ClockThứ Hai, 19/12/2022 07:10

Ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

TTH - Thời điểm cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, thị trường tiêu dùng trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động nhưng song song với đó cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc…

Xây dựng thương hiệu, phát triển thị trườngDự báo biến động thị trường phân bón từ nay đến cuối nămChợ hoa Tết chiều cuối năm: Cắt cành cúc chậu bán, hoa kiểng giảm giá

Kiểm tra cửa hàng kinh doanh áo ấm giả mạo nhãn hiệu The North Face trên đường Trần Hưng Đạo

Đáp ứng nguồn cung xăng, dầu

Năm 2022, tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả xăng, dầu (XD) ở Việt Nam. Tác động tiêu cực khiến nhiều cửa hàng bán lẻ XD trên cả nước tạm ngưng hoạt động, hoặc bán nhỏ giọt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, với nhiều yếu tố, như: khả năng chèo lái của các DN bán lẻ XD; hệ thống các cửa hàng bán lẻ XD nhiều, trải khắp địa bàn tỉnh và chủ yếu thuộc hệ thống của 3 đơn vị mang tính chất Nhà nước: Công ty XD Thừa Thiên Huế (Petrolimex), PV Oil và Công ty XD Quân đội; có kho cảng XD tại Chân Mây (Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô) sức chứa 22 ngàn m3; không bị phụ thuộc bởi hệ thống thương nhân phân phối như nhiều tỉnh, thành ở phía Nam…, đã giúp thị trường XD Huế đứng ngoài vòng xoáy bất ổn đó.

Và để có được sự ổn định này, còn là sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của tỉnh và các ngành chức năng, cũng như công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh XD trên địa bàn tỉnh.

Ông Phan Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay, bên cạnh thường xuyên giám sát 100% cửa hàng kinh doanh XD, đơn vị đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết và cung cấp thông tin đường dây nóng đối với 132/132 đơn vị kinh doanh XD và 3 doanh nghiệp thành viên, chi nhánh của các thương nhân đầu mối có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh. Những động thái này góp phần ổn định nguồn cung, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng... Thời điểm cuối năm, nhu cầu di chuyển tăng cao, Cục QLTT tiếp tục ra quân, kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo các cửa hàng kinh doanh XD trên địa bàn hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hàng hóa vi phạm bị lực lượng quản lý thị trường tịch thu và đem tiêu hủy

Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, người tiêu dùng

Ngoài XD, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính, trong năm 2022, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 920 vụ liên quan đến sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) với tổng giá trị thực hiện gần 4,5 tỷ đồng, thu nộp ngân sách hơn 2,6 tỷ đồng. So với năm 2021, tổng thu nộp ngân sách tăng 7,2%, trong đó, số thu xử phạt vi phạm hành chính đạt 210%, tăng gấp đôi cùng kỳ.

Kết hợp kiểm tra, xử lý, đơn vị đã tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh với các nhóm hàng cụ thể, như: dịch vụ vận tải, logistics, kinh doanh điện thoại di động, thuốc tân dược, dụng cụ y tế phòng, chống COVID-19, ô tô, xe máy... và vận động ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, định giá bán bất hợp lý; không găm hàng, đầu cơ tạo khan hiếm nguồn cung…

“Trong năm, đơn vị đã thực hiện 2.350 đợt tuyên truyền, cung cấp đường dây nóng và vận động 2.869 cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết. So với năm 2021, số lần tuyên truyền, ký cam kết tăng hơn 50%”, ông Phan Hùng Sơn cho hay.

Với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại & hàng giả (BL, GLTM & HG) tỉnh (BCĐ 389/TTH), bên cạnh tham mưu, xây dựng kế hoạch chống BL, GLTM & HG; phối hợp lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, quy định, chế tài xử lý đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; đảm bảo ATVSTP, đến đầu tháng 12/2022, Cục QLTT tỉnh cùng lực lượng liên ngành tiến hành kiểm tra, kiểm soát và phát hiện 2.075 vụ, xử lý 1.746 vụ với số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Thời điểm cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao, hoạt động khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng diễn ra sôi động ở cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Nhưng song song với đó cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc với thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc truy vết, xác định chính xác địa chỉ thực tế để tiến hành kiểm tra, kiểm soát theo quy định.

Trước thực trạng trên, Cục QLTT tỉnh đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra thị trường những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong thời điểm này, như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát…, đồng thời, phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các tuyến đường bộ, đường sắt…

"Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị nghiêm cấm các hành vi cố ý gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, các hành vi bao che, tiếp tay, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ", ông Phan Hùng Sơn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

TIN MỚI

Return to top