Tuyến đường Lê Lợi là điểm nhấn trong không gian đô thị. Ảnh: MC
Quy hoạch đi trước một bước
Theo Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm phía Nam TP. Huế được phê duyệt từ năm 2005, khu vực dọc các tuyến đường trên được định hướng chủ yếu là khu vực đất trụ sở cơ quan và đất ở trên cơ sở nghiên cứu vùng kiểm soát hạn chế phát triển và quản lý chặt chẽ về không gian kiến trúc, tầng cao, độ cao công trình. Riêng trục Lê Lợi là trục không gian gắn kết các kiến trúc Pháp đặc trưng với cảnh quan ven sông Hương; hạn chế tối đa xây dựng công trình mới ở phía bắc trục đường. Khu vực phía nam trục đường khuyến khích xây dựng các công trình dịch vụ du lịch với quy mô hình thức kiến trúc thích hợp.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, UBND tỉnh đã có những điều chỉnh về Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm phía nam TP. Huế. Theo đó, khu vực dọc tuyến Lê Lợi, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Huệ ở những vị trí đất trụ sở cơ quan được định hướng điều chỉnh thành đất thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp kết hợp ở tại khu vực phù hợp. Việc điều chỉnh này phù hợp với phương án sắp xếp, xử lý và di dời trụ sở một số cơ quan, đơn vị thuộc các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Lê Quý Đôn, Tôn Đức Thắng... về khu hành chính tập trung nhằm tạo nên sự gắn kết giữa các sở ngành, giúp giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, đảm bảo liên thông nhanh. Việc di dời này sẽ tạo quỹ đất quan trọng phục vụ kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm, tạo diện mạo đô thị cho khu vực trung tâm phía nam TP. Huế.
Việc điều chỉnh quy hoạch này hoàn toàn phù hợp với thực tế cũng như định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 54 về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Việc di dời trụ sở các cơ quan dọc tuyến với mục tiêu thu hút đầu tư khu vực ưu tiên thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp khu vực được xem là kỳ vọng tạo nên sự bứt phá trong diện mạo khu vực góp phần thiết thực thu hút đầu tư và là động lực trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thu hút đầu tư sao cho đảm bảo tiến độ thực hiện để không lãng phí nguồn đất công và phá vỡ cảnh quan là điều cần thiết nhất lúc này.
Các hoạt động tháo dỡ hàng rào khu vực đang được triển khai. Ảnh: HOÀNG ANH
Tạo sức hút trong thu hút đầu tư
Bài toán này đã và đang được giải quyết triệt để ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư khu hành chính tập trung cũng được đầu tư, đẩy nhanh tiến độ và đầu năm 2022, các trụ sở của đơn vị dọc tuyến đã tiến hành chuyển về khu hành chính tập trung. Hiện, việc tháo dỡ hàng rào ở các trụ sở cơ quan, bảo tàng… dọc theo đường Lê Lợi đã được triển khai. Việc làm này là bước khai mở với hy vọng tạo nên không gian kết nối với công viên, đường đi bộ dọc theo bờ sông Hương tạo sức hút trong thu hút đầu tư.
Trên cơ sở quy hoạch đi trước một bước, Sở Xây dựng đã và đang triển khai thực hiện bám sát quy hoạch, đồng thời tham mưu liên quan đến khung tổ chức hiện trạng, rà soát để có những định hướng khai thác quỹ đất phù hợp. Đồng thời, nghiên cứu chiều cao từng khu phù hợp với tình hình khu vực, triển khai lấy ý kiến các chuyên gia, hội nghề nghiệp để có những đề xuất phù hợp từ đó định hướng kêu gọi đầu tư.
Những vị trí đất trụ sở cơ quan Nhà nước ở trục đường Nguyễn Trường Tộ được định hướng điều chỉnh thành đất thương mại. Ảnh: MC
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, để không lãng phí nguồn đất công ở những vị trí quan trọng, ngay từ khi điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm phía nam TP. Huế, sở đã chuẩn bị cho công tác xúc tiến đầu tư khu vực. Trong đó, phối hợp với các sở ngành lấy ý kiến, xây dựng phương án, xác định những thế mạnh trong đầu tư khu vực. Để tạo chuyển biến đầu tư cho khu vực với điểm nhấn là phát triển thương mại dịch vụ, chất lượng, uy tín nhà đầu tư được đưa ra hàng đầu, tỉnh ưu tiên những nhà đầu tư lớn, uy tín có tiềm lực kinh tế cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực ưu tiên đầu tư
Đồng thời, trên cơ sở các tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy đầu tư mà tỉnh đã phân công nhiệm vụ, sở cũng thành lập tổ giúp việc nhằm tham mưu giám sát, quản lý, từng dự án đầu tư phù hợp quy định hiện hành cũng như xúc tiến đầu tư tháo gỡ từng khó khăn của nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, thực hiện các thủ tục liên quan. Hiện nhiều nhà đầu tư lớn đang tham gia nghiên cứu đầu tư tại khu vực, trong đó nhiều nhà đầu tư lớn có tiềm lực lẫn uy tín. Đây là cơ hội rất lớn trong thu hút đầu tư nói riêng và thúc đẩy kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế nói chung.
HOÀNG LOAN