ClockThứ Năm, 20/07/2017 06:01

Thu ngân sách: Cần tính đến những giải pháp căn cơ

TTH - Tại kỳ họp lần thứ 4, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021 vừa diễn ra, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu lo lắng: Hụt thu ngân sách không còn là nguy cơ mà đã là hiện thực, khi 6 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 47%, trong đó, nguồn thu chủ lực từ Công ty TNHH Bia Huế giảm 6%.

Dây chuyền sản xuất Bia Huế, một trong những nguồn thu quan trọng

Thu từ doanh nghiệp FDI giảm

6 tháng đầu năm, ngành thuế chỉ thu được hơn 2.888 tỷ đồng, bằng 47,73% chỉ tiêu pháp lệnh Bộ Tài chính và nhiệm vụ HĐND tỉnh giao. Trong đó, khoản thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ đạt hơn 821 tỷ đồng, đạt hơn 33% chỉ tiêu pháp lệnh và HĐND tỉnh giao, bằng 90,6% so với cùng kỳ.

Số thu từ lĩnh vực này giảm so với cùng kỳ là do số nộp của Công ty TNHH Bia Huế giảm 6% so với cùng kỳ, bởi sản lượng của doanh nghiệp (DN) này giảm 13%. Ngoài ra, một số DN khác cũng có số nộp giảm so với cùng kỳ như: Công ty TNHH Luks Việt Nam giảm 23%,  Công ty TNHH Hanesbrandss giảm 73%.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh  Phan Đình Công trong phiên thảo luận về các giải pháp thực hiện đạt nguồn thu 6 tháng cuối năm tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua nêu lý do khiến nguồn thu ngân sách hụt khoảng 500 tỷ đồng chủ yếu là do hụt thu từ Công ty TNHH Bia Huế, khi DN này hiện gặp một số khó khăn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, trong khi ở thị trường truyền thống như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và một số tỉnh miền Trung gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng bia khác trong và ngoài nước, khiến lượng tiêu thụ sụt giảm.

Nhà máy xi măng Đồng Lâm đóng góp ngân sách tăng 160%

Tuy nhiên, ông Phan Đình Công cũng nêu tín hiệu mừng, vẫn còn một số mảng có triển vọng, nhất là ở lĩnh vực thu từ DN ngoài quốc doanh và điển hình là các DN hoạt động trong lĩnh vực thủy điện, như thủy điện Hương Điền có số nộp ngân sách tăng 230% so với cùng kỳ, thủy điện Bình Điền nộp ngân sách tăng 165% và thủy điện Tả Trạch tăng 88%. Công ty CP Xi măng Đồng Lâm cũng có số nộp ngân sách tăng 160% so với cùng kỳ, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Đầu tư cũng tăng hơn 91% và một số DN khác cũng có số nộp ngân sách tăng hơn so với trước.

Không để hụt chi

Trả lời về việc sụt giảm nguồn thu sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch chi cho cuối năm và kể cả năm 2018, ông Phan Đình Công cho hay, việc sụt giảm nguồn thu nằm trong dự báo của ngành thuế tỉnh, song do Trung ương giao chỉ tiêu cao, mới dẫn đến tình trạng nguồn thu 6 tháng đầu năm không đạt kế hoạch.

Để bù đắp thiếu hụt nguồn thu, ngành thuế tăng cường các giải pháp thu thuế, trong đó nguồn thu thuế sử dụng đất đóng vai trò khá quan trọng. Theo ông Phan Đình Công, năm nay, khoản thu từ tiền thuế sử dụng đất tăng khoảng 150 tỷ đồng, cộng với các khoản thu tăng từ nhiều lĩnh vực kinh tế khác, nhất là lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh nên bù đắp được khoảng hơn 400 tỷ đồng. Còn thiếu khoảng hơn 150 tỷ đồng, ngành thuế cho hay sẽ có giải pháp đôn đốc các nguồn thu khác, trong đó có các nguồn thu từ phí, lệ phí, song cũng cần sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh để các DN có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc cùng với tỉnh thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách.

Lãnh đạo ngành thuế cho rằng, lĩnh vực đầu tư mới trên địa bàn tỉnh còn chậm, hiện chưa thấy có dự án mới nào hứa hẹn đem lại nguồn thu chủ lực cho ngân sách. Một vài dự án đang triển khai chủ yếu liên quan đến lĩnh vực thương mại, dịch vụ, song nguồn thu ở các ngành này không nhiều mà phải là ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nếu tỉnh kêu gọi được DN hoạt động ở lĩnh vực sản xuất hàng điện tử, lắp ráp ô tô, xe máy... thì không lo về nguồn thu.

Đối với việc truy thu, xử lý nợ đọng thuế, nếu làm tốt công tác này cũng sẽ giúp ngành thuế có thêm một khoản thu để bù thiếu hụt ngân sách. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh thông tin, hiện nợ đọng thuế trên địa bàn khoảng 165 tỷ đồng và nằm trong giới hạn cho phép. Đối với khoản nợ đọng này, ngành thuế đã làm nhiều cách, song rất khó để truy thu. Tuy vậy, không vì lý do không truy thu được nguồn thuế này mà ảnh hưởng đến nguồn thu.

Ông Phan Đình Công khẳng định, khả năng các nguồn thu khác có thể bù đắp phần hụt thu nên công tác chi không ảnh hưởng nhiều. Nhiều khoản chi thường xuyên, chi cho các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 vẫn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, về lâu dài cần tính tới các giải pháp căn cơ, trong đó, kêu gọi đầu tư mới là giải pháp cốt yếu, khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc bán đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn thu là giải pháp không bền vững. Việc hỗ trợ để DN chủ lực Bia Huế tăng công suất, sản lượng tiêu thụ cũng là giải pháp cần được tính tới, khi nâng được công suất nhà máy bia thêm 10 triệu lít, ngân sách có thêm 100 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai

Ngoài nâng cao chế độ lương, thưởng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm hơn đến việc cải thiện môi trường làm việc và xây dựng các công trình phúc lợi giúp người lao động (NLĐ) yên tâm cống hiến, gắn bó lâu dài với DN.

Khi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai
TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN:
Để không có vùng trắng tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng và các dịch vụ tài chính nói chung sẽ góp phần nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là người yếu thế.

Để không có vùng trắng tín dụng
Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top