ClockThứ Tư, 01/09/2021 20:33

Bảo vệ cây xanh trước mùa mưa bão

TTH.VN - Đô thị Huế được xem là đô thị xanh với khối lượng hàng chục ngàn cây xanh, trong đó có hàng trăm cây cổ thụ có giá trị cao, cần được bảo tồn. Với một khối lượng cây xanh như thế, việc cắt tỉa, giằng chống cũng được tính toán, theo thứ tự ưu tiên nhất định.

Để lại một “di sản xanh” cho hậu thếXanh mảnh vườn, lòng ngườiTri ân câyTăng cường quản lý hệ thống cây xanh đô thị

Công nhân cắt tỉa, hạ độ cao cây xanh đô thị trước khi đón mùa mưa bão

Khối lượng công việc khá lớn

Rút kinh nghiệm từ mùa mưa bão năm trước, việc cắt tỉa cây xanh đô thị năm nay được gấp rút triển khai, đảm bảo hoàn thành khi mùa mưa bão ập đến nhằm hạn chế thiệt hại.

“Chúng tôi phải phân loại ưu tiên, từ đó có những biện pháp cắt tỉa cụ thể” – ông Nguyễn Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế xác định như thế khi nói về việc cắt tỉa cây xanh, chuẩn bị đón mùa mưa bão năm 2021 cận kề.

Từ kinh nghiệm của mùa mưa bão năm trước khiến hơn 10.000 cây xanh gãy đổ ngổn ngang, ông Quý bảo rằng việc cắt tỉa năm nay được lên phương án kỳ càng, đảm bảo cắt tỉa đúng “đối tượng”, ưu tiên những tuyến đường chính có lưu lượng phương tiện qua lại đông đúc và khu đông dân cư. Song song với đó, bảo vệ được cây cổ thụ, cây có giá trị.

Theo ghi nhận, việc cắt tỉa được đơn vị cây xanh bắt tay từ cuối tháng 6, khi thời tiết nắng nóng vẫn còn ở đỉnh điểm. Nhưng theo lý giải, với khối lượng cây xanh đồ sộ như thế, nếu không cắt tỉa sớm sẽ không kịp tiến độ, không đảm bảo an toàn khi mưa bão ập đến.

Có thể thấy rõ, việc cắt tỉa, tạo tán cây xanh ở một số tuyến đường như Lê Lợi, Ngô Quyền, Nguyễn Trường Tộ, Lê Duẩn… nơi có khối lượng cây cổ thụ cơ bản hoàn tất từ cách đây hơn tháng. Tương tự, các tổ cắt tỉa cây xanh của Trung tâm Công viên cây xanh Huế cũng hoạt động hết công suất, làm việc liên tục bất kể ngày cuối tuần. “Khối lượng công việc khá lớn vì thế phải đảm bảo hoàn thành càng sớm càng tốt. Đó không chỉ là cách bảo vệ cây xanh mà còn bảo vệ an toàn cho đô thị, cho người dân khi mưa bão ập tới” – một công nhân cắt tỉa cây xanh trên đường Lê Lợi nói.

Hàng chục nhân viên được chia thành nhiều đội, nhóm để cắt tỉa lần lượt các tuyến đường theo địa phận hai bờ Bắc và bờ Nam. Công nhân trước khi cắt tỉa đã khảo sát cụ thể từng tuyến đường, dựa trên kế hoạch ban hành trước đó. “Có tuyến đường chỉ cần cắt 30%, tập trung vào cây có nguy cơ gãy đổ, có tán lớn, cao”, người công nhân này nói tiếp.

Phương án tối ưu: Hạ độ nặng, độ cao 

Theo số lượng của Trung tâm Công viên cây xanh Huế, hiện đơn vị quản lý khoảng 65.000 cây xanh các loại. Trong đó có khoảng 50.000 cây loại 1, còn lại cây loại 2 và 3 – được xếp vào loại cây lớn, đường kính trên 20cm. Trong đó, việc cắt mé, tạo tán, hạ thấp chiều cao tập trung vào khoảng 3.500 cây. Tính đến thời điểm này, công việc đã hoàn tất khoảng 70%.

Năm nay, thời tiết đặc biệt nắng nóng gay gắt và kéo dài nên không thể cắt tỉa sớm do sợ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phần nữa người dân cũng phản ứng. Theo Trung tâm Công viên cây xanh Huế, việc cắt tỉa bắt đầu vào cuối tháng 6 và cao điểm tập trung vào tháng 7 và 8. “Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn tất trong cuối tháng 9, sau đó bắt đầu tính toán đến phương án giằng chống”, ông Quý cho hay.

Việc giằng chống, theo ông Quý tập trung vào cây loại 1, là loại cây nhỏ và các cây lớn có nguy cơ gãy đổ bất cứ khi nào nếu gặp phải mưa bão lớn.

Cắt tỉa cây xanh trên đường Đống Đa, TP. Huế

Theo các đội cắt tỉa cây xanh, việc cắt tỉa, hạ tán cây xanh đô thị ở bờ Bắc khó khăn, trở ngại hơn so với bờ Nam, bởi hệ thống cây xanh lâu năm tập trung nhiều hơn, trong khi đường sá nhỏ hẹp. Anh Lê Thọ, đội trưởng đội cắt tỉa cây xanh khu vực bờ Bắc của Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho hay, đến thời điểm này, tiến độ cắt tỉa đang vào giai đoạn nước rút.

