đối với anh như một sự ám ảnh. Anh kể, mặt bằng kinh doanh là của gia đình nên không ngại tốn kém, nhưng lo nhất là đội ngũ hơn 20 nhân viên phục vụ. “Quán ngưng hoạt động, các nhân viên không có thu nhập. Ngay khi nghe tin được hoạt động 50% công suất, tôi điện báo cho nhân viên đi làm trở lại, ai cũng vui mừng”, anh Ái kể.

Cùng lúc, anh Ái chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, đồ uống đảm bảo phục vụ thực khách. Tuy nhiên, theo nhận định của anh, do vừa cho hoạt động với 50% công suất trở lại nên rất khó để đón được lượng khách lớn bởi nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh.

Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hàng quán chấp hành phòng chống dịch

Ngay sau khi nhà hàng hoạt động, khách trở lại, tuy nhiên các nhà hàng đều đặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 lên hàng đầu. Những dãy bàn ghế được đặt cách xa nhau, khi thấy lượng khách vừa đủ sẽ không nhận thêm, trước khi vào quán phải sát khuẩn tay và trước đó phải tuân thủ yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Thậm chí, có quán còn cho nhân viên đo thân nhiệt khách trước khi vào.

" Dù biết khó khăn, nhưng phải ưu tiên phòng dịch hàng đầu. Nếu ngày nào còn dịch thì ngày đó sẽ còn gian nan, đặc biệt với những người kinh doanh như chúng tôi sẽ gặp nhiều thách thức”, anh Ái khẳng định và đánh giá chủ trương “siết chặt bên ngoài, nới lỏng dần bên trong” để phòng dịch cũng như khôi phục kinh tế là vô cùng xác đáng.

Cũng như anh Ái, nhiều cửa các hàng, quán sá chia sẻ, đã từng có thời gian làm quen với rất nhiều chỉ thị, quy định trong phòng, chống dịch nên nắm rất chắc cách thức hoạt động khi chính quyền chuyển sang trạng thái phòng dịch. Bên cạnh việc kinh doanh, tự phòng, chống dịch của chủ các quán, chính quyền cùng các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm quy định.

Cơ bản nhiều hàng quán chấp hành tốt, bởi từ trước đó có nhiều hàng quán vi phạm và bị xử phạm nghiêm. “Việc kinh doanh vẫn phải đảm bảo phòng, chống dịch. Còn nếu không thì bị phạt nặng, vừa nguy hiểm, ảnh hưởng đến xã hội”, anh Nguyễn Tùng, chủ một quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng, nói. Anh Tùng cho hay, dù công suất của quán một vài ngày qua đang dần phục hồi, nhưng một khi thấy quá đông sẽ xin thôi không nhận khách. “Có khách khó chịu, nhưng cũng có khách thông cảm, vì tình hình chung mà thôi”, anh Tùng tâm tình.

Bên cạnh điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều địa phương trên toàn tỉnh cũng đã bố trí, cắt cử lực lượng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các hàng quán buôn bán đúng quy định trong thời kỳ phòng, chống dịch. Ngoài việc bố trí bàn ghế đúng khoảng cách, phải có biện pháp kiểm soát số lượng khách ra vào, đảm bảo các quy tắc phòng dịch như đeo khẩu trang, dùng nước sát khuẩn…

Riêng tại khu phố Tây – nơi được cho là tập trung rất nhiều nhà hàng, quán ăn, giải khát, lực lượng chức năng thường xuyên lui tới để kiểm tra, đề nghị chủ hiệu kinh doanh dù buôn bán nhưng vẫn phải ưu tiên phòng chống dịch lên hàng đầu, không được lơ là, thiếu cảnh giác.

Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương tăng cường giám sát dịch tễ cộng đồng, chịu trách nhiệm kiểm tra, phê duyệt, quyết định các biện pháp phòng dịch và chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị, địa phương mình theo quy định.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy thế mạnh trong thu hút đầu tư, kinh doanh

Với lợi thế cách Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khoảng 40km, đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, có QL1A và đường sắt Bắc- Nam đi qua, đặc biệt có Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài và Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài nên Hương Thủy hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giao lưu thương mại với các vùng, miền trong nước cũng như quốc tế.

Phát huy thế mạnh trong thu hút đầu tư, kinh doanh
Cảnh giác với nạn trộm cắp tại cơ sở kinh doanh

Theo dự báo từ Công an TP. Huế, tình trạng trộm cắp tại các cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm. Qua đó, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác và tăng cường các biện pháp phòng, tránh để tự bảo vệ tài sản.

Cảnh giác với nạn trộm cắp tại cơ sở kinh doanh
Return to top