ClockChủ Nhật, 29/10/2023 07:40

Tăng trưởng tín dụng & câu chuyện hài hòa lợi ích

TTH - Dù định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14%; song đã qua quý III mà tăng trưởng tín dụng trên địa bàn mới chỉ đạt 1,82%. Điều này không chỉ cho thấy khả năng hấp thụ vốn thấp mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Năng lực hấp thụ vốn tín dụng của kinh tế giảm còn xuất phát từ sự ‘lệch pha’ Tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo chất lượngThúc đẩy cho vay tiêu dùng

 Đơn giản thủ tục cho vay cũng là giải pháp tăng tiếp cận tín dụng

Thấp hơn huy động vốn

Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay đang từng bước được ngân hàng cắt giảm so đầu năm nay, mức giảm 1-3% đối với doanh nghiệp và 1-2,5% đối với khách hàng cá nhân. Thậm chí, một số ngân hàng còn tung các gói tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ 6,5-8%/năm (thấp hơn cả lãi suất huy động) trong thời gian đầu 6 tháng đến 1 năm. Cùng với đó, nhiều ngân hàng cũng mạnh dạn triển khai cho vay trả nợ ngân hàng khác với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm 2023.

Theo ghi nhận trên thị trường, mức lãi suất huy động cao nhất tại nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chỉ còn 5,3%/năm, bằng với giai đoạn COVID-19 bùng phát. Ngoài ra mới đây, Vietcombank đã giảm lãi suất huy động lần thứ 2 liên tiếp trong tháng 10 với mức giảm 0,2 điểm % đối với nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất cao nhất tại Vietcombank chỉ xuống chỉ còn 5,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng lớn. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6-9 tháng giảm còn 4,1%/năm; từ 1-3 tháng dao động từ 2,8-3,1%/năm.

Đây cũng là lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng mới ghi nhận lại tình trạng huy động vốn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng của năm. Trong các năm trước, tăng tưởng tín dụng luôn cao hơn nhiều so với huy động vốn. Tuy nhiên năm nay, huy động vốn lại có những bước tăng trưởng đáng kể ở mức 8,77%, trong khi đó, dư nợ cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến hết quý III mới chỉ tăng trưởng 1,82% so với cuối năm 2022.

Toàn địa bàn có 27 chi nhánh ngân hàng thương mại đang hoạt động thì có 14 chi nhánh tăng trưởng tín dụng dương và 13 chi nhánh tăng trưởng tín dụng âm. Tỷ trọng doanh nghiệp vay vốn chiếm 38,5% tổng dư nợ cho vay, tăng 1,48% so với đầu năm; hộ kinh doanh, cá thể chiếm tỷ trọng 61,4%, tăng 0,96% so với đầu năm; các đối tượng khách hàng khác chiếm tỷ trọng 0,1% tổng dư nợ cho vay. Trong khi đó cùng thời điểm này năm ngoái, dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng đã tăng trưởng đạt 13,77%.

Như vậy, mặc dù đã qua gần 3/4 chặng đường của năm 2023, song ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được hơn 1/7 kế hoạch tăng trưởng tín dụng ngành đề ra vào cuối năm 2022. So với trung bình chung của cả nước quý III là 6,29%, thì tăng trưởng tại địa phương thấp hơn rất nhiều; thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (13.77%) và định hướng điều hành cả năm 2023 (từ 14%).

Nghịch lý lãi suất thấp vẫn khó vay

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho câu chuyện tín dụng năm nay tăng thấp hơn so với năm ngoái, trong đó những khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước tác động không nhỏ đến nhu cầu đầu tư, tiêu dùng, tín dụng của cả người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, mức độ rủi ro của doanh nghiệp được đánh giá cao hơn nên ngân hàng càng thận trọng trong các quyết định cho vay.

Nhìn vào con số nợ xấu trong thời gian qua của hệ thống ngân hàng phần nào thấy được những rủi ro mà các tổ chức tín dụng đang đối mặt. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên cả nước đã ở mức 3,56% cao hơn 0,56% so với tỷ lệ an toàn cho phép theo thông lệ quốc tế (3%). Tỷ lệ này đang cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Đây chính là một hồi chuông cảnh báo chất lượng cho vay kém hiệu quả, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, hạn chế sự phát triển của hoạt động tín dụng, gây tổn hại đến uy tín và khả năng cạnh tranh của ngân hàng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đẩy tín dụng vào nền kinh tế khi năng lực hấp thụ của nền kinh tế còn hạn chế, doanh nghiệp, người dân hay các cơ sở kinh tế chưa sẵn sàng về năng lực sử dụng, sẽ khó thúc đẩy tăng trưởng, đôi khi tác động ngược đối với nền kinh tế.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh nhấn mạnh, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng và an toàn vốn vay là ưu tiên hàng đầu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, các ngân hàng thương mại phải hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, thực hiện tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, với đặc thù hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô, năng lực hạn chế nên việc tiếp cận và đủ điều kiện để thụ hưởng các chính sách tín dụng sẽ gặp khó khăn hơn nhiều. Vì thế, các doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều sự hỗ trợ về tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng để cung và cầu tín dụng có thể gặp nhau. Để làm được điều này cần có sự chung sức của cả người dân, doanh nghiệp và ngân hàng, cũng như sự tham gia quản lý của Ngân hàng Nhà nước và sự định hướng vĩ mô của Chính phủ.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được ban hành cần chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực, để mỗi chính sách được ban hành đều có thể nhanh chóng phát huy giá trị. Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay với nền kinh tế, nhất là với các dư nợ hiện hữu, thúc đẩy cho vay dựa trên uy tín doanh nghiệp thay vì tập trung vào tài sản đảm bảo. Đối với các doanh nghiệp, giải pháp quan trọng nhất để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng là phải tăng cường sức khỏe tài chính, minh bạch dòng tiền và phương án kinh doanh để củng cố niềm tin với các tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhấn mạnh, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh. Bản thân cộng đồng doanh nghiệp rất trân trọng những nỗ lực của ngành ngân hàng đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất chủ động để tự nâng cao năng lực của từng doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện về tín dụng ngân hàng vì chúng tôi hiểu rằng bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Và việc cấp tín dụng cũng phải tuân thủ những điều kiện để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên nên chăng, ngân hàng cần mạnh dạn hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hình thức vay tín chấp, giảm bớt thủ tục sử dụng tài sản đảm bảo để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm động lực vươn ra biển lớn.

Bài, ảnh: Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ổn định lãi suất, tạo đà tăng trưởng

Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Song cùng với đó, để thúc đẩy tín dụng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, các ngân hàng phải tìm cách tiết giảm chi phí, nỗ lực giữ ổn định lãi suất cho vay.

Ổn định lãi suất, tạo đà tăng trưởng

TIN MỚI

Website https://creditcard.com.vn Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụngHướng dẫn cách chuyển tiền atm Mở the tín dụng không cần chứng minh thu nhập bằng cách nào
Return to top