Mặc dù Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã chuyển đủ số tiền 500 triệu USD như đã cam kết để đền bù cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do công ty này gây ra hồi tháng 4/2016. Tuy nhiên, đến nay người dân 4 tỉnh này vẫn chưa nhận được khoản tiền này.
Liên quan đến nội dung trên, chiều 27/9, chúng tôi đã cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Vũ Văn Tám.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (bìa phải)
- Xin Thứ trưởng cho biết, vì sao đến thời điểm hiện tại ngư dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chưa nhận được tiền đền bù từ Công ty Formosa, mặc dù công ty này đã chuyển đủ 500 triệu USD như đã cam kết khá lâu rồi?
- Có thể nói từ khi xảy ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đến nay, Bộ NN&PTNT cùng các Bộ, ngành trung ương và địa phương đã rất nỗ lực vào cuộc với một khối lượng công việc rất lớn như: Xác định nguyên nhân; Qui trách nhiệm; Xây dựng đề án xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường… Do đó, để thực hiện những việc này cần có 1 khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, thời điểm này người dân mong chờ nhất là bao giờ tiền đền bù đến tay họ. Thì có 2 việc đang phải làm song song đó là các địa phương tiếp tục hoàn thành việc thống kê thiệt hại, sau đó gửi lên Bộ NN&PTNT; việc thứ 2 là Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương để đưa ra được định mức giá bồi thường, sau đó trình Chính phủ phê duyệt. Dự kiến trong tuần này (tuần từ 26/9 đến 2/10) Chính phủ sẽ phê duyệt xong định mức tiền đền bù, sau đó kết hợp với thống kê thiệt hại từ các địa phương thì mới giải ngân được, chắc khoảng đầu tháng 10 là tiền đến tay người dân.
- Hiện nay ngư dân được khuyến cáo là chưa đánh bắt tại vùng biển trong vòng dưới 20 hải lý, trong khi nhiều ngư dân không đủ vốn để đóng tàu công suất lớn để ra khơi. Chính phủ có chính sách hỗ trợ các đối tượng này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Bộ NN&PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án tổng thể “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường”, trong đó có chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng phục vụ đóng tàu để ngư dân có thể chuyển đổi ra khai thác hải sản xa bờ cụ thể: Các chủ tàu cá có tàu không lắp máy hoặc lắp máy công suất dưới 90CV được vay vốn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước để đóng mới tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá và bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
Ngư dân 4 tỉnh miền Trung được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để đóng tàu cá công suất lớn hơn (Ảnh minh họa: Đăng Đức)
Về hạn mức, lãi suất và thời hạn cho vay, ngư dân có thể lựa chọn một trong hai hình thức như: Vay 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu cá chỉ phải trả lãi suất 1%/năm. Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất: 15 năm, chủ tàu cá được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay. Được hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới (bao gồm giá trị tàu, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị bảo quản và ngư cụ), nhưng không quá 2 tỉ đồng/tàu.
- Được biết người ngư dân 4 tỉnh miền Trung nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, nếu có nguyện vọng sẽ được ưu tiên đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài theo nghề đánh bắt hải sản. Vậy, sau thời gian làm việc ở nước ngoài, khi về nước, họ có được hỗ trợ, ưu tiên để phát triển nghề cá trong nước không, thưa Thứ trưởng?
- Về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp và tạo việc làm cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Người dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được ưu tiên theo các ngành nghề phù hợp với đặc điểm của ngư dân vùng biển và gắn với sinh kế từ biển khi đủ điều kiện. Các thị trường tập trung ưu tiên: ngư nghiệp tại Hàn Quốc, đánh bắt gần bờ tại Đài Loan, Hàn Quốc, thực tập sinh chi phí thấp tại Nhật Bản, đánh bắt gần bờ tại Thái Lan.
Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, những lao động này sẽ trở về nước làm việc và đây là nguồn lao động có tay nghề cao, có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, tiếp thu các công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Đây là nguồn bổ sung lao động nghề cá quan trọng để phục vụ phát triển nghề cá xa bờ trong những năm tới đây. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các Bộ ngành và địa phương liên quan để có kế hoạch phát triển và sử dụng nguồn lực lao động này sau khi họ kết thúc hợp đồng làm việc ở nước ngoài và trở về nước.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Dân trí