|
Người dân vùng cao A Lưới ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Ch.X |
Trước đây, chị Trần Thị Hẹp, dân tộc Pa Cô, thôn A Tia 1, xã Hồng Kim vẫn còn lóng ngóng với chiếc điện thoại thông minh trên tay. Từ ngày được chị em hội phụ nữ xã hướng dẫn cách sử dụng cũng như tạo các tài khoản mạng xã hội, chị Hẹp đã gọi điện, xem hình ảnh với người thân, bạn bè thông qua nền tảng công nghệ zalo, facebook một cách nhuần nhuyễn. Không chỉ vậy, chị Hẹp còn sử dụng các trang mạng xã hội này để đăng tải, quảng bá các loại rau, củ, quả trồng được trong vườn nhà để kiếm thêm thu nhập.
Chị Hẹp chia sẻ: “Mới đầu chỉ sử dụng mạng xã hội để phục vụ mục đích giải trí là chính. Sau đó, mình bắt đầu đăng, bán hàng online. Vì chưa biết cách chụp ảnh, giới thiệu sản phẩm nên còn hạn chế người mua”. Về sau, chị vừa làm, vừa học hỏi những cách làm hay, sáng tạo nên dần cải thiện kỹ năng bán hàng online. Nhờ vậy, mỗi tháng gia đình chị có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống ngoài làm nương rẫy.
“Trước đây, mình trồng rau chỉ để ăn trong gia đình. Nay mình trồng các loại rau, củ để bán online cũng kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng, có khi còn nhiều hơn. Nguồn thu này giúp gia đình mua các thứ thiết yếu trong cuộc sống, nói chung cũng đỡ nhiều. Bà con trong thôn nay thi nhau trồng nhiều rau để bán online vừa dễ tiêu thụ, vừa đỡ tốn thời gian, ai cũng thích”. Chị Trần Thị Hẹp phấn khởi.
Bắt nhịp xu thế chuyển đổi số hiện nay, ông Kê Thanh Ngầu, Bí thư Chi bộ thôn Diên Mai, xã A Ngo không phải đến từng nhà để thông báo họp thôn, họp Chi bộ như trước đây. Thay vào đó, ông chỉ cần gõ vài dòng thông báo trên chiếc điện thoại thông minh gửi lên nhóm facebook, zalo “Cộng đồng Diên Mai” là hơn 200 hộ dân trong thôn đều nhận được thông tin. Năm 2023, xã A Ngo thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng Diên Mai với 8 thành viên, do ông làm tổ trưởng. Tổ có chức năng hỗ trợ bà con cài đặt, hướng dẫn cách sử dụng các ứng dụng công nghệ, như làm căn cước công dân, thủ tục hành chính, cập nhật giấy tờ tùy thân, các chế độ chính sách...
“Bây giờ, bất cứ việc quan trọng nào từ cấp trên đều được đưa lên nhóm zalo, facebook để mọi người nắm tình hình. Nhất là khi địa phương đẩy mạnh công nghệ thông tin, tất cả mọi thứ từ làm thủ tục hành chính, thông báo các cuộc họp, các văn bản hướng dẫn đều sử dụng công nghệ thông tin hết. Trước đây, mỗi lần có việc là phải đến từng nhà hoặc thông báo trên loa phát thanh của thôn. Hiện, tôi tham gia 5 nhóm zalo, facebook, như nhóm cán bộ ban ngành, nhóm dân cư, nhóm chi ủy, nhóm đảng viên nơi cư trú, nhóm chi bộ. Nói chung, công nghệ thông tin giúp cho mình nhiều trong công việc và cũng thuận lợi cho người dân”. Ông Ngầu cho hay.
A Ngo đang chuẩn bị tiến tới xây dựng xã nông thôn mới thông minh nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ nhân lực luôn được chú trọng. Ông Đặng Thái Linh, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo cho hay, hiện tất cả 6 thôn trên địa bàn xã đã phủ sóng mạng internet, wifi và thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ bà con ứng dựng công nghệ thông tin: “Chuyển đổi số không chỉ ở việc lắp đặt hạ tầng mà còn là vấn đề thay đổi nhận thức của người dân được thụ hưởng. Hiện, xã A Ngo đang chờ UBND tỉnh cấp kinh phí từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai xây dựng xã nông thôn mới thông minh. Dự kiến khi có kinh phí, xã sẽ đầu tư lắp đặt wifi miễn phí tại các nhà sinh hoạt cộng đồng và khu vực công cộng. Ngoài ra, xã cũng xây dựng mô hình thí điểm lắp camera giám sát tại các điểm giao thông, ngã ba, ngã tư ở thôn Bình Sơn và nhân rộng tất cả các thôn còn lại trong thời gian tới”.
Đến nay, 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã phủ internet, wifi, 4G. Theo ghi nhận, các quán ăn, nhà hàng tại huyện A Lưới phần lớn đều đã trang bị mã QR Code để người dân có thể thanh toán theo hình thức chuyển khoản. Đây là một bước tiến mới trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần nâng cao đời sống người dân, qua đó từng bước đưa huyện A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, việc ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng mạng xã hội đã đem lại hiệu quả cho người dân trong phát triển kinh tế, phục vụ đời sống, sản xuất.
“Mặc dù là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân khá tốt. Cơ bản 95 thôn, làng, tổ dân phố của 18 xã, thị trấn của huyện đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, trình độ nhiều Tổ còn hạn chế, đơn vị đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các thao tác trên máy, cách tiếp nhận thông tin dữ liệu. Năm nay, chúng tôi đã xin kinh phí khoảng 15 triệu đồng/xã để nâng cấp các trang thông tin điện tử 18 xã, thị trấn dựa trên nền tảng đã có. Nhờ vậy, người dân khá thuận lợi trong việc tiếp cận công nghệ thông tin để phục vụ đời sống, phát triển kinh tế”. Ông Hải nói.