ClockThứ Hai, 09/07/2018 12:15

Tôm rớt giá, người nuôi chờ vụ đông

TTH - Giá tôm thấp và dịch bệnh do nắng nóng gây thất thu, người nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) trông chờ vào vụ đông, dự kiến thả nuôi vào cuối tháng 7.

Dịch bệnh phát tán trên cây trồng, vật nuôiNuôi tôm an toàn, lãi caoKhó áp dụng nuôi tôm công nghệ cao

Rớt giá

Tuy không phải là thời điểm chính vụ nuôi tôm TCT, nhưng tại các địa phương, nhiều diện tích cũng được người dân thả nuôi. Thời tiết nắng nóng kéo dài, khiến người nuôi tôm gặp khó trong việc chăm sóc, khống chế dịch bệnh.

Dự kiến vụ đông, nhiều diện tích sẽ được thả nuôi

Anh Lê Văn Hòa (người nuôi tôm tại xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) cho biết, vụ hè năm nay, trung bình mỗi hồ nuôi có diện tích 3.000m2 với khoảng 5.000 khối nước và sẽ thả nuôi khoảng 50 vạn con giống, trong quá trình nuôi do hao hụt nên người nuôi sẽ bù thêm khoảng 30 vạn con giống. Từ khi thả giống đến lúc thu hoạch, mỗi hồ tiêu tốn khoảng 10 tấn thức ăn. “So với vụ đông, tôm được nuôi vụ hè phát triển tốt hơn nhưng người nuôi vất vả hơn bởi tiết trời nắng nóng, dịch bệnh trên tôm dễ xảy ra”, anh Hòa nói.

Theo người nuôi, khác với các loại thủy sản khác, tôm rất nhạy cảm với thời tiết. Mùa nắng nóng, sức đề kháng của tôm kém nên thường xảy mắc bệnh gan, phân trắng.... “Nắng nóng kéo dài, đến chiều thường xuất hiện mưa giông khiến môi trường nước bị ảnh hưởng nên tôm dễ chết. Trong vụ hè này nếu thuận lợi người nuôi chỉ lãi 200-300 triệu đồng, nhưng phần lớn diện tích nuôi bị lỗ”, anh Hòa chia sẻ.

Thời gian vài năm trở lại đây, cùng chung với thị trường cả nước, giá tôm trên địa bàn tỉnh rớt mạnh. Khảo sát từ những hộ nuôi tôm TCT trên địa bàn cho thấy, mức giá dao động khoảng 150 nghìn đồng/kg (đối với tôm có kích cỡ 60 con/kg) và khoảng 90 nghìn đồng/kg (đối với loại tôm có kích cỡ 100 con/kg).

Bà Trần Thị Bé (chủ đại lý thu mua tôm trên địa bàn huyện Phong Điền) phân tích: “Do thời tiết nên vụ hè không phải là vụ nuôi chính tại Thừa Thiên Huế, trong khi đây là vụ nuôi chính của các vựa nuôi tôm lớn khu vực phía Bắc. Lượng tôm tại đây khá nhiều, kéo theo giá tôm trên địa bàn tỉnh xuống thấp”.

Hiện nay, tôm trên địa bàn tỉnh ngoài cung ứng nội tỉnh và các tỉnh thành lân cận, số còn lại được tư thương xuất theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Anh Cao Ngọc Hùng, kỹ sư thủy sản của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam nhìn nhận: “Giá tôm tại Thừa Thiên Huế thấp là do ảnh hưởng chung của thị trường cả nước. Tôm của nước ta chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên, tại Trung Quốc hiện có nhiều vựa nuôi tôm lớn, do vậy sản phẩm của họ cũng trở nên dư thừa, dẫn đến không nhập tôm của Việt Nam. Thị trường thế giới hiện nay nguồn cung tôm cũng khá dồi dào nên việc tôm rớt giá là điều hiển nhiên”.

