Vườn quýt của ông Dĩ cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm
Người dân Hương Toàn bảo, ông Hồ Đăng Dĩ ở thôn Giáp Kiềng là người “sống chết” với cây quýt Hương Cần. Trải qua thời gian chiến tranh, biến cố thiên tai, dịch bệnh, nhiều người dân Hương Cần bỏ trồng quýt chuyển sang trồng các loài cây khác. Riêng ông Dĩ, cứ sau mỗi lần gặp khó, bằng mọi cách ông lại khôi phục vườn quýt của mình.
Ngay cả bây giờ, khi chúng tôi trở lại Hương Cần cách đây mấy ngày, nhiều bà con vẫn còn loay hoay khôi phục, mở rộng diện tích thì 8 sào quýt của gia đình ông Dĩ đã trĩu quả. Ông Dĩ hái một vài quả chín vàng để mời mọi người thưởng thức. Vỏ mỏng, dễ bóc, vị ngọt thanh tao. Đề cập bí quyết để có được loài quýt đặc sản này, ông Dĩ nói: “Có lẽ đặc ân phù sa của dòng sông Bồ đã tạo nên mùi vị đặc trưng của quýt Hương Cần”.
Ông Dĩ chia sẻ: Vườn quýt có được như bây giờ cũng đã từng nếm trải bao “ngọt, đắng”. Một thời chiến tranh tàn phá, nhiều vườn quýt mai một, gia đình ông cũng như bà con phải mất nhiều thời gian khôi phục. Lũ lịch sử 1999 ập đến, quýt Hương Cần một lần nữa rơi vào cảnh lụi tàn. Nhiều hộ thất vọng, nản chí không muốn khôi phục nhưng một số hộ “đau đáu” với loài cây đặc sản quý giá của làng thì tìm mọi cách để lưu truyền.
Cho đến khi những vườn quýt được người dân trong làng nhân rộng diện tích thì lại bị mùa bão lũ năm 2007-2008 tiếp tục tàn phá. Người dân e ngại trước thiên tai nên diện tích ngày một “vơi dần”, đến nay chỉ còn khoảng 10 ha...Với những hộ như ông Hồ Đăng Dĩ còn bám trụ với cây quýt, mỗi năm thu nhập khoảng 60 triệu đồng trở lên từ cây đặc sản này.
Trong số khoảng 10 ha quýt của làng Hương Cần còn sót lại, chủ yếu tập trung ở thôn Giáp Kiềng. Hầu như nhà nào trong thôn cũng trồng 2-3 sào, nhà trồng nhiều từ 6-8 sào. Ông Hồ Đăng Lào ở thôn Giáp Kiềng trồng 4 sào, thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm; hộ ông Hồ Đăng Hải trồng 2 sào cho thu nhập gần 30 triệu đồng; năm nay, dự báo thêm một mùa quýt bội thu.
Đáng mừng là hiện nay, thấy quýt mang lại hiệu quả, nhiều người dân Hương Cần đang khôi phục và phát triển vườn cây. Các hộ như ông Dĩ, ông Hải, ông Lào có thêm nguồn thu nhập nhờ chiết cành làm giống để bán.
Ông Hồ Đăng Dĩ cũng như nhiều người cho rằng, hiện nay trên thị trường trà trộn rất nhiều loại quýt, khó phân biệt đâu là quýt Hương Cần. Tại một số chợ, các lái buôn còn trộn quýt Hương Cần với loại quýt khác, thậm chí mạo danh quýt Hương Cần để bán với giá cao. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín của quýt Hương Cần.
Ông Tống Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Toàn cho biết, chính quyền địa phương đã từng nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu cho quýt Hương Cần; nhưng trải qua nhiều biến cố, diện tích và sản lượng không ổn định nên chưa thực hiện được. Chính quyền địa phương đang vận động người dân từng bước khôi phục, mở rộng diện tích lên 15 ha, tiến tới xây dựng thương hiệu.
Theo Cục Sở hữu Công nghiệp-Bộ Khoa học và Công nghệ, việc xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu cho nông sản đòi hỏi mối liên kết bốn nhà. Nhà nông đảm bảo quy trình sản xuất, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác an toàn qua các chương trình khuyến nông; Nhà nước hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất; nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu giống chất lượng cao và doanh nghiệp cam kết thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý cho nhà nông.
|
Bài, ảnh: Hoàng Triều