Theo anh Thọ, những tháng gần đây, đội chia thành hai nhóm, mỗi nhóm 4-5 người làm việc liên tục để đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng nên có lúc phải “nhường” xe để phục vụ cho việc tưới nước. “Đến thời điểm này, khu vực bờ Bắc còn khoảng 300 cây chờ cắt. Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành trước khi mùa mưa bão ập vào”, anh Thọ cho hay.

Trao đổi thêm về phương án hạn chế rủi ro gãy đổ cây xanh, ông Quý khẳng định, phương án tối ưu nhất vẫn là cắt mé, hạn chế độ nặng lẫn cao và tạo ra sự cân đối cho cây. Riêng hạ tầng bên dưới cây, không thể thay đổi được. Phương án giằng chống sẽ sử dụng khung sắt và thanh gỗ.

“Chúng tôi có gắng tập trung và huy động hết nhân lực. Thế nhưng với điều kiện và phương tiện như hiện tại cũng gặp rất nhiều hạn chế. Vì thế, vẫn phải ưu tiên tập trung xử lý cây cổ thụ và cây có giá trị”, ông Quý chia sẻ.

Theo ông Lê Tuấn Vĩnh, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế, để phòng chống thời tiết bất thường, diễn biến phức tạp khi mùa mưa bão đang đến gần, UBND TP. Huế đã giao Trung tâm Công viên cây xanh Huế khẩn trương xử lý cây, cành khô, vướng hệ thống tín hiệu giao thông, gia cố cọc chống cây… Ngoài ra, chặt cây sâu mục, chết khô. Việc cắt tỉa ngoài hạ độ cao, chiều cao cần lưu ý thêm cây mọc lệch tán. Yêu cầu Phòng GD-ĐT chủ động kiểm tra, rà soát cây có khả năng gãy đổ trong phạm vi nhà trường để đề nghị Trung tâm Công viên cây xanh Huế xử lý. Tương tự, các phường cũng kiểm tra cây xanh trên địa bàn mình, nếu phát huy có nguy cơ gãy đổ báo Trung tâm Công viên cây xanh Huế hỗ trợ chặt hạ, cắt mé.

Ông Vĩnh cho biết thêm, với cây xanh trong khuôn viên nhà dân, trụ sở cơ quan ban ngành… không do Trung tâm Công viên cây xanh Huế quản lý thì UBND phường tổ chức tuyên truyền, vận động cắt mé để đảm bảo an toàn cho người dân lẫn phương tiện giao thông.

Một trận bão khiến hơn 10.000 cây xanh gãy đổ

Đó là trận bão số 5 vào tháng 9/2020. Chỉ sau một trận bão này, có hơn 10.000 cây xanh trên toàn TP. Huế, trong đó có nhiều cây cổ thụ bật gốc, chỏng chơ. Loại cây bị gãy đổ nhiều nhất là: phượng vàng, phượng đỏ, bằng lăng, so đo cam... Ngay sau đó, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã lấy ý kiến của các phòng chuyên môn để lập danh sách các loài cây chống chịu bão, vừa có bóng mát đô thị, để thay thế các loài cây được trồng lâu năm bị bật gốc do gió bão số 5 hoặc trên các tuyến đường mới.

Thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã xuống đường kiểm tra hệ thống cây xanh gãy đổ và đã yêu cầu UBND TP. Huế, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và các đơn vị liên quan cần có đánh giá thấu đáo, nghiên cứu trồng hệ thống cây xanh công cộng theo hướng bền vững, chống chịu được với gió bão. Đối với những cây bật gốc thì phải loại bỏ, thay thế mới; đối với cây gãy đổ thì có giải pháp cắt tỉa, gia cố để cây phát triển.

Bài, ảnh: Nhật Minh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

Việc cắt tỉa cây, mé cành là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng trong mùa mưa bão. Vì vậy, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã chủ động thực hiện nhiệm vụ này.

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão
Bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương

Với mục tiêu từng bước hoàn thiện hạ tầng, tạo bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều dự án (DA) quy mô lớn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình kịp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương
Lập lại trật tự đô thị

Là đô thị trung tâm, lưu lượng người và các phương tiện tham gia giao thông đông, đặc biệt là 3 tháng cuối năm 2024 nên TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông (TTĐT - ATGT) trên địa bàn.

Lập lại trật tự đô thị
Bảo vệ cây xanh bằng nhiều cách

Cứ mỗi lần nghe tin sắp có bão lớn là nhiều người ăn ngủ không yên. Người ở nhà dưới cấp 4, nhà tạm thì lo nhà sập. Người ở nhà trên cấp 4 một tí thì lo gió làm tốc mái, lo cây đổ đè sập nhà, làm đứt đường dây điện chiếu sáng, đứt dây điện thoại, gây tai nạn chết người. Người ở nhà kiên cố, nhà rường thì lo sạt mái ngói. Người có xe ô tô đậu ngoài đường thì lo cây đổ đè hư hỏng.

Bảo vệ cây xanh bằng nhiều cách

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Thế giới Cây và hoa Việt Nam
Return to top