Ghé thăm vườn cây ăn quả xanh mướt của ông Trung thì khó hình dung được cách đây độ 2 thập kỷ, vùng đất khô cằn này đã từng bỏ hoang, cây cỏ um tùm.
Vườn bưởi da xanh đến kỳ thu hoạch của ông Nguyễn Quốc Trung
Ông Trung là dân kinh tế mới, từng làm cán bộ xã Hương Bình những năm 1990. “Tôi lên Hương Bình năm 1976, đến năm 1993 làm cán bộ xã, sau đó làm thôn trưởng. Khi Nhà nước có chủ trương khai hoang thì tại vùng gò đồi này rất ít người tham gia. Với tư cách là cán bộ tôi bắt tay vào khai hoang mở đất để người dân noi theo”, ông Trung nói.
Hiện, ông Trung sở hữu “cơ ngơi” khá đồ sộ cho thu thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm. Vườn cây ăn quả của ông đủ loại gồm bưởi da xanh, cam, chôm chôm, thanh long. Ngoài ra, ông còn sở hữu 20ha rừng keo và cao su. Đứng bên vườn cam trĩu quả, hướng mắt về ngọn đồi phía xa, ông bày tỏ: “Thổ nhưỡng vùng này thích hợp với nhiều loại cây, từ keo tràm, cao su đến các loại cây ăn quả. Lúc trước, tôi khai hoang chỉ có một mình, gặp vô vàn khó khăn. Khai hoang xong không có tiền mua giống phải lặn lội khắp nơi vay mượn. Năm 1993, tôi đánh liều bỏ ra cả triệu đồng mua giống cây bạch đàn để phủ xanh đồi trọc; sau đó chuyển hướng sang trồng keo tràm, cao su”.
Ở Hương Bình, những người phát triển kinh tế như ông Trung không hiếm nhưng thành công như ông thì không phải ai cũng làm được. Ông Trung bảo rằng, trồng cây gì cũng phải thường xuyên túc trực ở vườn để theo dõi, chăm sóc cây; nhất là những loại cây ăn trái phải dày công chăm bón trong 3 năm đầu. “Tại đây người dân chủ yếu trồng cao su hoặc keo tràm. Sau khi có chủ trương cải tạo vườn tạp, tôi bắt tay vào đầu tư trồng cam sành và bưởi da xanh. Đây là hai loại cây phù hợp với thổ nhưỡng vùng này và cho thu nhập khá cao. Chỉ với 200 gốc cam mỗi năm cũng kiếm được khoảng 70 triệu đồng”.
Nói về bí quyết thành công, ông Trung bảo làm nông nghiệp, nhất là vùng gò đồi phải có tính kiên trì, lấy ngắn nuôi dài, luôn tìm tòi học hỏi để phát triển những loại cây trồng phù hợp với vùng đất, khí hậu. “Tôi lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng, khai hoang cũng chỉ một mình. Bây giờ, khi có được hàng chục ha rừng và cây ăn quả tui cũng không thuê nhân công và chỉ tự mình làm. Chỉ khi vào mùa thu hoạch thì tìm kiếm lao động thời vụ”, ông Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, với thế mạnh đặc trưng vùng gò đồi, mô hình phát triển cây ăn quả, trồng rừng góp phần thay đổi diện mạo vùng đất nghèo, xây dựng nông thôn mới. Cũng nhờ ý chí, nỗ lực làm giàu của mình, ông Trung nuôi cả 6 đứa con đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Ông Hồ Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết: “Tại địa phương có nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Để phát triển kinh tế, chúng tôi chủ động xây dựng các phương án phát triển, tập trung vào các cây trồng chủ lực như bưởi da xanh, keo tràm, cao su. Với tư duy dám nghĩ, dám làm, mô hình của ông Nguyễn Quốc Trung là một trong những mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình đạt hiệu quả cao”.
Bài, ảnh: Lê Thọ