ClockThứ Hai, 03/01/2022 14:30

Vào rừng khảo sát giống trồng rừng

TTH - Những ngày cuối thu, đầu đông, tranh thủ tiết trời hửng nắng, một nhóm kiểm lâm cùng các chuyên gia lâm nghiệp tay xách nách mang “hành quân” vào rừng sâu thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Sao La (huyện A Lưới)… không phải để điều tra phá rừng, chẳng phải đặt bẫy ảnh hay giải cứu động vật, lần này họ bắt tay cho hành trình tìm nguồn giống cây rừng bản địa từ rừng tự nhiên để thực hiện sứ mệnh gieo ươm cây giống trồng rừng và bảo tồn nguồn gen quý hiếm.

Từ mô hình vườn ươm ở Phong MỹGiống trồng rừng thân thiện với môi trườngPhục hồi rừng bản địaTìm giống tốt cho rừng trồng

Nhóm các chuyên gia đang nghiên cứu, ghi chép  các thông tin về một gốc lim xanh cổ thụ

Càng đi vào rừng sâu, những cây rừng quý hiếm lần lượt hiện ra trước sự ngỡ ngàng của đoàn khảo sát. Những cây rừng quý hiếm cứ thế lần lượt được ghi chép, lấy mẫu một cách cẩn thận để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi trong Đề án hưởng ứng trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Theo dấu rừng xanh

Họ phải mất cả ngày đường mới vào được những khu rừng đã xác định từ trước đó thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sao La. Sau một hồi nghỉ ngơi, các thành viên trong nhóm bắt đầu chia nhau thực địa tìm các loài cây lâm nghiệp bản địa.

“Cứ ngỡ cây này là lớn nhất, trội nhất, nhưng không, càng đi càng phát hiện ra nhiều cây to hơn, lớn hơn”, anh Trần Vũ Ngọc Hùng, Phó Trưởng phòng Sử dụng phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhớ lại. Là thành viên trong nhóm khảo sát nguồn giống, anh Hùng bảo rằng hành trình này bắt đầu từ tháng 7/2021, mỗi chuyến đi như thế kéo dài từ 3-7 ngày, tùy theo từng vùng rừng và thời tiết.

Với kinh nghiệm gần hai chục năm trong nghề, anh Hùng khẳng định giống là yếu tố hàng đầu, quyết định đến năng suất, chất lượng rừng trồng. Anh nói: “Đó phải là những cây tốt nhất, có chiều cao vượt trội, đường kính lớn, thân thẳng, tròn đều, không bị sâu bệnh, tỷ lệ quả hạt cao... Có thế sau này khi lấy giống mới nâng cao được phẩm chất di truyền, có năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh và các điều kiện bất lợi khác”.

Các thông tin lần lượt được nhóm điều tra ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ; ngoài ra, còn phải xác định được những cây trội ấy nằm ở khoảnh nào, hệ thống đường di chuyển ra sao. Chưa kể phải biết cây trội đó trồng trên loại đất nào cùng với các thông số: độ hướng dốc, độ cao so với mặt biển, độ không khí trung bình, tối thiểu, tối đa và lượng mưa… Những số liệu ấy sẽ được đưa về phân tích, lập biểu đồ.

Không riêng gì Khu Bảo tồn thiên nhiên Sao La, nhóm nghiên cứu, khảo sát giống cây rừng bản địa quý hiếm cũng đã băng rừng, lội suối tìm vào những cánh rừng sâu thuộc VQG Bạch Mã, BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, BQL Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, BQL Rừng phòng hộ Nam Đông… để nghiên cứu. Càng đi nhóm càng phát hiện ra rất nhiều loại cây quý hiếm như lim xanh, kiền kiền, chò đen, chò chỉ, sến mật, sến trung… với mật độ phát triển dày đặc. Điều này chứng minh sự phong phú, đa dạng sinh học không những phải bảo tồn mà tìm cách để nhân giống, phát triển.

“Giống chính là bảo tồn”

Bên cạnh vai trò quản lý, niềm đam mê tìm giống cây rừng đã thôi thúc ông Nguyễn Hữu Huy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng băng rừng, lội suối để tham gia nhiều chuyến khảo sát cùng anh em. Những mệt mỏi trong ông như tan biến khi chứng kiến trước mặt là mảng rừng với hàng chục cây lim xanh tự nhiên vô cùng quý hiếm, đường kính mấy người ôm cũng không xuể.

