ClockChủ Nhật, 13/11/2022 08:56
CHẬM GIẢI NGÂN GÓI HỖ TRỢ LÃI SUẤT 2%:

“Tại anh tại ả, tại cả đôi đường”

TTH - Nguyên nhân dẫn tới tiến độ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất (HTLS) chậm đối với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh (HKD) được chỉ ra có cả từ phía ngân hàng lẫn khách hàng.

Áp lực tỷ giáĐa dạng giải pháp huy động vốn

ACB Huế là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên trên địa bàn đã giải ngân gói hỗ trợ lãi suất

Sau gần nửa năm triển khai gói HTLS 2%, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã rất nỗ lực, nhưng kết quả số khách hàng tiếp cận được nguồn vốn vay này “đếm trên đầu ngón tay”. Nghịch lý DN, HTX, HKD “đói vốn” nhưng không thể tiếp cận được gói HTLS, giảm 2% lãi vay thương mại do NHNN triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) được giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Lãnh đạo một DN trên địa bàn tỉnh (xin không nêu tên) không mặn mà với gói vay ưu đãi này khi chúng tôi đặt vấn đề. Vị này thẳng thắn: “Vì thủ tục quá phức tạp, phải nộp nhiều giấy tờ chứng minh doanh thu, khả năng phục hồi… Đây là rào cản khiến DN hụt hơi trong việc tiếp cận, đành phải tìm kiếm các giải pháp khác hay chấp nhận vay với lãi suất thị trường để có được nguồn vốn, đáp ứng kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) dịp cuối năm, thay vì chờ đợi được xét duyệt khoản vay HTLS qua nhiều công đoạn, nhiều cơ quan.

Một trong những nguyên nhân khiến các DN không mấy hào hứng với việc được HTLS là ngại công tác thanh, kiểm tra sau gói HTLS. “Kinh nghiệm từ đợt trước, các đoàn thanh tra, kiểm toán tới không phải một lần mà nhiều lần, thậm chí kéo dài nhiều tháng đã trở thành nỗi ám ảnh của DN. Giả sử thiếu một hóa đơn, hoặc một giấy tờ nào đó bị sai, DN sẽ khốn khổ ngay…”, kế toán trưởng một công ty bộc bạch.

ABbank Huế cũng chưa tham gia gói hỗ trợ lãi suất

Có HKD chia sẻ, họ chỉ được vay một khoản tiền nhỏ trong ngắn hạn, vì vậy nếu được HTLS cũng chỉ giảm được số tiền khiêm tốn, không tạo động lực để tiếp cận gói HTLS này. Có HTX không e ngại thủ tục hay thanh, kiểm tra thì lại gặp vướng ở khâu tiêu chí đánh giá. Chẳng hạn, họ đang cần vay 10 tỷ đồng để đầu tư SXKD; song khả năng khó tiếp cận được bởi lẽ tiêu chí của gói HTLS là phải có doanh thu, có tài sản đảm bảo, không có nợ xấu… Trong khi, hai năm qua, dịch bệnh hoành hành khiến HTX này phải tạm dừng hoạt động, nên khó đáp ứng tiêu chí này.

Theo NHNN Thừa Thiên Huế, cơ quan này hết sức nỗ lực trong quá trình triển khai gói HTLS 2% đối với DN, HTX, HKD theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN. NHNN tỉnh đã có văn bản thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh chính sách và các trường hợp từ chối HTLS đối với khách hàng thuộc đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện. Trong khi, theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh - Dương Tuấn Anh, “cạn room” (hạn mức tín dụng) cũng là một trong những nguyên nhân giải ngân chậm gói HTLS này.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 26/26 NHTM đã có hướng dẫn nội bộ từ hội sở chính. Tuy nhiên, đến nay, mới giải ngân 4 khách hàng với tổng dư nợ 23.346 triệu đồng được HTLS. Cụ thể, Agribank: 2 khách hàng với dư nợ 3.331 triệu đồng (trong đó có 1 DN và 1 HKD); ACB: 1 DN với dư nợ 14,9 triệu đồng; VietinBank: 1 DN với dư nợ 20.000 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Thừa Thiên Huế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn 6799/UBND-TH ngày 1/7/2022 triển khai thực hiện Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ. Đồng thời, ngân hàng này đang rà soát đối tượng khách hàng và số dư nợ để thực hiện HTLS theo Nghị định số 36.

