ClockThứ Tư, 12/04/2023 07:55

Bỏ đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn trong Luật Nhà ở sửa đổi

Tiếp thu, giải trình ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng không đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn vào trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đó, người dân vẫn được sở hữu chung cư vĩnh viễn.

Khắc phục tồn tại, phát huy nguồn lực đất đaiĐịnh hướng quy định thuế suất Thuế bất động sảnTriển khai tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

leftcenterrightdel
 Người dân vẫn được sở hữu chung cư vĩnh viễn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Theo Bộ Xây dựng, sau khi xem xét dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), tại Thông báo số 2101/TB-TTKQH ngày 21/3/2023 và Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 1546/BC-UBPL15 ngày 16/3/2023, cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật đều đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Lý do là liên quan đến việc chấm dứt quyền sở hữu một loại tài sản có giá trị lớn, là vấn đề nhạy cảm và còn những ý kiến chưa thống nhất. Do đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị tiếp thu, rút quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (bỏ các Điều 25, 26 quy định về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư).

Tuy nhiên, dự thảo Luật Nhà ở vẫn bổ sung, làm rõ nội dung về thời hạn sử dụng, trường hợp phá dỡ nhà chung cư; làm rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Từ đó, có cơ sở để xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc đang diễn ra thực tế hiện nay.

Tại dự thảo Luật Nhà ở lúc đầu, Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì soạn thảo đã đưa ra 2 phương án về sở hữu nhà chung cư; trong đó, phương án 1 bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư; phương án 2 không quy định về sở hữu nhà chung cư.

Còn tại tờ trình mới nhất gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đưa ra 1 phương án duy nhất sở hữu nhà chung cư cần có thời hạn. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Liên quan đến nội dung sở hữu chung cư có thời hạn, ngay khi dự thảo được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi đã gặp không ít ý kiến phản đối. Ngay như trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đa số ý kiến không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn với những lý do chưa phù hợp, gây nhiều hệ lụy về pháp lý và có thể dẫn đến hệ quả mất cân đối cung cầu trong lĩnh vực nhà ở.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhận xét, đa số người dân có tâm lý coi nhà ở; trong đó có căn hộ chung cư vừa là tài sản dùng để ở, thụ hưởng vừa là của cải để dành. Việt Nam là nước đang phát triển, có thể còn mất nhiều năm nữa mới đạt mức GDP 7.000 USD/người, nên giá trị bất động sản, nhà đất, nhất là đất, thường có xu thế tăng giá theo thời gian.

“Nếu chọn sở hữu chung cư có thời hạn, trên thực tế sẽ vẫn tồn tại song song 2 loại căn hộ nhà chung cư được sở hữu không xác định thời hạn (theo quy định cũ) hoặc sở hữu có thời hạn trong khoảng 100 năm tiếp theo (với đề xuất tại Dự thảo Luật Nhà ở mới). Điều này làm tăng thêm gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện do phải đồng thời vừa quản lý đối tượng mới là nhà chung cư sở hữu có thời hạn, vừa phải quản lý “đối tượng cũ” là nhà chung cư sở hữu không xác định thời hạn” - ông Châu nêu vấn đề.

Đồng quan điểm, ông Phạm Duy Nghĩa - Trọng tài viên VIAC, giảng viên Đại học Fullbright cho rằng, miếng đất hay căn hộ đều là tài sản. Luật can thiệp đến tài sản nên người dân, doanh nghiệp đang rất quan tâm. Nếu đi vào càng chi tiết, càng sâu… sẽ càng gặp rất nhiều vấn đề.

"Quy định sở hữu chung cư 50 năm hay 70 năm, như vậy là can thiệp vào quyền tài sản. Vậy mục đích cuối cùng là gì, có phải an toàn hay khả năng lưu thông? Đề nghị cơ quan chức năng phải quan tâm đến gốc của vấn đề là quyền tài sản, quyền tự do giao dịch... Quyền của người dân nên quy định trong luật dân sự và không nên thay đổi. Quyền tài sản của dân, quyền giao dịch của doanh nghiệp không nên nay sửa, mai sửa” - ông Nghĩa phân tích.

Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như nêu trong Thông báo 2101/TB-TTKQH là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (bỏ Điều 25, 26 trong dự thảo). Tuy nhiên, có bổ sung, làm rõ nội dung về thời hạn sử dụng (tại Điều 60 của dự thảo), các trường hợp phá dỡ nhà chung cư (tại Điều 61 của dự thảo), trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (từ Điều 62 đến Điều 72 của dự thảo) để có cơ sở xử lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng giá trị kinh tế khi sản phẩm được xác lập quyền sở hữu

Bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ pháp lý đắc lực nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm. Khi càng có nhiều sản phẩm được bảo hộ thì danh tiếng, uy tín của sản phẩm vùng, địa phương trong tỉnh càng giá trị hơn. Đặc biệt, sản phẩm địa phương khi được bảo hộ quyền SHTT sẽ thuận lợi hơn khi vào các thị trường lớn.

Tăng giá trị kinh tế khi sản phẩm được xác lập quyền sở hữu
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Những lợi ích có thể bạn chưa biết khi sở hữu chữ ký đẹp

Một chữ ký đẹp không chỉ là một dòng chữ văn bản thuần túy mà còn mang đến nhiều ý nghĩa, ngầm khẳng định phong cách và cá nhân của mỗi người. Việc sở hữu một chữ ký đẹp mang đến rất nhiều lợi ích không ngờ mà nhiều người có thể chưa nhận ra. Vậy lợi ích đó là gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Những lợi ích có thể bạn chưa biết khi sở hữu chữ ký đẹp
Báo động tình trạng trộm ở chung cư

Một đường dây trộm mô tô tại các chung cư (CC) đã bị lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế triệt xóa. Các đối tượng thực hiện hành vi này đều đang trong lứa tuổi thanh, thiếu niên (TTN). Đây là vấn đề đáng báo động trong xã hội hiện nay và việc quản lý an ninh tại các CC cũng cần phải chặt chẽ hơn.

Báo động tình trạng trộm ở chung cư

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top