ClockThứ Bảy, 16/09/2017 13:26

Thị trường quà tặng lưu niệm: Nhìn từ Huế & Nhật Bản

TTH - Phong tục này của người Nhật đã lan sang các du khách đến du lịch Nhật Bản, nhất là du khách các nước Á Đông.

Chùa Kyomizu-dera nổi tiếng ở Kyoto, rất thành công trong kinh doanh hàng lưu niệm phục vụ du lịch

1. Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, tôi có đưa vài người bạn từ tỉnh khác đi thăm một số di tích lịch sử văn hóa ở Huế. Đến điểm tham quan nào, bạn cũng ghé quầy hàng lưu niệm tìm mua những món quà nhỏ để mang về tặng bạn bè, người thân ở nhà.

Sau một hồi lựa chọn, họ mua được một vài áo thun, mấy bức phù điêu bằng thạch cao hay đồng đỏ, có in ấn một số danh lam, thắng cảnh ở Huế. Tuy vậy, họ bảo tôi: “Hàng thì nhiều, nhưng mẫu mã nghèo nàn, chẳng có món nào đặc sắc, mang dấu ấn riêng của nơi tham quan hay của Huế. Lại toàn là hàng do Trung Quốc sản xuất”.

Tôi có đưa họ đi thăm một số chùa chiền, nhà thờ, đan viện. Điều thú vị là đến những nơi này, bạn lại mua được những món quà đắc ý: vài món mứt bánh, tương chao, hương trầm… do nhà chùa làm ra; vài bức tranh, tác phẩm thư pháp, ấn phẩm thơ văn… do các sư tăng chấp bút. Ở đan viện Thiên An, bạn tôi còn mua được mấy chai mật ong, rượu cam và nước cốt trái cây, là những sản phẩm “home made” của các đan sĩ trong đan viện.

Sau hai ngày rong ruổi với bạn, tôi có cảm nhận là thị trường quà lưu niệm phục vụ du lịch ở Huế không phong phú, thiếu vắng những sản phẩm mang dấu ấn riêng của Huế, và nhất là vắng bóng những sản phẩm dành cho khách du lịch tâm linh. Cho dù, Huế là nơi có nhiều điểm du lịch tâm linh nhất Việt Nam.

2. Tuần trước, gia đình tôi đi du lịch Nhật Bản 10 ngày. Chúng tôi viếng thăm nhiều thắng cảnh, chùa miếu, thần xã… ở Tokyo, Kyoto, Nagano, Matsue và Izumo. Chúng tôi đã tốn nhiều tiền để mua quà lưu niệm tại các danh thắng, điểm tham quan, nhưng rất hài lòng về những món quà nho nhỏ, xinh xinh, đầy ý nghĩa này.

Hàng lưu niệm bày bán tại các điểm tham quan ở Nhật Bản rất phong phú, đa dạng và đặc sắc: sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tác phẩm mỹ thuật - văn hóa - tôn giáo, đặc sản địa phương, đặc sản ẩm thực thưởng thức tại chỗ, thực phẩm mua về làm quà… Giá cả sản phẩm tùy thuộc vào việc chế tác thủ công hay sản xuất hàng loạt, nhưng phù hợp với sở thích và túi tiền của người mua, kích thước lại nhỏ gọn, thuận tiện cho việc đóng gói, vận chuyển.

Người Nhật rất giỏi trong việc tổ chức sản xuất và kinh doanh hàng lưu niệm phục vụ du lịch: từ việc tự sản xuất hay nhập khẩu hàng từ nước khác, đến việc giám định chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, bao gói hàng hóa và đưa vào kinh doanh. Họ thu tiền của du khách một cách thông minh, lịch sự; khiến cho du khách tự nguyện mua sắm và cảm thấy hài lòng với việc mua sắm của mình.

Bên ngoài các di tích, danh thắng ở Nhật Bản thường có các dãy phố với những hàng quán liền kề chuyên bán quà lưu niệm và đặc sản ẩm thực của địa phương. Hàng hóa chủ yếu được sản xuất tại chỗ, bằng các chất liệu bản địa, do thợ thủ công, nghệ nhân ở địa phương chế tác. Nếu là hàng nhập khẩu từ nơi khác, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ, thì cũng mang những đặc trưng của di tích, thắng cảnh, địa phương đó. Người Nhật tự thiết kế mẫu mã, lựa chọn màu sắc, quy định kích thước và chất liệu của sản phẩm. Nhà cung ứng sản phẩm phải tuân thủ yêu cầu đặt hàng của người Nhật. Vì thế mà du khách vẫn nghĩ rằng mình đã mua được một sản phẩm chính hiệu Nhật Bản, cho đến khi nhìn thấy địa chỉ nơi sản xuất được thể hiện rất kín đáo ở trên bao bì hay trên sản phẩm.

Hàng lưu niệm bày bán trong khuôn viên chùa Zenkoji ở Nagano

Bên trong các chùa chiền, thần xã ở Nhật Bản luôn có quầy hàng lưu niệm, cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu tâm linh - tín ngưỡng của du khách, nhất là khách hành hương. “Mặt hàng” được ưa chuộng nhất là các thẻ xăm, bùa cầu may, chuỗi hạt cầu an hay những kỷ vật nhỏ làm bằng gỗ hoặc giấy miêu tả về đền chùa và những câu chuyện, nhân vật gắn liền với đền chùa đó.