Nhiều NHTM trên địa bàn tỏ ra băn khoăn với tiêu chí về khả năng phục hồi không quy định rõ ràng nên sau này sẽ gặp khó khi thanh, kiểm tra. DN có thể đáp ứng điều kiện HTLS tại thời điểm giải ngân nhưng do yếu tố khách quan, chủ quan, khách hàng phát sinh nợ xấu thì có thể sau đó, cơ quan thanh, kiểm tra lại đánh giá khách hàng và khoản vay không đáp ứng điều kiện chương trình và phải thu hồi HTLS.

“Ngân hàng nào cũng muốn xác định khả năng trả nợ tại thời điểm này, nhưng khả năng trả nợ lại ở thì tương lai, nếu sau 1 - 2 năm, khách hàng không trả được nợ sẽ cho rằng DN đã xác định không chính xác, khả năng trả nợ không có, đến thời điểm đó có thể sẽ không trả được nợ” - đại diện BIDV nhận định.

Vấn đề đặt ra ở gói HTLS này, là vì tiền hỗ trợ lấy từ ngân sách Nhà nước nên việc các NHTM thận trọng cho vay là điều tất yếu để đảm bảo đồng vốn sử dụng đúng, trúng, hiệu quả. Thực tế, tiêu chí về khả năng phục hồi DN mang tính định tính, phụ thuộc nhiều vào diễn biến tình hình trong tương lai. Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay thì tương lai không có gì chắc chắn. Do đó, cả ngân hàng và DN đều có tâm lý e ngại cũng dễ hiểu.

Để triển khai hiệu quả chính sách HTLS, nên chăng cần phải linh hoạt, triển khai nhiều giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, có những hình thức động viên để ngân hàng có động lực thực hiện nhiệm vụ chính trị này. Với nhóm đối tượng không đạt chuẩn thì nên có gói hỗ trợ khác chứ không được để ngân hàng hạ chuẩn khoản vay hỗ trợ thì sẽ sai mục đích đã đề ra.

Cũng không nên cố gắng hết sức để giải ngân gói HTLS bằng mọi giá trong năm nay mà phải theo sức hấp thụ của thị trường, đảm bảo bài toán lớn hơn là ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt khác, nên xem xét lại việc đánh giá tiêu chí về khả năng phục hồi của DN theo đánh giá nội bộ của mỗi ngân hàng. Cùng với đó, NHNN cần làm việc với các cơ quan thanh, kiểm tra, xác định rõ phạm vi thanh, kiểm tra để loại bỏ tâm lý e ngại của các ngân hàng và khách hàng…

NHNN tỉnh thông tin thêm, trên địa bàn có 1.541 khách hàng với tổng dư nợ 3.847 tỷ đồng thuộc ngành được HTLS; trong đó, có 711 khách hàng đáp ứng điều kiện với tổng dư nợ 1.441 tỷ đồng. Cụ thể, 4 khách hàng đã được HTLS 2% và đã được giải ngân; 215 khách hàng đang hoàn thiện hồ sơ (tại 8 chi nhánh NHTM: VietinBank Nam Thừa Thiên Huế, Agribank, BIDV, Sacombank, SHB, Eximbank, PVcombank, ACB); 444 khách hàng phản hồi không có nhu cầu HTLS; 48 khách hàng chưa phản hồi.

Bài, ảnh: BẠCH QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Return to top