ClockThứ Bảy, 23/09/2017 05:51

Tranh thêu “bí” thị trường

TTH - Là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng ở Huế, tranh thêu tay được xem là mặt hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và quà tặng cho khách. Tuy nhiên, do sản phẩm có kích thước lớn, cồng kềnh cũng như công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm nên thị trường tranh thêu đang gặp khó.

HTX Thêu Phú Hòa thao diễn nghề thêu tại Festival nghề truyền thống Huế

Có mặt ở thị trường Huế hơn 40 năm, song chưa bao giờ HTX Thêu Phú Hòa, TP. Huế lại rơi vào tình cảnh khó khăn như lúc này. Đầu ra ế ẩm, giá tranh bấp bênh nên thu nhập của xã viên rất thấp. Phòng tranh ở 130 Phan Đăng Lưu hội tụ đủ sắc màu với trên 100 bức tranh thêu do 24 xã viên đảm trách, song mỗi tháng cơ sở chỉ tiêu thụ trên dưới 30 bức.

Giám đốc HTX, ông Lê Quang Thân nhớ lại: Những năm đầu thành lập, sản phẩm làm ra chừng nào tiêu thụ hết chừng đó, đời sống người lao động khấm khá nên có đến 500 xã viên gắn bó với nghề. Ngoài thêu tranh, HTX còn nhận thêu chăn gối, hàng tiêu dùng và được các DN ở Liên Xô cũ bao tiêu sản phẩm. Giờ đây, mặc dù tay nghề khá, năng suất cao nhưng do thị trường hẹp, khách du lịch không mua, còn người dân thì chỉ đợi dịp “nhà mới, khai trương” mới tìm đến nên nghề thêu bấp bênh.

"Cái cần nhất bây giờ là hỗ trợ đầu ra, đào tạo nghề để mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm ổn định đời sống cho gần 30 xã viên", ông Thân trăn trở.

Năm 2012, DNTN Thêu may Đoan Trang, TP. Huế đã đầu tư vốn, đồng thời tổ chức khóa đào tạo sản xuất tranh thêu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách và hướng đến xuất khẩu. Sau 3 tháng truyền nghề từ các nghệ nhân, 30 học viên đã nắm bắt các kiến thức cơ bản về thêu tranh và được DN nhận vào làm việc. Từ đó, hàng trăm bức tranh thêu chân dung, phong cảnh tinh xảo ra đời. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm gắn bó, do đầu ra gặp khó nên giờ đây, DN chỉ giữ lại 5 thợ thêu và chuyển hướng sang thêu các sản phẩm khác.

DNTN Thêu may Đoan Trang vừa đầu tư 500 triệu đồng để phát triển nghề thêu với mục đích bảo tồn nghề truyền thống Huế

Giám đốc DNTN Thêu may Đoan Trang, bà Nguyễn Thị Đoan Trang phân trần, dù đã tìm mọi cách để tìm đầu ra đối với sản phẩm tranh thêu nhằm ổn định đời sống cho người lao động và phát triển nghề, song tranh thêu vẫn rơi vào cảnh “chợ chiều”. Sau nhiều lần tham gia hội chợ trong nước và đưa sản phẩm sang thị trường Thái Lan, Lào, song doanh số bán hàng không đủ để bù các khoản chi phí. Hiện, xưởng tranh đang tồn trên 100 bức tranh, trị giá khoảng 500 triệu đồng.

Bà Đoan Trang cho rằng, để tranh thêu có chỗ đứng trên thị trường và đến được với du khách, ngoài nỗ lực của các cơ sở, tỉnh cần xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề, có nơi thao diễn nghề thêu nhằm tạo địa điểm tham quan, mua sắm hấp dẫn thu hút khách. Do chưa có nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm nên lâu nay, DN phải “ký gửi” sản phẩm tại các khách sạn, cửa hàng lưu niệm và phải chi 30% hoa hồng cho các cơ sở.

Tại các tuyến phố Phan Đăng Lưu, Mai Thúc Loan, Lê Lợi, nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh tranh thêu cũng đang “tiến thoái lưỡng nan” khi sản phẩm không tìm được đầu ra khiến người thợ thêu luôn trong tình trạng… không có việc.

“Gắn bó với nghề hơn 20 năm, song với mức lương 3 triệu đồng/tháng, nếu không có niềm đam mê và yêu nghề, chắc chị bỏ việc từ lâu”, chị Nguyễn Thị Hà, một thợ thêu chia sẻ.

Giám đốc Sở Công thương- ông Nguyễn Thanh thông tin: “Để giải quyết đầu ra đối với sản phẩm tranh thêu nói riêng và hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN), lưu niệm Huế nói chung, Sở đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối với các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trong cả nước để trao đổi hàng hóa giữa các địa phương. Đầu qúy IV/2017, các cơ sở sẽ triển khai gắn “Con dấu nhận diện hàng TCMN Huế” lên sản phẩm để du khách phân biệt đâu là hàng TCMN Huế, đâu là sản phẩm có xuất xứ từ nơi khác nhằm bảo vệ thương hiệu và uy tín cho DN.”

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng đáng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, chiều 18/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức buổi tọa đàm gặp mặt cán bộ Mặt trận tỉnh qua các thời kỳ.

Xứng đáng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

TIN MỚI

Return to top