Một thời hưng thịnh
Đến cửa hiệu băng đĩa Huy Hoàng trên đường Nguyễn Trãi - TP. Huế, cô chủ tên Hậu đang kê ghế xếp chuẩn bị nghỉ ngơi vội tươi cười đón khách với tâm thế nửa nhiệt tình, nhưng vẫn nửa “mặc” khách. Lúc biết chúng tôi muốn tìm hiểu tình hình mua bán băng đĩa hiện nay, chị Hậu không tỏ ra thất vọng mà ngược lại niềm nở trải lòng về những thăng trầm trong nghề.
Năm thì mười họa mới có khách đến “viếng”, mua hàng. Ảnh: Hoài Thương
Cửa hàng băng đĩa Huy Hoàng được chị Hậu sang lại cách đây khoảng 7 năm. Hàng ngày, khách vào ra rất đông nên ngoài 2 vợ chồng, chị phải thuê thêm 2 người bán mới có thể quán xuyến hết công việc. Chị nói: “Nhiều lúc mới mở cửa, khách đã đến đông nghẹt, đến trưa có khi phải bỏ ăn để bán hàng. Hồi đó, lấy hàng về chỉ vài ngày là bán sạch, không có chuyện tồn hàng hay bán giảm giá”.
Bước đến cái tủ kê trong góc cửa hàng lấy ra vài bìa đĩa nhạc “hot” của khoảng chục năm trước, chị Hậu kể, hồi đó khách đến mua đĩa phim, nhạc chia độ tuổi rất rạch ròi; khách trung niên trở lên thì mua đĩa “nhạc vàng”, “nhạc đỏ” hoặc những đĩa phim tâm lý xã hội trong nước, nước ngoài... Còn giới trẻ “săn lùng” những loại đĩa theo trào lưu, như: phim Hàn Quốc, nhạc trẻ thị trường… Trẻ em vào cửa hàng thì mua các đĩa hoạt hình, trò chơi, siêu nhân, nhạc bé Xuân Mai... “Hồi đó đầu tư kinh doanh băng đĩa 1 nhưng lời tới 5, 10, có loại đĩa lời đến 15-20. Vào dịp giáp tết, cửa hiệu chong đèn đến 1-2 giờ sáng. Doanh thu mỗi ngày 25- 30 triệu đồng là thường. Nhờ đó mà vợ chồng mua sắm được xe cộ, nhà cửa, con cái học hành” chị Hậu bộc bạch.
Cùng tâm trạng như chị Hậu, anh Võ Tiến Định, “trùm” kinh doanh cửa hàng băng đĩa một thời ở T.P Huế với thương hiệu là Dinh CD ở đường Bến Nghé, Nguyễn Huệ, Đống Đa... không khỏi nuối tiếc mỗi khi ai đó gợi lại quá khứ “vàng son” của nghề. Hồi đó, trước khi xây dựng thương hiệu “Dinh CD” tại Huế, anh Định có nhiều năm kinh doanh ở T.P Hồ Chí Minh. Biết rõ mọi ngóc ngách của nghề, anh trở về Huế mở nhiều cửa hàng kinh doanh băng đĩa, dù nhà ở tận Phú Bài - TX Hương Thủy. Anh nói: “Hồi đó thuê mặt bằng kinh doanh ở đường Bến Nghé chỉ 30m2, giá mỗi tháng gần chục triệu đồng. Ai nghe giá thế cũng choáng. Thế mà tháng nào tôi cũng cười tươi như “ông địa”.
Theo anh Định, thời điểm đó, nhu cầu người mua đĩa phim, đĩa nhạc quá lớn, nên những đại lý bán sỉ, bán lẻ liên tục xuất hiện trên nhiều tuyến đường, chợ, nhà sách... Cứ vài ngày là có hàng mới từ TP. Hồ Chí Minh chuyển ra, hoặc khách cần băng đĩa gì là điện thoại, nửa ngày sau có ngay. Ban đầu, anh chỉ có một cửa hàng tại đường Bến Nghé, sau đó “đẻ” thêm 3 cửa hàng nằm ở đường Đống Đa, Nguyễn Huệ. Mỗi cửa hàng phải thuê từ 2-3 nhân viên, có lúc huy động thêm người thân trong nhà để bán hàng. Nhiều lúc mệt quá, anh phải đóng cửa hàng nghỉ vài ngày nhưng khách cứ đến gọi cửa hỏi mua. Lúc đó internet chưa phát triển, wifi cũng chưa, muốn xem phim hay nghe nhạc nhanh, sớm nhất chỉ còn cách mua đĩa. Hồi trước, phần lớn các bộ phim chiếu trên tivi phải theo ngày, giờ cố định mới có để xem, trong khi đĩa luôn có đầy đủ nên họ hay tìm mua xem trước. Vì thế, suốt ngày từ trẻ đến già vào ra cửa hàng liên tục với hàng trăm khách. Có không ít người vào mua một lần cả chục đĩa nhạc, phim… “Việc kinh doanh băng đĩa đúng vào thời điểm “đẹp như mơ” rất hưng thịnh”, anh Định vừa hào hứng vừa tiếc nuối.
