ClockThứ Bảy, 09/05/2015 16:39

Trách nhiệm trước hết là của chủ rừng

TTH - Theo dự báo tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh năm nay sẽ diễn ra phức tạp, mùa khô đến sớm, kết thúc muộn hơn so với các năm. Trước tình hình đó, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được các chủ rừng, địa phương đặc biệt chú trọng, với nhiều giải pháp đặt ra, nhằm hạn chế tối đa số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng.

Diễn tập phòng chữa cháy rừng

Chủ rừng chính là “nhạc trưởng”

Là một trong những đơn vị chủ rừng được đánh giá làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, ông Trần Hữu Đãi, Giám đốc Công ty TNHH NNMTV Lâm nghiệp Phong Điền chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích trong công tác này. Trong đó, ông Đãi nhấn mạnh 6 kinh nghiệm phải làm thật tốt là: phương án xác thực, phát hiện lửa sớm và thông tin kịp thời, điều động được lực lượng chữa cháy, trang bị sẵn sàng phương tiện, dụng cụ chữa cháy, phối hợp và quan hệ tốt với chính quyền địa phương, chỉ huy tốt trong quá trình PCCCR.

Có đến 83% các vụ cháy rừng do nguyên nhân con người, nhưng số vụ tìm ra thủ phạm quá ít. Nên, chính quyền địa phương các cấp cần chỉ đạo, phối hợp cơ quan điều tra, làm rõ nguyên nhân và thủ phạm gây cháy để xử lý nghiêm theo đúng pháp luật, lấy đó làm bài học để răn đe những đối tượng có nguy cơ sai phạm.
Ông Mai Văn Tâm

Không riêng chủ rừng là các đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý diện tích rừng lớn chú trọng công tác PCCCR, đối với nhiều hộ gia đình, cá nhân, công việc chống giặc lửa luôn được người dân đặt lên hàng đầu. Ông Văn Công Hùng, ở thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ (Phong Điền) trò chuyện: “Cả gia đình dốc hết vốn liếng, mồ hôi công sức đặt vào mấy ha rừng trồng. Nếu thuận lợi, sau vài năm là thu được vài trăm triệu đồng, nhưng nếu chỉ cần lơ là để xảy ra cháy rừng hay gặp gió bão là coi như tiền của đổ xuống sông xuống biển. Vì thế không lý do gì chúng tôi không bảo vệ thật tốt tài sản đó”. Theo nhiều hộ trồng rừng cho biết, ngoài thời gian chăm sóc, tỉa cành, những tháng hè, hầu như mọi người đều phân công nhau vào rừng canh lửa, vừa canh lửa rừng trồng của mình nhưng cũng phải giữ lửa cho những diện tích rừng trồng kế cận, bởi vì chỉ cần cháy một đám là cháy lan ra những khu vực khác, lúc đó thì hậu quả càng nặng nề hơn.

Giải quyết từ gốc

Với diện tích rừng trồng toàn tỉnh đạt hơn 93.523 ha từ đầu mùa khô, cơ quan chủ quản, các đơn vị chủ rừng đã bắt tay vào cuộc xây dựng phương án PCCCR, huy động lực lượng chữa cháy cho các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy lớn. Vùng trọng điểm được phân thành 6 vùng chính ở Nam sông Hương và Bắc sông Hương. Đến nay, toàn tỉnh đã kiện toàn 9 Ban chỉ huy BVR- PCCCR cấp huyện, 103 BCH cấp xã, 45 BCH của các chủ rừng và xây dựng 526 tổ, đội xung kích bảo vệ rừng với khoảng 6.250 người tham gia. Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với cơ quan cảnh sát PCCC của tỉnh kiểm tra 12 đơn vị chủ rừng nhà nước và tham mưu Sở Nông nghiệp &PTNT phê duyệt phương án PCCCR của các đơn vị để triển khai thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh xây dựng và triển khai phương án, giải pháp sát thực tế, về lâu dài, để công tác bảo vệ, PCCCR mang lại hiệu quả cao hơn, theo ý kiến của cơ quan chức năng cần tìm hiểu và giải quyết nguyên nhân các sự việc ngay tận gốc. Ông Mai Văn Tâm, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng-Chi cục Kiểm lâm phân tích, trong số 18 vụ cháy rừng xảy ra năm 2014, chỉ có 3 vụ do nguyên nhân khách quan, còn lại là nguyên nhân chủ quan. Do đó, trước tiên, chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường công tác quản lý việc chôn cất mồ mả ngoài vùng quy hoạch, đặc biệt trong các vùng gần rừng cảnh quan, rừng đặc dụng. Xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm rừng giữa người dân với các chủ rừng nhà nước hay giữa người dân với các đơn vị, doanh nghiệp...; đồng thời cần tiếp tục rà soát giao đất cho người dân có đất sản xuất, nhất là các hộ gia đình thuộc diện nghèo, sống gần rừng, đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết tận gốc nguyên nhân đốt rừng, phá rừng tồn tại trong thời gian qua.

Bảo vệ, PCCCR là trách nhiệm trên hết của chủ rừng. Các đơn vị chủ rừng phải là người chủ động tổ chức công tác PCCCR rừng tại chỗ, kịp thời ban đầu. Ngay từ trước mùa khô, cơ quan kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng thực hiện công tác phòng cháy như: làm đường ranh cản lửa, xử lý thực bì trước mùa cháy, xây dựng tu sửa các chòi canh lửa rừng... Tuy nhiên, bên cạnh những cá nhân đơn vị có ý thức cao thì vẫn còn một số trường hợp chủ quan, chưa chấp hành nghiêm túc, thiếu các giải pháp phòng ngừa sát thực.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nơi nào mà chủ rừng và chính quyền địa phương quan tâm tốt đến công tác PCCCR thì chắc chắn nơi đó sẽ ít xảy ra cháy rừng. Vì thế, để hạn chế thấp nhất vụ cháy rừng xảy ra, Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động và tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, UBND các xã trên địa bàn làm tốt công tác PCCCR.

Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuân Lộc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chiều 22/11, UBND huyện Phú Lộc tổ chức công bố quyết định và đón bằng công nhận xã Xuân Lộc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến dự buổi lễ có ông Đặng Ngọc Trân, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.

Xuân Lộc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới
Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Return to top