Đến hiện tại, tình hình kinh doanh xăng, dầu ở Huế vẫn ổn định
Càng bán càng lỗ
“Mấy ngày nay cứ bước chân ra khỏi nhà là nghe xì xào, đại ý doanh nghiệp (DN) xăng, dầu găm hàng chơ làm chi có chuyện xăng thiếu, làm chi có chuyện càng bán càng lỗ… nghe buồn nhưng không biết nói như thế nào”. Than thở của ông Lê Trung Ba – Giám đốc Công ty CP thương mại Phú Lộc như là tâm trạng chung của 58 DN kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh trong thời điểm mà họ cho biết càng bán càng lỗ, lỗ chồng lỗ.
Theo các DN kinh doanh xăng, dầu, từ tháng 7/2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng, dầu và các DN bán lẻ rất thấp, có thời điểm chiết khấu bằng 0, thậm chí có khi âm, trong khi họ phải trả chi phí vận chuyển, lương cho nhân viên… khiến càng bán càng lỗ. Tình trạng này đặt các cây xăng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
“Tôi cam đoan, giờ mà Nhà nước cho tôi đóng cửa tạm ngưng bán tôi cũng không đóng vì sợ mất khách, nhưng với chiết khấu như hiện nay, 1 tháng trung bình tôi lỗ tầm 300 triệu đồng. Để khắc phục, buộc lòng DN phải “bóp” lương của nhân viên. Nhưng dù có như vậy thì ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, trong khi DN giỏi lắm là “thoi thóp” rồi “chết” từ từ chứ không thể trụ vững được. Sau mấy tháng cố gắng “gồng” thì DN của tôi giỏi lắm chịu đựng thêm 1-2 tháng nữa là hết khả năng”, ông Lê Trung Ba chia sẻ.
Trước những bất cập các DN kinh doanh xăng, dầu toàn quốc nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng đang gặp phải, ông Lê Trung Ba đề xuất, một DN kinh doanh xăng, dầu có thể ký hợp đồng cung ứng với 2 đơn vị đầu mối cung cấp, cũng như mỗi khu vực kinh doanh xăng, dầu có thể làm 1 đại lý...
Còn với ông Nguyễn Văn Thi – DNTN Hà Trung (Phú Vang), thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, DN của ông (cũng như nhiều DN khác) vừa phải phòng, chống dịch, vừa phải mở cửa kinh doanh xăng, dầu, khi đó cũng đã thua lỗ. Khi “sức khỏe” DN chưa hồi phục lại tiếp tục vấp phải tình trạng như hiện nay. “Đã kinh doanh là phải có lãi, nhưng hiện đầu mối than không có lãi, còn DN thì lỗ, nhưng lỗ vẫn phải bán, mà càng bán càng lỗ. Trong khi không biết tình trạng này kéo dài đến lúc nào, không biết DN có chịu “nóng” được bao lâu”.
Ngoài những khó khăn trên, nhiều DN xăng, dầu còn phải đối mặt với chuyện 1 tháng phải tiếp 3-4 đoàn kiểm tra. “Có thể do sự phối hợp chưa nhịp nhàng giữa các lực lượng chức năng nên 3-4 đoàn kiểm tra cùng 1 nội dung khiến DN vừa mất thời gian, vừa thêm lo lắng, bất an”, ông Nguyễn Văn Thống – Giám đốc Công ty CP Xăng dầu DKC Huế chia sẻ.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt hoạt động các cây xăng trên địa bàn tỉnh
Cần có phương án sát thực tiễn hơn
Đánh giá tình hình kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công thương nhận định, Huế là địa phương có đặc thù so với nhiều tỉnh, thành khác khi thị trường xăng, dầu chủ yếu bán lẻ; không có đầu mối nhập khẩu xăng, dầu… Nhưng qua mấy đợt dịch COVID-19 bùng phát và tình hình khó khăn trong giai đoạn vừa qua, các DN trên địa bàn tỉnh vẫn vượt qua, giúp thị trường xăng, dầu ở Huế đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là điều các DN cần tiếp tục phát huy.
“Từ đây đến cuối năm, nhu cầu sử dụng xăng, dầu phục vụ đi lại, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, DN… tăng cao. Trong khi, kinh doanh xăng dầu thuộc hạng mục kinh doanh có điều kiện. Khi đã tham gia thì phải chấp thuận thực hiện theo quy định của Nhà nước. Vậy nên, để đảm bảo nguồn cung, từ chỉ đạo của Bộ Công thương, mong các DN có phương án đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong thời gian tới, trừ thời điểm bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai. Nếu DN đóng cửa nghỉ bán không báo cáo, không có lý do chính đáng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh”, ông Thanh nói.
“Chúng tôi biết những khó khăn của các DN xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đang gặp phải. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn chung của các DN xăng, dầu trên cả nước. Để tránh ảnh hưởng lớn đến người dân và nền kinh tế, từ đầu năm đến nay, Nhà nước đã nỗ lực giảm thuế, điều tiết quỹ bình ổn linh hoạt để ổn định giá mặt hàng chiến lược này. Bộ Công thương và các cấp có thẩm quyền đang nghiên cứu để điều chỉnh sao cho gần hơn với thực tiễn trên quan điểm hài hòa giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng”, ông Thanh chia sẻ.
Bài, ảnh: VÕ NHÂN