ClockThứ Năm, 19/11/2020 15:40

Tri ân cây

TTH - Cây xanh cổ thụ là một phần không thể tách rời của đô thị Huế và cũng là “chứng nhân” của những thăng trầm lịch sử. Với người Huế, khi một gốc ngã xuống, dù đó là cây xanh vừa mới được ươm trồng hay là cây cổ thụ trăm năm, ai cũng tỏ ra tiếc nuối như vừa mất đi một người bạn tri kỷ.

Cây xanh & tình người xứ HuếCây xanh xứ Huế

“Cây xà cừ số 13” bị gió bão quật ngã khiến nhiều người tiếc nuối 

Và Huế có một “người bạn tri kỷ” như thế vừa đổ ngã do bão số 13: Cây xà cừ số 13, hơn 100 năm tuổi.

Từ sáng sớm 5/11, ngay khi cơn bão vừa đi ra khỏi vùng ảnh hưởng Huế, chúng tôi nhận được tin báo rằng, “cây xà cừ số 13” xếp vào loại cổ thụ lớn nhất Huế trên đường Lê Duẩn, đoạn ngay trước mặt Bến xe Nguyễn Hoàng ngã đổ. Khi chúng tôi vừa có mặt, chưa đến 7h sáng, trời còn âm u, đã có rất nhiều người dân đứng ở đó, như thương tiếc, chia buồn với một người bạn thiên nhiên đã không chịu nổi trước sức mạnh của thiên tai.

Nghe tin, dòng người đổ về đây nhiều hơn. Họ đến, đứng một góc đường, người thì im lặng, tiếc nuối, người thì tranh thủ chụp một tấm hình kỷ niệm trước khi cơ quan chức năng di chuyển đến nơi khác.

“Nó ngã mà cũng biết hướng ngã anh ơi. Ngã vào mặt trong vỉa hè, không chắn đường, cản trở việc đi lại của bà con”, một người đàn ông trung niên đứng cạnh tôi nói. Tất nhiên đó là cách nói cảm tính. Nhưng từ cách nói ấy, có thể hiểu rằng, tình cảm mà ông cũng như nhiều người khác dành cho cây xanh Huế cũng như những hàng cây cổ thụ đang tồn tại trên nhiều tuyến đường của vùng đất này là rất thật, rất thiêng liêng.

Tôi từng đi qua đây, đứng dưới gốc cây này. Và rất nhiều người khác, cũng từng nương tựa vào gốc cây này. Gốc cây to, tán rộng che bóng mát một khoảng lớn, đủ chỗ cho hàng chục người ngồi ở phía dưới.

Đó là những gánh hàng rong của các O, các dì dừng chân nghỉ ngơi khi mỏi vai. Những bác xe ôm chờ khách nhưng những khi hẻo vắng có thể thư thả chợp mắt. Rồi những du khách từ bên bờ Nam đi qua, hay từ Nội thành đi ra sau khi tham quan Kinh thành Huế dừng chân nghỉ mát. Đó cũng là điểm mà nhiều người thường mượn làm “trạm trung chuyển”, đón xe để toả đi nhiều hướng… “Cây xà cừ số 13” đã đi vào đời sống bằng những chiều sâu, thực tế như thế.

“Anh thấy không, cái cây ni nó to lắm. Mấy người ôm không hết, gốc cây như cái phòng khách rộng lớn. Thân vạm vỡ như con voi. Càng lên cao toả tán rộng, bao giờ lá cũng rậm rạp và xanh. Nắng thì mát, mưa thì vừa đủ che, chắn gió”, nhiều người từng ngồi dưới tán cây cổ thụ này đã dành những lời mô tả như thế.

Và, rất nhiều hình ảnh kèm những ý kiến, bình luận ngập tràn trên mạng xã hội khi “cây xà cừ số 13” ngã xuống đường. Rồi người ta nghĩ, chính quyền sẽ làm gì với gốc cây, sẽ ứng xử với người bạn “cụ” tri kỷ ra sao.