Rất nhiều thông tin về các cây bản địa được ghi chép, chụp ảnh cẩn thận

“Bằng mọi giá, chúng tôi phải nhân giống những giống cây bản địa này theo hướng bền vững - ông Huy tự tin và hy vọng - sau này tùy theo từng lâm phần, ngoài việc bảo tồn được những giống cây rừng bản địa, sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Cứ thế đi hết cánh rừng này sang cánh rừng khác trên địa bàn tỉnh, những cuốn sổ của nhóm khảo sát dày đặc thông tin, số liệu về những cây rừng tự nhiên quý hiếm. Tất cả sẽ được hội đồng chuyên môn thẩm định, công nhận trước khi chính thức bắt tay lấy giống. Dù chưa có quyết định cuối cùng, nhưng cả nhóm khảo sát rất tự tin với danh sách 50 cây trội các loài bản địa, ưu tiên loài cây đặc hữu như lim xanh, kiền kiền, chò đen, sến mủ, ươi, huỷnh, lát hoa, sến trung, gõ lau, sưa... Đó được xem như là nguồn giống quý giá trong hành trình bảo tồn rừng tự nhiên cho vùng đất có khí hậu khắc nghiệt như Huế.

“Khả năng ngay khi hội đồng thông qua công nhận nguồn giống, năm 2022, chúng tôi sẽ bắt tay vào việc với quy trình ba tại chỗ: lấy giống tại chỗ, gieo tại chỗ và trồng tại chỗ. Không chỉ dừng lại đảm bảo nguồn giống, tham vọng của chúng tôi còn sẽ chia sẻ nguồn giống này với nhiều tỉnh, thành khác nếu có nhu cầu”, ông Huy nói.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi còn đảm nhiệm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, là người rất nặng lòng với công tác trồng và bảo tồn cây rừng tự nhiên. Từng đi công tác, trao đổi kinh nghiệm với nhiều đồng nghiệp ở nhiều nước, ông bảo, hiện nay rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới đều có bảo tàng giống, việc phân loại và lưu giữ nguồn giống sinh vật tự nhiên được thực hiện một cách khoa học, bài bản. Trong khi đó, ở đất nước chúng ta, dù được đánh giá là quốc gia có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên công tác giống và bảo tồn vẫn chưa được chú trọng.

“Hôm nay, chúng ta mở mắt ra là thấy cây này, cây nọ. Nhưng biết đâu, vài chục năm tới với đà suy thoái của tài nguyên nhiên thiên như hiện nay, nếu không có các giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển nguồn giống tự nhiên thì kho báu đó có thể không còn nữa”, ông Tuấn chia sẻ và nhấn mạnh câu nói đúc kết của các nhà khoa học bảo tồn khi nói về giống: “Giống chính là bảo tồn!”. Vì thế, công tác giống hiện nay đang được ngành tiến hành với tinh thần khẩn trương nhất. Có như thế mới đảm bảo thế hệ con cháu đời sau mới có tương lai, hiểu được giá trị ý nghĩa của rừng.

Trồng ít nhất 7 triệu cây xanh

Đó là mục tiêu phấn đấu được UBND tỉnh đưa ra trong đề án “Hưởng ứng trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh”. Trong đó, có 4,7 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 2,3 triệu cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ và trồng mới rừng trồng sản xuất.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khi còn giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đề án này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sự sống của con người. Bên cạnh nâng cao chất lượng rừng, tỷ lệ che phủ để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai… còn tạo ra việc làm, tăng thu nhập từ lâm sản cũng như các mô hình nông lâm ngư kết hợp. Không dừng lại ở con số chỉ tiêu đưa ra là 7 triệu cây, ông Thọ cho rằng cần cố gắng hơn để có thể vượt chỉ tiêu.

Bài: Phan Thành - Ảnh: Chi cục Kiểm lâm cung cấp

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trung Quốc khảo sát tìm hiểu “nỗi sợ sinh con” của người dân

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đang tiến hành khảo sát 30.000 người để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ đối với việc sinh con và “nỗi sợ sinh con” của người dân, trong bối cảnh chính quyền nước này phải chật vật để thúc đẩy tỷ lệ sinh đang suy giảm.

Trung Quốc khảo sát tìm hiểu “nỗi sợ sinh con” của người dân
Return to top