Mỗi khi đi viếng đền chùa, người Nhật thường trả 100 yên để rút một thẻ xăm, trên đó có ghi một con số, ứng với một lá xăm in trên giấy, gọi là omikuji. Đó là tờ giấy nhỏ, có ghi chữ kichi (tốt) hay kyou (xấu), với các cấp độ tốt - xấu khác nhau, kèm những lời chú giải bằng tiếng Nhật. Người nhận được lá xăm tốt thường cất vào ví, luôn mang theo bên người để luôn được may mắn, tốt lành. Người gặp lá xăm xấu thì gấp lại, treo lên những cây thông trong đền chùa. Cây thông, tiếng Nhật là matsu, đồng âm với động từ matsu có nghĩa là “đợi chờ”. Treo lá xăm xấu ở cây thông hàm ý phải kiên tâm chờ đợi, rồi điều xấu sẽ qua đi và vận may lại đến.

Người Nhật còn bỏ 500 yên để mua một ema, là những phiến gỗ thông nhỏ có dây treo màu đỏ. Họ ghi điều ước nguyện lên ema, rồi treo lên những chiếc giá bày ở trong khuôn viên đền chùa. Họ còn mua những kỷ vật nhỏ, gọi là omamori, được làm bằng giấy hoặc vải, tạo hình khéo léo, xinh xắn, có in tên của đền chùa, kèm những lời chúc may mắn, hạnh phúc, thi cử thành đạt, giao thông an toàn... Omamori có dây đeo để người mua mang về treo trong nhà, trong ô tô, hay đeo nơi túi xách, điện thoại…

Phong tục này của người Nhật đã lan sang các du khách đến du lịch Nhật Bản, nhất là du khách các nước Á Đông. Vì thế, thị trường hàng lưu niệm, quà tặng và sản phẩm du lịch phục vụ tâm linh ở Nhật luôn luôn sôi động và ngày càng phát triển. Nakamura Masami, anh bạn người Nhật đồng hành với gia đình tôi trong chuyến du lịch Nhật Bản vừa qua cho biết: “Cùng với tiền cúng dường công đức, nguồn thu từ kinh doanh hàng lưu niệm là nguồn tài chính chủ yếu để trùng tu, tôn tạo và duy trì hoạt động tại các chùa chiền, đền miếu thần xã ở Nhật Bản”.

3. Trở lại với Huế, tôi mong người Huế sẽ học tập cách làm của người Nhật, lựa chọn những ngành nghề, sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của xứ Huế, để làm ra những mặt hàng lưu niệm mang dấu ấn, bản sắc riêng của Huế, phù hợp nhu cầu và thị hiếu của du khách, tổ chức những mô hình kinh doanh phù hợp tại các điểm tham quan để phục vụ du lịch.

Ngành du lịch cần có những khảo sát, đánh giá về nhu cầu để lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu để phục vụ du khách, nhất là khách du lịch tâm linh, như cách người Nhật đã làm và đã thành công.

Làm được điều này sẽ góp phần giới thiệu những sản phẩm thủ công của xứ Huế với du khách, tạo cho họ “thói quen” mua hàng thủ công của Huế, góp phần phát triển các mặt hàng thủ công truyền thống Huế phục vụ du lịch và hạn chế việc nhập khẩu những mặt hàng lưu niệm từ nơi khác đến, “chẳng ăn nhập” gì với Huế, để bán cho những du khách vốn rất mong muốn được mua - tặng - lưu giữ “một chút gì rất Huế” sau hành trình tham quan, thăm thú Cố đô.

Bài, ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản: Độc đáo làm móng từ rác thải nhựa

Khi vấn đề giải quyết ô nhiễm nhựa được đưa ra thảo luận trên các bàn đàm phán toàn cầu, với một cách thức riêng biệt, Naomi Arimoto, một thợ làm móng người Nhật Bản đang lồng ghép mối quan tâm này vào các tác phẩm của mình.

Nhật Bản Độc đáo làm móng từ rác thải nhựa
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Thông tin doanh nghiệp:
Quà tặng sinh nhật là gì? Gợi ý món quà tặng mạ vàng được lựa chọn làm quà tặng sinh nhật

Quà tặng sinh nhật là những món quà được dành tặng cho người thân, bạn bè, đối tác, hoặc đồng nghiệp nhân dịp sinh nhật của họ, với mục đích gửi gắm lời chúc tốt đẹp, chúc người nhận tuổi mới có nhiều sức khỏe, may mắn, thành công, và hạnh phúc. Món quà sinh nhật không chỉ có giá trị vật chất mà còn là cách thể hiện tình cảm và sự quan tâm từ người tặng đối với người nhận.

Quà tặng sinh nhật là gì Gợi ý món quà tặng mạ vàng được lựa chọn làm quà tặng sinh nhật

TIN MỚI

Return to top