ClockThứ Bảy, 23/01/2021 13:45

Xanh mảnh vườn, lòng người

TTH - Có giai đoạn những mảnh vườn ven sông thưa bớt bóng cây. Đến khi người ta nhận diện được giá trị, nguồn gen được bảo tồn, Huế lại xanh từ mảnh vườn. Màu xanh ấy không chỉ ghi dấu lịch sử mà còn có cả lợi ích về kinh tế, văn hóa và du lịch.

Tri ân câyCây xanh là ký ức

Những mùa sen thơm ngát. Ảnh: TRUNG PHAN

Tin ở màu xanh

Du lịch nông nghiệp đang là xu thế, Huế cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Có lần trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, ông đưa ra nhận định, sẽ rất đúng hướng nếu Huế phát triển nông nghiệp sạch kết hợp du lịch, đặc biệt dựa vào lợi thế của những loại cây trái đã đi vào lịch sử để làm nền tảng. “Hiếm có vùng đất nào như Huế, nhắc đến Long nhãn, quýt Hương Cần, thanh trà Thủy Biều, sen Huế sẽ nghĩ ngay đến món ăn của vua chúa ngày trước”, ông Hoa chia sẻ.

Chính phù sa của những con sông góp phần hình thành nên tiếng tăm của những loại cây trái đặc sản xứ Huế, nếu như quýt Hương Cần “sống” nhờ phù sa của dòng sông Bồ để có mùi thơm “ngát tận xương”, vị ngon được ví như quýt vùng Giang Lăng (Giang Nam) của Trung Quốc thì sông Hương đã làm cho thanh trà Thủy Biều trở thành một trong những loại trái cây ngon nhất Việt Nam. Và cũng không phải ngẫu nhiên dâu Truồi đi vào tận tiếng hát người xưa:“Năm xưa thầy mẹ bảo em/Chọn mua lấy quả dâu tiên xứ Truồi/Để nhà anh tới chịu lời”…

Thanh trà Thủy Biều - một trong những loại trái cây ngon nhất Việt Nam

Không phải bây giờ mà đã rất lâu, những loại cây trái ấy đi vào đời sống tinh thần của người dân. Bởi quy mô nhỏ khiến những loại trái này khó vươn tầm trên thị trường song, điều đó cũng chẳng sao khi mà lịch sử vẫn đang hiện diện trong đời sống người dân hôm nay và giúp làng quê bớt vẻ yên ắng, tĩnh mịch.

Anh bạn Việt kiều sau một lần tham quan, trải nghiệm ở vườn thanh trà Thủy Biều bảo, nếu trở lại Việt Nam, anh sẽ mua một lại một mảnh vườn thanh trà ven sông Hương, xây một homestay nhỏ đón khách du lịch tham quan trải nghiệm vườn cùng dòng sông di sản. Khách đến homestay của anh được thưởng thức thanh trà, trải nghiệm món ngon Huế và thả hồn vào dòng Hương thơ mộng, trên hết sẽ có những con người Huế kể chuyện lịch sử trái thanh trà và cả vùng đất Thần kinh.

Huế tiết trời đỏng đảnh, cây trái sinh tồn, chịu đựng không khác gì người dân bản địa. Năm 2020, thiên tai triền miên khiến nhiều vườn xanh chết giữa dòng nước, khiến nông dân gặp nhiều thứ khó. Ông Hồ Đăng Lào (xã Hương Toàn, TX. Hương Trà) ngoài làm nông, trọn một đời gắn bó với quýt Hương Cần, giữ quýt không chỉ giữ sinh kế mà giữ văn hóa của cả vùng đất. Bão lũ đi qua, trong mảnh vườn tan hoang, những gốc quýt lão vẫn trụ vững. Dẫu thở dài thành tiếng nhưng ông không quá buồn bởi màu xanh cây trái vẫn còn hiện diện. “Còn quýt lão thì vẫn còn nguồn gen. Từ những gốc này, vườn cây sẽ xanh trở lại. Giống quýt trứ danh sẽ không mất đi”, ông Lào lạc quan.

Những lá xanh rơi xuống mặt đất, lòng người cũng cảm thấy nhói đau, nông dân không lẻ loi trong việc níu giữ những giống cây lịch sử. Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Bão lũ gây thiệt hại cho nhiều loại cây đặc sản của Huế, nhất là thanh trà. Chúng tôi phối hợp với các chuyên gia nông nghiệp trên địa bàn để giúp nông dân phục hồi. Vừa qua cũng mời Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam tư vấn, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của nông dân khôi phục diện tích cây thanh trà. Trong lịch sử, những vườn cây này trải qua nhiều trận lũ và cũng thiệt hại nhưng chúng tôi luôn xác định đây là những giống cây lịch sử nên bằng mọi giá phải phục hồi”.

Bảo tồn gen quý

Những giống cây bản địa đặc sản của Huế mang trong mình giấc mơ của vùng đất, giấc mơ làm giàu con người chân chất, mộc mạc. “Từ quýt Hương Cần, mấy vụ trước, tôi thu nhập đến 80 triệu đồng/vụ. Nếu bảo tồn tốt về giống cây này mà nhân rộng chắc chắn sẽ cho thu nhập cao”, ông Lào bày tỏ.

