ClockThứ Ba, 25/08/2020 06:30

Tiếp sức nhà ở xã hội

TTH - Chương trình cho vay nhà ở xã hội (NOXH) theo Nghị định 100 của Chính phủ, giúp nhiều gia đình thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để xây dựng, mua NOXH, góp phần bảo đảm an sinh.

Khó thu hút đầu tư nhà ở xã hộiThiếu nguồn cung nhà ở xã hội

Nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội rất lớn

Nhu cầu lớn

Kết quả khảo sát từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn tỉnh có hơn 111.000 người dân có nhu cầu về NOXH. Dự báo nhu cầu nhà ở từ chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến 2025 cho thấy, giai đoạn 2018-2020 toàn tỉnh cần khoảng 675.975m2 sàn NOXH. Trong đó, đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị cần 215.897m2 sàn; người lao động tại các khu công nghiệp 221.400m2 sàn; cán bộ, công chức, viên chức 15.000m2 sàn... Riêng năm 2020, nhu cầu nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị cần 94.931m2 sàn; người lao động tại các khu công nghiệp 15.000m2 sàn...

Nhu cầu lớn, trong khi giá đất, NOXH đều đang ở mức cao. Hầu hết các khu vực, nhất là khu vực phía nam, đông nam các giao dịch nhà đất rất sôi động. Các dự án đất nền ở các huyện, thị xã lân cận thành phố về phía đông nam như: Phú Vang, Hương Thủy phát triển mạnh, trong đó giá đất khu quy hoạch Xuân Phú đang ở mức 35 triệu đồng/m2; đất khu quy hoạch Thuỷ Thanh, Thuỷ Vân 12 - 16 triệu đồng/m2... Những khu dân cư trong thành phố, vùng ven giá đất cũng đang ở mức cao từ 5-10 triệu đồng/m2. NOXH đang trong thời kỳ “bão giá” khi 1m2 đang dao động ở mức từ 12-15 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn đang là nỗi lo của nhiều người dân chưa có đất, nhà để định cư.

Với cán bộ công chức, người lao động rất khó để có thể mua đất làm nhà nếu không vay vốn. Tuy nhiên hiện lãi suất vay thương mại có thế chấp trên địa bàn cũng đang dao động từ 8-10%/năm, gây áp lực không nhỏ cho người dân.

Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Tiến (Phòng Tài chính huyện A Lưới) khá chật vật khi nghĩ đến chuyện làm nhà. Theo anh Tiến, thu nhập của cả gia đình chỉ khoảng 12 triệu đồng/tháng nên không có đủ tiền xây nhà. Trước khi quyết định xây nhà, hai vợ chồng đã đi tham khảo vay tiền từ nhiều ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, do lãi suất cao, thủ tục phức tạp nên đành tạm gác lại giấc mơ nhà mới. Sau này khi một người bạn giới thiệu Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay xây dựng NOXH, anh đã tìm đến NHCSXH huyện A Lưới nhờ cán bộ phòng tư vấn. Kết quả, anh đã được vay 266 triệu đồng để làm nhà trên tổng kinh phí gần 500 triệu đồng.

“Mặc dù số tiền vay không được nhiều nhưng lãi suất thấp hơn so với vay ở ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để vợ chồng tôi thực hiện giấc mơ có nơi an cư” anh Tiến nói. Hiện, ngôi nhà của hai vợ chồng anh Tiến đã cơ bản hoàn thành chuẩn bị dọn vào ở.

Chỉ tính riêng địa bàn huyện A Lưới có 10 hộ vay vốn theo chương trình này đã hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn. Tuy nhiên, qua rà soát các đối tượng công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện thì số người có nhu cầu vay nguồn vốn còn rất nhiều.

35 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội năm 2020

Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện A Lưới thông tin: Đối tượng được vay theo Nghị định 100 là những người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp; trong các cơ quan, đơn vị ngành quân đội, công an; cán bộ, công chức, viên chức. Đây là chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, nên việc xét duyệt hồ sơ vay vốn cũng như việc thẩm định hồ sơ để giải ngân đều được làm rất kỹ.

Số liệu từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh, tổng dư nợ cho vay chương trình NOXH trên địa bàn tỉnh là 63 tỷ đồng với 225 hộ vay. Năm 2020, Chi nhánh NHCSXH tỉnh được Trung ương giao chỉ tiêu tăng trưởng cho vay chương trình NOXH là 35 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Văn Đức Thọ chia sẻ: Chương trình cho vay NOXH hầu hết đối tượng cho vay phải có thu nhập ổn định và đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc giá trị quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền trên đất nên hạn chế được rủi ro trong hoạt động tín dụng. Với lãi suất ưu đãi, nguồn vốn từ chương trình cho vay NOXH đã giúp nhiều gia đình chính sách, công chức, viên chức thu nhập thấp có điều kiện xây dựng nhà ở ổn định, yên tâm làm việc, lao động. Hiệu quả chương trình đang góp phần tích cực giúp người thu nhập thấp an cư. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai chương trình vay vốn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn cho vay còn hạn chế, trong khi nhu cầu vay của người dân còn lớn.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Aranya Việt Nam chủ đầu tư dự án NOXH Aranya, rất ít người mua nhà của công ty tiếp cận được gói vay vốn này. Ngay cả chủ đầu tư cũng không tiếp cận được khoản vay vốn NOXH nào để phát triển dự án, điều này gây không ít khó khăn trong khi chủ trương của tỉnh và Trung ương đều yêu cầu đẩy mạnh phát triển NOXH.

Được biết mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho NHCSXH và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Nếu nguồn vốn này triển khai sớm cho các ngân hàng sẽ có thêm nhiều người có thu nhập thấp được tiếp cận vay vốn mua NOXH.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha

TIN MỚI

Return to top