“Xin đừng quên cụ. Hãy để cho người dân theo dõi, giám sát và bảo vệ cụ. Đừng để cụ rơi vào quên lãng. Nếu có ý định tạo ra một sản phẩm điêu khắc thì khi hoàn thiện hãy đặt tác phẩm ấy ngay vị trí “cụ” từng ngã xuống, để rồi chúng ta có thêm một điểm tham quan du lịch sáng tạo” – một người dân dùng mạng xã hội mong mỏi.

Là một trong những người trăn trở với sự phát triển đô thị, đặc biệt là đô thị xanh, Tân Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định cũng rất tiếc nuối khi phải nói lời chia tay và dành một “status” trên trang facebook cá nhân để tâm sự đôi dòng về “cây xà cừ số 13”. “Nếu cụ không qua được, cũng như số phận của hàng loạt cây cổ thụ khác trong thành phố đã nằm xuống qua những trận bão trong năm 2020 này, các cụ sẽ tiếp tục sống mãi với người dân thành Huế chúng ta”.

Và, ông Định đã giao cơ quan chức năng cố gắng trồng lại “cây xà cừ số 13” ở một nơi khác để cứu sống. Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cũng có chung tâm trạng như nhiều người. Ông lập lại nhiều lần: “Quá tiếc”. Sau khi cắt tỉa cành, đơn vị sẽ huy động các xe cẩu chuyên dụng cỡ lớn để di chuyển “cây xà cừ số 13” đi trồng lại, với hy vọng cây sẽ được cứu sống.

Vì thân cây quá đồ sộ, nên đơn vị dự tính sẽ di chuyển gần nhất có thể và phương án trồng lại ngay công viên cách vị trí vỉa hè cây ngã xuống không xa. “Trong trường hợp nếu không may mắn, “cây xà cừ số 13” không sống được, lãnh đạo thành phố cũng tính toán sử dụng thân gỗ của “cụ” để làm chất liệu cho một cuộc thi điêu khắc diễn ra trong Festival 2021. Và tác phẩm ấy khi hoàn thành sẽ trưng bày trong một không gian thích hợp để mọi người có thể tưởng nhớ”, ông Chinh chia sẻ.

Không chỉ tưởng nhớ. Một khi “cây xà cừ số 13” được hoá thân nó sẽ còn “để luôn nhắc nhở mọi người ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống...”, như lời ông Định chia sẻ.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gia cố cây xanh trước mùa mưa bão

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai cắt tỉa cây xanh và gia cố các cây xanh có nguy cơ gãy đổ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 20/9.

Gia cố cây xanh trước mùa mưa bão
Đừng làm đau cây xanh

Hiện nay, không ít cây xanh dọc các tuyến đường ở TP. Huế bị bao vây bởi xà bần bê tông, đinh, tấm bảng quảng cáo, dây treo... dưới gốc hay trên thân cây. Chỉ vì sự "vô cảm", thiếu ý thức của một số người mà nhiều cây xanh vốn có dáng đẹp, giúp làm sạch, làm mát cho đô thị trở nên nhếch nhác, èo uột.

Đừng làm đau cây xanh
Cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão

Để bảo vệ cây xanh và phòng tránh cây đổ ngã trên các tuyến phố trong mùa mưa bão, Trung tâm Công viên cây xanh (CVCX) Huế đã và đang triển khai cắt tỉa cành, hạ độ cao và cắt cây trên toàn địa bàn TP. Huế.

Cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão
Nhà có “rèm” cây xanh

Để chắn nắng và giảm nhiệt cho mặt tiền, đồng thời tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà, nhiều gia chủ chọn giải pháp thiết kế “rèm” cây xanh. Những khoảng không nhà xen lẫn “rèm” cây xanh mát giúp gia chủ hòa mình với thiên nhiên và thư giãn cho đôi mắt.

Nhà có “rèm” cây xanh

TIN MỚI

Return to top