ClockThứ Bảy, 15/09/2018 14:00
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ:

“Trước hết vẫn là sự nỗ lực của doanh nghiệp”

TTH - Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết tốt hơn những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) của Thừa Thiên Huế từng bước khẳng định là động lực tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển đặc sản địa phương. Trao đổi với Thừa Thiên Huế cuối tuần, TS. Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN):

Quyền sở hữu trí tuệ trong khởi nghiệp: Xác lập càng sớm càng tốtĐộng lực phát triển đặc sản địa phươngSở hữu trí tuệ - Tài sản vô hình của doanh nghiệpKhai trương quán Bún bò Huế theo mô hình Nhãn hiệu chứng nhận

TS. Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Mục tiêu quan trọng nhất của chương trình phát triển TSTT là nâng cao nhận thức về tạo lập, quản lý và phát triển TSTT cho các tổ chức, cá nhân của Thừa Thiên Huế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Chương trình cũng hỗ trợ đăng ký, khai thác và áp dụng vào thực tế các sáng chế, giải pháp hữu ích để nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm; qua đó, hình thành và nâng cao giá trị thương hiệu, năng suất chất lượng và hiệu quả cạnh tranh của các sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm đặc sản địa phương có khả năng tiếp cận các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kế hoạch này quan tâm thực hiện những nội dung gì, thưa ông?

Chúng tôi tập trung vào 5 nhóm vấn đề, gồm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, doanh nghiệp về quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ vùng nguyên liệu cho các sản phẩm đặc sản; hỗ trợ phát triển thương hiệu trong đó tập trung vào các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý; ứng dụng KH&CN để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; nâng cao khả năng thương mại hóa và năng lực tiếp cận thị trường cho các đặc sản Huế. Các nhóm vấn đề này chủ yếu tập trung ưu tiên để phát triển thương hiệu các đặc sản Huế trên quan điểm gắn với chuỗi giá trị, làm sao để các sản phẩm được hỗ trợ phát triển một cách đồng bộ.

Điều đó bao gồm cả hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, thưa ông?

Đúng vậy, chúng tôi đã đề xuất Dự án Trường Sơn Xanh tài trợ phát triển vùng nguyên liệu hai dự án, gồm dự án bảo tồn và phát triển cây tràm gió thiên nhiên để phát triển nghề chưng cất tinh dầu tràm Huế gắn với thương hiệu Hoa Nén tại huyện Phong Điền và dự án phát triển vùng bưởi thanh trà đạt chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng đề xuất một số nhiệm vụ để bảo đảm nguồn giống, quy trình sản xuất cho một số nông sản đặc sản, như: sen Huế, cam Nam Đông, rau má Quảng Thọ…

Thanh trà Huế đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể. Ảnh: L. Tuệ

Còn những đặc sản về ẩm thực, nông sản mang đặc trưng vùng miền thì thế nào?

Thừa Thiên Huế có thế mạnh về sản phẩm đặc sản địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng, tạo lập, quản lý và phát triển thương hiệu các đặc sản mang tính đặc trưng vùng miền còn nhiều hạn chế. Năm 2018, chúng tôi tập trung xây dựng, tạo lập và phát triển thương hiệu cho áo dài Huế, ruốc Huế, sen Huế, hương trầm Thủy Xuân, cá vẩu Tam Giang - Cầu Hai, dèng A Lưới và thịt bò vàng A Lưới... Chúng tôi cũng chuẩn bị triển khai dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho thanh trà Huế và được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, chúng tôi đã đề xuất dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho dầu tràm Huế.

Tại lễ hội thanh trà Huế năm 2018. Ảnh: Phan Thành

Nhiều sản phẩm của Thừa Thiên Huế có lợi thế cạnh tranh nhưng chưa được thương mại hóa một cách bài bản và xâm nhập thị trường tốt. Sắp tới, chúng tôi cố gắng cải thiện tình hình này bằng các giải pháp đồng bộ để phát triển thương hiệu các đặc sản gắn với chuỗi giá trị, giúp các sản phẩm đặc sản tiếp cận tốt hơn với thị trường trong và ngoài nước...

Ông có nói về việc ứng dụng những tiến bộ của KH&CN trong quản lý và phát triển TSTT?

Chúng tôi quan tâm việc ứng dụng KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng thương mại hóa sản phẩm. UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/dự án để khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, phát huy những sáng chế, giải pháp hữu ích để cải thiện năng lực sản xuất hàng hóa. Chúng tôi sẽ tập trung triển khai hỗ trợ ứng dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích để các doanh nghiệp có thêm điều kiện cải tiến năng lực sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Lồng ghép nguồn lực từ dự án năng suất chất lượng để hỗ trợ ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, organic, GMP, ISO 22000… Đồng thời, xây dựng quy chuẩn chất lượng cho các đặc sản dầu tràm, mè xửng Huế và ruốc Huế. Phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức cuộc thi thiết kế các logo, nhãn hiệu, mẫu mã hàng hóa… cho một số thương hiệu, như: dầu tràm, thanh trà, áo dài Huế, ruốc Huế, trầm hương. Đó cũng là giải pháp hữu ích để hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. 

Các đặc sản của Thừa Thiên Huế đã và đang được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm như thế nào?

Việc dán tem truy suất nguồn gốc sản phẩm là một phần trong nhóm nhiệm vụ nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm đặc sản. Với đề xuất Thừa Thiên Huế, vừa qua Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ký kết hợp tác thực hiện việc truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm đặc sản của Thừa Thiên Huế. Trước mắt, việc hỗ trợ này sẽ được thực hiện thí điểm cho hai sản phẩm là mè xửng và dầu tràm. Trong nhiệm vụ này, chúng tôi đã tổ chức một hội nghị về quản trị TSTT và ứng dụng dán tem truy xuất cho các doanh nghiệp của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký dán tem truy xuất sản phẩm tại hội nghị.

Chúng tôi đang xây dựng một bộ tiêu chí lựa chọn các sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm những sản phẩm đặc sản, các sản phẩm ngành nghề nông thôn. Sau khi có danh mục này, sẽ tham mưu tỉnh ban hành khung giải pháp hỗ trợ. Trong đó, tập trung vào nhóm giải pháp phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản, bao gồm cả hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc. 

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường rất khó khăn để thực hiện việc quản trị quyền sở hữu trí tuệ. Chương trình phát triển TSTT đang hỗ trợ họ những gì trong việc này?

Ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích hay nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ còn rất ít. Điều này vừa do nhận thức của doanh nghiệp chưa cao, vừa do năng lực hỗ trợ của phía nhà nước còn hạn chế, nhất là ở khâu tuyên truyền và năng lực đảm trách việc thẩm định cấp văn bằng bảo hộ.

Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền cũng như đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao khả năng quản lý và kiến thức về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.

Hiện, có một số doanh nghiệp đã phát huy giá trị TSTT để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đang phát triển tốt. Theo tôi, các doanh nghiệp cần mạnh dạn hơn để biến những ý tưởng khởi nghiệp dựa trên phát huy giá trị TSTT để phát triển các sản phẩm đặc sản một cách hiệu quả. Chúng tôi cam kết và luôn đồng hành để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh, nhưng quan trọng trước hết vẫn là sự nỗ lực của các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG VĂN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Return to top