Chờ vụ đông

Theo ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải (huyện Phong Điền), diện tích thả nuôi vụ hè này không lớn bởi đây là thời điểm rủi ro cho người nuôi. Do vậy, hiện nay nhiều người nuôi đang chuẩn bị cải tạo hồ, chọn giống để thả nuôi vào vụ đông, vụ nuôi được xác định thu về lãi cao. “Có 3 nguyên nhân chính mà người nuôi thường chờ vụ đông là, giá tôm sẽ tăng cao; môi trường nuôi thường ổn định, hạn chế được dịch bệnh; thời tiết ổn định, người nuôi sẽ thuận lợi hơn trong việc chăm sóc. Chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích người dân nên hạn chế thả nuôi vụ hè mà tập trung vào vụ đông”, ông Khánh nói.

So với các vụ khác, thời gian nuôi vụ đông sẽ kéo dài lâu hơn, tuy nhiên, đợt thu hoạch sẽ rơi vào cuối năm, dịp lễ tết nên tôm sẽ rất được giá. Anh Hồ Văn Lưỡng, hộ nuôi tôm ở xã Điền Hòa, huyện Phong Điền cho biết: “Với người nuôi tôm TCT, vụ đông là thời điểm quyết định sự thành bại trong cả năm. Có nhiều người, trong năm họ chỉ chờ nuôi vụ này. Còn khoảng độ 1 tháng nữa sẽ bắt đầu vụ nuôi quyết định nên tụi tui đang chủ động tham khảo ở các trại ương để chọn con giống. Đồng thời cải tạo ao hồ, quạt nước, hoàn thiện hệ thống điện.. để phục vụ tốt nhất cho công tác nuôi trồng. Thông thường, vụ nuôi này thời tiết thuận lợi vì đã qua đợt nắng nóng, nhưng người nuôi cần chú trọng đến môi trường nước vì đây là yếu tố then chốt”.

Nuôi tôm TCT đang gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố như, người nuôi tự phát, không nắm vững quy trình, kỹ thuật nuôi; môi trường nước biển không còn thuận lợi như trước; thời tiết diễn biến phức tạp khiến nhiều loại dịch bệnh xảy ra trên tôm.... Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi mới, các cơ quan chức năng khuyến cáo người nuôi cần kỹ lưỡng trong khâu chọn giống, kiểm định được nguồn giống trước khi chọn mua; không sử dụng các chất kích thích, kháng sinh mà khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học. Ngoài ra, người nuôi phải nắm vững được quy trình chăm sóc và yếu tố môi trường tác động đến con tôm.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Tại Thừa Thiên Huế, vụ đông là vụ chính trong năm. Diện tích thả nuôi sẽ rất lớn nên người nuôi cần có biện pháp nuôi an toàn, kiểm soát được dịch bệnh; trước khi vào vụ cần chọn giống ở những trại giống uy tín, đảm bảo chất lượng, trong quá trình nuôi cần thường xuyên kiểm tra nguồn nước”.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng tầm tôm Việt cùng phát triển sản phẩm OCOP

Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2023 (gọi tắt là Festival Tôm) là lễ hội lớn nhất về ngành hàng tôm, có quy mô cấp khu vực, được tỉnh Cà Mau lần đầu tiên đăng cai tổ chức.

Nâng tầm tôm Việt cùng phát triển sản phẩm OCOP
Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm nước lợ

Lợi thế về vị trí địa lý, có bờ biển kéo dài, nhiều eo vịnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi thủy sản mặn, lợ, trong đó có nuôi tôm phát triển. Những năm qua, nghề nuôi tôm nước lợ liên tục tăng về diện tích, sản lượng, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Nhiều dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, hữu cơ, VietGAP… được thực hiện đã góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm nước lợ
Rau má rớt giá: “Bỏ thì thương, vương thì nặng"

Trồng rau má đã trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân ở xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền). Thế nhưng gần đây rau má đang bị rớt giá nặng cộng với đầu ra không ổn định làm nhiều nông dân khó khăn.

Rau má rớt giá “Bỏ thì thương, vương thì nặng

TIN MỚI

Return to top