Các khu đất quy hoạch được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu ngân sách
Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) bị ngưng trệ làm ảnh hưởng lớn để nguồn thu ngân sách. Nếu không có giải pháp, tỉnh sẽ khó có thể bù đắp nguồn thu thiếu hụt. Vì thế, đảm bảo nguồn thu để cân đối nguồn chi là bài toán khó không chỉ với ngành tài chính, dù trước đó ngành này đã lường trước được những khó khăn do đại dịch nên đưa ra dự toán thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 chỉ hơn 6.000 tỷ đồng, chỉ bằng 79% so với năm 2020. Song có thể thấy những nỗ lực của các cơ quan liên quan trong việc tìm kiếm nguồn thu để đảm bảo đạt và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2021.
Cùng trong nhóm tăng trưởng nguồn thu ngân sách trong những tháng đầu năm nay còn có TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Ninh…, kéo theo nguồn thu ngân sách cả nước tăng trong 7 tháng đầu năm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm tới giữa tháng 7, ước đạt 819,4 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán năm. Cụ thể, thu nội địa đạt 661,9 nghìn tỷ đồng, bằng 58,4%; thu từ dầu thô hơn 20 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 136,7 nghìn tỷ đồng, bằng 76,6%.
Có thể thấy, nguồn thu ngân sách tốt trong 7 tháng đầu năm là nhờ thời điểm đó tình hình dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp, nhiều địa phương chưa giãn cách xã hội, các doanh nghiệp (DN) vẫn hoạt động bình thường. Song, những tháng cuối năm thường là thời điểm tăng tốc trong SXKD. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện nay thì bức tranh về một nguồn thu tăng hoặc ít nhất là bằng kế hoạch cho những tháng cuối năm rất khó.
Trở lại với nguồn thu ngân sách của tỉnh, có thể thấy việc thu ngân sách vượt kế hoạch chủ yếu là dựa vào một số nguồn thu thiếu bền vững, như thu tiền sử dụng đất do bán đấu giá đạt hơn 1.400 tỷ đồng (số liệu do Sở Tài chính cung cấp đến tháng 6/2021), đạt 176% kế hoạch, thuế thu nhập cá nhân đạt hơn 111%, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt hơn 156%...
Những nguồn thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thu nội địa… hay còn gọi là những nguồn thu bền vững đều sụt giảm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Song cũng cần nhìn nhận, ngoài nguyên nhân nêu trên, DN Thừa Thiên Huế hiện gặp rất nhiều khó khăn trong SXKD, tiếp cận nguồn vốn, chi phí logistics, thị trường đầu ra…
Theo số liệu khảo sát của Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, DN ở lĩnh vực xuất khẩu, nhất là dệt may và sản xuất trang phục phụ thuộc rất lớn vào thị trường. Tỷ lệ DN ở hai lĩnh vực này không xuất khẩu được ra nước ngoài hơn 83%. Tiếp theo là ngành sản xuất chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ chiếm tỷ lệ trên 80% (số liệu khảo sát cuối năm 2020 vừa công bố đầu tháng 8/2021)…
Cơ quan này còn khảo sát kỳ vọng của DN, cũng như những giải pháp được DN mong chờ nhất để vượt qua đại dịch là gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, với 86,09% DN được khảo sát; “Miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng” với 83,35%; “Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ” với 82,4%. Riêng giải pháp “Cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn” và “Tạm dừng đóng BHXH và kinh phí công đoàn” hơn 79%. Các giải pháp còn lại đạt số điểm và tỷ lệ đánh giá tích cực lần lượt: “Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử” là 77,66%, “Giảm thủ tục hành chính và chi phí logistics” 72,71%, “Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới” với 68,7%...
Theo Hiệp hội DN tỉnh, dù DN có nhiều kỳ vọng và cũng có rất nhiều chương trình, chính sách của Chính phủ được triển khai, song việc tiếp cận lại là câu chuyện khác. Vì vậy, cộng đồng DN mong mỏi có những hỗ trợ sát sườn, thực tế hơn, tránh thủ tục rườm rà, không cần thiết. Bên cạnh đó là những chính sách tài khóa cụ thể, chính sách tiền tệ linh hoạt từ Nhà nước cũng như phát huy nội lực từ DN để tăng tốc trong trạng thái bình thường mới, đi kèm với đó là tiêm phòng đầy đủ vắc-xin ngừa COVID-19 cho lao động...
Bài, ảnh: TÂM HUỆ