“Ngày cuối” của thị trường băng đĩa
Dù làm chủ cửa hàng kinh doanh đĩa phim, ca nhạc lớn, nhưng thương hiệu Dinh CD của anh Định giờ đã đi vào hoài niệm. Lý do mở cửa hàng bán cả ngày chỉ vài ba đĩa nhạc, không đủ chi trả thuê mặt bằng, điện nước, nhân viên... Bản thân anh cũng chuyển nghề, đang tìm đất sống ở TP. Hồ Chí Minh.
Vắng người mua, số cửa hàng băng đĩa trên địa bàn giảm rõ rệt. Ảnh: Minh Văn
Đi dọc các tuyến phố bây giờ, để tìm được cửa hàng băng đĩa cũng mỏi cả mắt. Trước đây, tại chợ Đông Ba, chợ Tây Lộc, hay đường Mai Thúc Loan, Thái Phiên, Nhật Lệ... mỗi đường có đến 4- 5 cửa hàng bán băng đĩa nhạc. Nhưng giờ đã giảm đến hơn 80% số quầy, hoặc sang lại cho các chủ kinh doanh bán thuốc tây, văn phòng phẩm, hàng tạp hóa, cà phê... Cửa hàng băng đĩa Hà My, trên đường Nguyễn Huệ một thời “huy hoàng” cùng “Dinh CD” nay cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Cô nhân viên bán ở cửa hàng Hà My tâm sự, bây giờ bán băng đĩa ế lắm. Cả ngày chỉ bán vài ba đĩa cho khách lớn tuổi, khách quen, mua đĩa các ca sĩ gạo cội hoặc để dùng nghe trên ô tô. Riêng nhạc trẻ hiếm có khách hỏi. Người trẻ bây giờ thích nghe nhạc trên mạng hơn, cái thời nghe nhạc phải dùng máy tính, máy MP3, máy nghe nhạc bằng CD… giờ đã qua rồi. “Vì băng đĩa ế ẩm nên chủ cửa hàng phải mở thêm dịch vụ cà phê rang xay phục vụ tận nơi theo yêu cầu của khách. Do đã bỏ khá nhiều vốn, trả lại không được, bỏ đi cũng uổng, nên chủ cửa hàng vẫn cầm cự qua ngày, nhưng dự tính sẽ kết hợp kinh doanh thêm mặt hàng mới”, nhân viên bán hàng nói.
“Thời đại công nghệ số, chỉ cần một chiếc điện thoại di động, máy tính bảng hoặc máy tính bàn có kết nối internet, hoặc wifi là có thể nghe nhạc, xem phim thoải mái, thể loại phong phú. Ngày càng có nhiều trang web ra đời cho phép nghe nhạc, xem phim miễn phí với chất lượng khá tốt, tội gì phải bỏ tiền mua đĩa”, anh Hồ Đăng Khoa, chủ một quán cà phê trên đường Phùng Hưng chia sẻ.
Phóng lao thì theo lao, suốt gần hai năm nay, không chỉ cửa hàng chị Hậu, những chủ đại lý, cửa hàng có tên tuổi như Phước Lập, Thắng Châu, Đức Thanh, Minh Nhật… cũng rơi vào cảnh chợ chiều. Trước mắt, để có tiền chi trả mặt bằng hàng tháng, nhiều chủ kinh doanh phải đầu tư thêm bàn ghế mở cà phê cóc, quán nhậu, hoặc kèm thêm một số kẹp cài, đồ lưu niệm… Vừa chuyện trò, nhưng thỉnh thoảng chị Hậu vẫn ngoái mặt nhìn về những chiếc kệ trưng bày băng đĩa với ánh mắt đượm buồn. “Bỏ thì thương, vương thì nặng”, để giải quyết số đĩa còn tồn, vớt vát thêm đồng nào hay đồng ấy, chị Hậu hạ giá bán 50% hoặc “bán một, tặng một” cho khách hàng. Tiếc một đống đĩa nhạc xuân, chị cố bán đến hết cái tết năm nay rồi chuyển hướng làm ăn khác. “Mình chỉ bán hàng lẻ nên không xót, chỉ tội cho những chủ kinh doanh lớn, giờ phải vứt cả kho đĩa phim, đĩa nhạc, vốn liếng không biết bao nhiêu mà kể”, chị Hậu tự an ủi.
HOÀI THƯƠNG