Sen Huế đang tạo ra sinh kế cho người dân địa phương

Giống như các vùng đất khác, cây bản địa ở Huế được trồng từ lâu đời ở các địa phương, được thích nghi từ rất lâu qua quá trình chọn lọc tự nhiên, quá trình chọn lọc nhân tạo. Trầm tích văn hóa, đặc trưng vùng đất, điều kiện sinh sống khiến cho nhiều loại cây bản địa mang tính đặc trưng của Huế. Nhà nông học, TS. Lê Tiến Dũng trọn một đời nghiên cứu nông nghiệp. Dẫu Huế không phải là nơi ông sinh ra nhưng cây trái đặc sản góp phần níu chân ông ở lại. “Những giống cây đặc sản của Huế có thể trồng được ở những vùng đất khác nhưng giá trị sẽ không bằng, chất lượng sẽ không cao. Huế có lợi thế là nơi cây “sinh ra” nên phải giữ cho được màu xanh ấy”, ông Dũng khẳng định rồi gợi mở: “Thanh trà đang được trồng đại trà là hướng phát triển kinh tế chủ lực của một vài địa phương nhưng ngoài yếu tố kinh tế, con người cần tính đến phương án bảo tồn nguồn gen gốc, bản địa, làm điểm nhấn, nền tảng để phát triển những thứ khác như văn hóa, du lịch”.

Quýt Hương Cần - trái cây mang tính lịch sử

Có giai đoạn việc bảo tồn gen quý bị chững lại vì nhiều lý do, nhưng nay khi Nhà nước có nhiều sự quan tâm cho các loại cây đặc sản mang tính vùng miền và có giá trị kinh tế cao thì những nhà nghiên cứu, cơ quan chức năng tại Huế tập trung vào việc phục tráng loại cây này. Rất khó khăn nhưng chính bản thân của các giống cây này có sự thích nghi, chống chịu với tiết trời xứ Huế qua hàng trăm năm là mặt thuận. “Không phải ngẫu nhiên mà qua thời gian dài những giống cây đặc sản không mất đi, bởi nó đã gắn bó với Huế như “máu thịt”. Do vậy việc bảo tồn nguồn gen không chỉ là việc của nhà khoa học mà còn phụ thuộc vào ý thức người dân”, PGS.TS  Phan Thị Phương Nhi, Phó Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế nói.

“Bảo tồn các giống cây đầu dòng” – đó là giải pháp bà Nhi gợi mở đầu tiên để cho cây trái đặc sản xứ Huế vươn tầm. Về cơ bản, những giống cây đầu dòng vẫn còn hiện diện tại Huế, đây như là nguồn gen quý để nhân rộng. “Gen cây đặc sản vẫn còn, đó là tín hiệu mừng. Song, cần bảo tồn theo đúng phẩm chất, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng. Nghĩa là phải canh tác trồng trọt đúng kỹ thuật; bón phân phòng trừ sâu bệnh khoa học để tăng chất lượng… các khâu phải liên hoàn với nhau. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của giới chuyên môn Huế đang làm được, điển hình như 5 cây quýt Hương Cần đầu dòng đạt tiêu chuẩn. Bây giờ phải khích lệ nông dân nhân rộng bằng lợi ích kinh tế”, bà Nhi cho hay.

Việt Nam nói chung, Huế nói riêng có sự đa dạng về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng với nhiều loại cây trái. Trong màu xanh của Huế có những mảnh vườn lịch sử. Để cây trái xanh tươi và bền vững, trong buổi chia sẻ về lĩnh vực nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty Bagico, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam hiến kế: “Hoạt động đầu tư và xây dựng thương hiệu nông nghiệp không thể đi hàng ngang mà nên chọn phát triển một vài sản phẩm bản địa đặc sản cụ thể. Tôi đề xuất nông nghiệp Huế nên tập trung phát triển sen vì đây là loại cây trồng có giá trị khi có thể tận dụng tất cả từ lá sen, tơ sen, hạt sen, củ sen, ngó sen. Và còn vì sen Huế là một thương hiệu nổi bật".

Thanh trà Huế đang tạo ra những điểm nhấn du lịch, sinh kế; quýt Hương cần cũng được phục tráng, thậm chí trồng theo hướng hữu cơ; từ sen Huế tạo nên những món quà độc đáo như, trà sen, rượu sen; dâu Truồi vẫn còn hiện diện trong những vườn tược. Huế đã và sẽ xanh như thế, từ những mảnh vườn lịch sử.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Rèm xanh” cho căn nhà

Phủ xanh ngôi nhà bằng các loài cây leo là xu hướng được nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây. Như những “tấm rèm xanh” tự nhiên, những dàn cây leo không chỉ tăng tính thẩm mỹ mà còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ nắng mưa, tạo nên không gian xanh mát, trong lành và dễ chịu giữa chốn đô thị.

“Rèm xanh” cho căn nhà
Cơ hội phía trước

Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở hiện hữu về diện tích tự nhiên, địa giới hành chính và quy mô dân số.

Cơ hội phía trước
Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

Việc cắt tỉa cây, mé cành là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng trong mùa mưa bão. Vì vậy, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã chủ động thực hiện nhiệm vụ này.

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão
Bảo vệ cây xanh bằng nhiều cách

Cứ mỗi lần nghe tin sắp có bão lớn là nhiều người ăn ngủ không yên. Người ở nhà dưới cấp 4, nhà tạm thì lo nhà sập. Người ở nhà trên cấp 4 một tí thì lo gió làm tốc mái, lo cây đổ đè sập nhà, làm đứt đường dây điện chiếu sáng, đứt dây điện thoại, gây tai nạn chết người. Người ở nhà kiên cố, nhà rường thì lo sạt mái ngói. Người có xe ô tô đậu ngoài đường thì lo cây đổ đè hư hỏng.

Bảo vệ cây xanh bằng nhiều cách

TIN MỚI

Return to top