Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng những nỗ lực của ngành Ngân hàng
Tại địa bàn Thừa Thiên Huế, ngành Ngân hàng có mạng lưới gồm 28 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị, 7 Quỹ tín dụng Nhân dân; 11 chi nhánh loại 2 thuộc Agribank Thừa Thiên Huế với 95 phòng giao dịch, 141 điểm giao dịch tại xã, phường của NHCSXH.
Trong năm 2022, NHNN tỉnh đã tích cực nghiên cứu và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo hoạt động của các TCTD trên địa bàn, gắn hoạt động kinh doanh của ngành Ngân hàng với việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời, ngành Ngân hàng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan trong tổ chức triển khai, truyền thông kết quả điều hành các cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng ngân hàng tại địa phương.
Nhờ đó, tổng nguồn vốn huy động tại các TCTD trên địa bàn có mức tăng trưởng khá so với năm trước, đạt gần 60.457 tỷ đồng, tăng 4.837 tỷ đồng, tương ứng tăng 8,7% so với đầu năm (năm 2021 tăng 4,38%), cho thấy khách hàng luôn tin tưởng vào các chính sách của ngân hàng, lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng như một kênh đầu tư an toàn.
Vốn tín dụng cũng được các TCTD đầu tư đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, tín dụng toàn địa bàn tăng trưởng đều qua các tháng. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đạt 74.273 tỷ đồng, tăng 10.985 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,36% so với cuối năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (đạt 124% kế hoạch). Nguồn vốn này đóng vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 của Thừa Thiên Huế nói chung và các doanh nghiệp, người dân nói riêng.
Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế cũng đề ra một số chỉ tiêu hoạt động ngân hàng, cụ thể, đầu tư tín dụng tăng khoảng 14%; tỷ lệ nợ xấu đảm bảo ở mức an toàn (dưới 3%).
Nguồn vốn tín dụng của ngành Ngân hàng đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đánh giá cao những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong điều hành chính sách tiền tệ cũng như sự đồng hành của ngành trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh… Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị NHNN và hệ thống các TCTD trên địa bàn cần triển khai kịp thời, có hiệu quả hơn nữa các chính sách tín dụng, tiền tệ ngân hàng theo sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, NHNN Việt Nam và UBND tỉnh.
Trong đó, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong năm 2023, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, phát triển các chương trình tín dụng ưu đãi. Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp của ngành Ngân hàng tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ nhằm hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua các ngân hàng thương mại. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.
Cùng với việc chuyển đổi số, ngành Ngân hàng cần thực hiện và quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, giảm các thủ tục không cần thiết trong cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp và người dân cận vốn ngân hàng một cách thuận lợi... phải nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn trong hoạt động, hạn chế thấp nhất nợ xấu phát sinh… Quan tâm đến công tác an sinh xã hội đối với tỉnh.
Với những kết quả đạt được trong năm 2022, Phòng Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã vinh dự Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ngoài ra, 6 tổ chức tín dụng cũng được Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tặng Giấy khen vì những đóng góp trong hoạt động của ngành năm 2022.
Tin, ảnh: HOÀNG LOAN