ClockThứ Năm, 08/08/2024 10:11

Từ ngày 1-7/8: Mưa lũ, sạt lở khiến 9 người chết, 7 người bị thương

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lớn xảy ra từ ngày 1/8 đến nay đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các địa phương.

Chủ động ứng phó thiên tai từ sớm

 Mưa lớn tại Điện Biên gây ách tắc giao thông trên Quốc lộ 12. Ảnh: TTXVN phát

* Hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống

Mưa lớn gây sạt lở, lũ cuốn tại các địa phương miền núi phía Bắc đã làm 9 người chết, 7 người bị thương; 121 nhà ở bị thiệt hại, ngập úng, ảnh hưởng; 10 nhà phải di dời khẩn cấp; 95ha lúa bị ngập, ảnh hưởng, thiệt hại; 21ha hoa màu bị ngập, thiệt hại; 2.329 con gia súc, gia cầm bị chết; 1 công trình thủy nông và 2 tuyến kênh mương bị hư hỏng; 170 điểm giao thông bị sạt lở, ách tắc với tổng khối lượng 58.810m3 đất đá, bê tông; 2ha thủy sản, ao cá bị thiệt hại; 1 điểm trường có sân, cổng bị nứt, sụt; 40 cột điện bị gãy, đổ...

Tại tỉnh Điện Biên, sáng 7/8, nước lớn kéo theo bùn đất từ khu trung tâm hành chính mới đổ tràn vào nhà một hộ dân tại trung tâm xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Chỉ trong khoảng 30 phút, mực nước cao điểm đã dâng qua đầu gối. Rất may, do gia đình đã chủ động từ trước nên không có thiệt hại về người. Hiện nay, người dân trong xã đang tiếp tục hỗ trợ gia đình khắc phục tạm thời. UBND xã đã báo cáo lên lãnh đạo huyện để xây dựng phương án hỗ trợ gia đình đắp, đổ nền và dựng lại nhà. Khu vực trung tâm xã Huổi Lèng (cách trụ sở UBND xã tầm 600 - 700m) xuất hiện vết nứt dài 40 - 50cm, chạy dọc theo Quốc lộ 12, gây nguy hiểm đến 2 hộ dân. Chính quyền địa phương đã vận động, đưa gia đình di chuyển khẩn cấp trong sáng 7/8 để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng.

Mưa lớn cũng làm tuyến Quốc lộ 12 chạy qua khu vực trung tâm xã nối Mường Chà - Mường Lay liên tiếp xuất hiện sạt lở, đá rơi, gây ách tắc cục bộ và nguy hiểm cho người, phương tiện qua lại. Mưa lớn đã làm tắc Quốc lộ 12 khoảng 100m tại khu vực Km118+650 từ sáng 7/8. Ước tính có khoảng 800m3 bùn đất đã tràn ra lòng đường, độ dày lớp đất đá trên mặt đường khoảng 1m.

Tại thành phố Điện Biên Phủ, do ảnh hưởng đợt mưa lớn, bản Tà Cáng, xã Nà Tấu xuất hiện vết nứt lớn, có nguy cơ cao sạt lở. Chính quyền xã Nà Tấu đã di dời 2 hộ dân khỏi khu vực nguy cơ sạt.

Trước tình hình thiên tai diễn ra nghiêm trọng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc thời gian qua, Đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ đã đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên nhân dân bị ảnh hưởng. Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đến kiểm tra vùng ngập úng và thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân dân bản Phiêng Nghè, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Đoàn công tác đã trao hỗ trợ cho 39 gia đình bị ngập úng tại bản Phiêng Nghè, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La. Để giúp Sơn La khắc phục thiệt hại do mưa lũ, Chính phủ đã hỗ trợ khẩn cấp 10 tỷ đồng.

Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tiến hành kiểm tra công tác khắc phục hậu quả trận lũ quét lớn ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên và đến thăm, động viên và tặng quà các gia đình bị thiệt hại nặng do mất nhà cửa, mất người thân tại 3 bản Tin Tốc, bản Lĩnh, Mường Pồn. Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ khẩn cấp 10 tỷ đồng cho tỉnh Điện Biên để khắc phục thiệt hại mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân vùng thiên tai.

Bên cạnh đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu là tiền và nhu yếu phẩm trị giá hơn 440 triệu đồng, hỗ trợ khoảng 380 người dân bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại tỉnh Sơn La và Điện Biên. Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Điện Biên thành lập trạm y tế lưu động tại nơi lũ quét Mường Pồn. Đầu tháng 8/2024, trạm y tế lưu động tại nơi xảy ra lũ quét ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, chính thức đi vào hoạt động. Cùng với việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, các cán bộ của trạm còn phân công đến từng bản để kiểm tra môi trường, hướng dẫn nhân dân vệ sinh nhà cửa, vật dụng và phun khử khuẩn…

Tại tỉnh Sơn La, Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Sơn La phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Mường La tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân bị ảnh hưởng mưa lũ tại xã Mường Bú.

* Không để người dân thiếu chỗ ở, thiếu đói trong thiên tai

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 11 - 17/8, Bắc Bộ khả năng tiếp tục có mưa dông, cục bộ có nơi mưa to. Tây Nguyên và Nam Bộ từ khoảng ngày 10/8 có mưa rào, dông rải rác (mưa tập trung vào chiều tối và tối), trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Do vậy để tiếp tục phòng, chống đồng thời khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 4/8 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới; trong đó tập trung vào việc tiếp tục chủ động tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.

Các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra; chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định.

Các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Bên cạnh đó, chủ động bố trí ngân sách địa phương (bao gồm cả dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác, không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau bão, mưa lũ, ngập lụt, không để ảnh hưởng lớn đến việc học hành của các cháu học sinh....

Các tỉnh hạ du sông Hồng, sông Thái Bình, sông Lô, sông Chảy triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà; giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân.

Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Theo baotintuc.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ sạt lở tại công trình Tỉnh lộ 15 rất cao

Thực trạng trên là điều mà chúng tôi ghi nhận vào trưa 19/9 tại công trình nâng cấp Tỉnh lộ (TL) 15 (TX. Hương Thuỷ), là thời điểm nhiều địa phương trong tỉnh đang phòng chống cơn bão số 4 ở khu vực miền Trung.

Nguy cơ sạt lở tại công trình Tỉnh lộ 15 rất cao
Quảng Điền chủ động phòng, chống thiên tai

“Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” là phương châm của huyện Quảng Điền trong xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của các cấp, các ngành nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Quảng Điền chủ động phòng, chống thiên tai
Cảnh báo lũ quét, sạt lở tại 9 tỉnh, thành phố ở Trung Bộ và Kon Tum

Dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Kon Tum tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cảnh báo trong những giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện ở các khu vực trên.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở tại 9 tỉnh, thành phố ở Trung Bộ và Kon Tum
Cảnh báo trượt lở đất vùng đồi núi

Trên cơ sở các vị trí cảnh báo, các địa phương khẩn trương bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven đồi núi, sông suối để chủ động di dời, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Cảnh báo trượt lở đất vùng đồi núi
Khó khăn trong ứng dụng công nghệ cảnh báo sớm sạt lở, lũ quét

Thiên tai địa chất sạt lở và lũ quét vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi Tây Bắc, đặc biệt các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu. Để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở và lũ quét gây ra, giải pháp được nhiều người quan tâm là công tác cảnh báo sớm tai biến thiên tai và quy hoạch các vùng dân cư tránh sạt lở và lũ quét.

Khó khăn trong ứng dụng công nghệ cảnh báo sớm sạt lở, lũ quét

TIN MỚI

Return to top