ClockThứ Năm, 22/08/2019 14:00
NGUY CƠ MẤT AN TOÀN, AN NINH NƯỚC:

Cần giải pháp dài hơi – bài: 1: Nước nguồn khan hiếm

TTH - Nắng nóng kỷ lục khiến nước nguồn tại các khe suối, sông hồ suy giảm, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt người dân.

"Nước 4.0 cơ hội và thách thức"Khi đồng tiền đi liền khúc ruộtGắn cấp nước an toàn với an ninh nước

Thi công cải tạo nhà máy Tứ Hạ

Quá tải

Những tháng đầu năm 2019, nhiệt độ trung bình cao hơn cùng kỳ năm trước gần 3 độ C. Nắng nóng kéo theo nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng cao, trong khi nước nguồn tại các khe, suối khô cạn, suy giảm khiến nguồn nước cấp bị ảnh hưởng.

Với công suất thiết kế 8.000 m3/ngày đêm (m3/ngđ), trước đây, Nhà máy nước sạch Chân Mây chỉ vận hành khoảng dưới 7.000 m3/ngđ . Nhà máy này sử dụng nguồn nước từ khe Mệ (suối Voi) và Bàu Ghè phục vụ cấp nước cho 7.801 hộ dân khu vực thị trấn Lăng Cô và 3 xã Lộc Vĩnh, Lộc Thủy, Lộc Tiến cùng khu du lịch Laguna. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến giữa tháng 8, nhà máy phải vận hành với công suất tương đương công suất thiết kế trong khi nước nguồn về thấp, phải tìm kiếm các giải pháp bổ sung nguồn nước dự phòng.

Tại khu vực thượng nguồn suối Voi, mực nước chảy tràn khá chậm. Nếu thời điểm này năm trước, nước qua đập vẫn đáp ứng nhu cầu nước của nhà máy, hoạt động du lịch lẫn tưới tiêu thì hiện tại phải ưu tiên cho sử dụng nước sinh hoạt.

Ông Trần Bình Phương, Tổ trưởng Tổ quản lý vận hành nhà máy nước Chân Mây cho biết: “Người dân kinh doanh dọc suối phải dùng bạt giữ nước phục vụ du lịch. Lượng nước thu về từ đập chính khe Mệ chỉ đạt 262 m3/giờ, tối đa là 6.286 m3/ngđ (công suất nhà máy 8.000 m3/ngđ). Nếu mọi năm, công ty chỉ cần thu khoảng 20% đến 40% lượng nước qua đập phục vụ sản xuất nước sạch thì thời điểm này lượng nước thu chiếm gần 60% đến 70% lượng nước qua đập”. Nguồn nước tại nhà máy Chân Mây thiếu hụt khoảng 1.512 m3/ngđ (63 m3/giờ). Hai bể dự phòng có dung tích mỗi bể 8.600 m3/bể chỉ đảm bảo cấp bù trong 8 ngày.

Quản lý chất lượng nước bằng hệ thống tự động tại Nhà máy nước Quảng Tế 1

Ở A Lưới, tình trạng cũng không mấy khá hơn khi nguồn nước đập chính Tà Rê (cấp nước cho người dân  thị trấn A Lưới và một phần xã Nhâm, A Ngọ, Hồng Thái…) cạn kiệt nước sớm hơn mọi năm. Theo quan sát, tại đập chính Tà Rê, mức nước lòng hồ thấp hơn thành đập chính gần 55 cm (thấp hơn thành tràn cửa thu 10 cm); mức nước bên trong hố thu thấp hơn mức nước lòng hồ 20 cm (thấp hơn thành tràn cửa thu 25 cm). Mức nước bể trung gian chỉ còn khoảng 20%, tương đương 50 m3. Sơn Thủy nước nguồn cũng giảm 336 m3/ngđ (46,7% so với năm 2018); Nhà máy Phú Vinh lượng nước nguồn giảm còn 84 m3/ngđ (25%).

Thống kê từ Nhà máy nước A Lưới cho thấy, giữa tháng 7/2019,  tổng nguồn nước thu về giảm 480 m3/ngđ (16,7% so với 2018) và đang có xu hướng giảm thêm nhanh qua các đợt nắng nóng. Nguy cơ thiếu nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân đang ở mức cao nếu trời tiếp tục nắng gắt.

Giải pháp tình thế

Thời tiết nắng nóng bất thường, nhu cầu dùng nước tăng nhanh, nếu giai đoạn 2013 - 2018 sản lượng nước chỉ tăng 3 đến 4,5%/năm thì 7 tháng đầu năm 2019 sản lượng nước tăng đột biến, đạt 31,976 triệu m3, tăng 3,605 triệu m3 (tăng 11,6%) so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc HueWACO lý giải, dù chưa phải là thời kỳ cao điểm dùng nước hàng năm, nhưng trong những tháng đầu năm 2019 đã có 63 ngày sản lượng nước vượt trên ngày dùng nước lớn nhất 2018 (181.298 m3/ngđ). Trong đó, sản lượng nước sản xuất đạt mức kỷ lục 201.505 m3/ngđ, vượt 22.011 m3/ngđ (11,15%) so với ngày cao điểm 2018. Hiện tại, các nhà máy của Công ty đã vận hành vượt công suất, kể cả công suất tạm thời.

Theo quy hoạch cấp nước,  năm 2020 HueWACO phải trả lại NM Dã Viên cho tỉnh để thực hiện quy hoạch khu du lịch. Trong khi để đáp ứng nhu cầu dùng nước của thành phố Huế và vùng phụ cận đang tăng cao, HueWACO phải vận hành NM này hơn 93 ngày với công suất từ 800 đến 16.150 m3/ngđ. Các nhà máy khác cũng phải hoạt động vượt công suất để đảm bảo cấp nước trong thời gian cao điểm. Các NM Quảng Tế, Tứ Hạ, Phú Bài, Phong Thu đều phải vận hành với công suất tạm thời cao gấp 2 đến 3 lần so với công suất thiết kế. Giải pháp bổ cập nước ngầm từ nguồn nước mặt của hệ thống cấp nước TP. Huế vào mùa đông để tái xử lý cũng được triển khai.

Tuy nhiên theo ông Hân, đó chỉ là những giải pháp tạm thời đáp ứng nhu cầu trước mắt, không đảm bảo cấp nước trong giai đoạn tiếp theo. Bởi 4 nhà máy Quảng Tế 1, Dã Viên, Tứ Hạ, Phú Bài phải ngừng hoạt động theo quy hoạch trong thời gian tới. Việc ngừng hoạt động 4 nhà máy này sẽ khiến khu vực thành phố Huế và vùng phụ cận thiếu nước từ 76.000 đến 82.000 m3/ngđ. Nếu không có giải pháp lâu dài, sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn, an ninh nước của tỉnh nói chung, thành phố Huế và phụ cận nói riêng.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Bài 2: Đầu tư hạ tầng, công nghệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững

Huy động nguồn lực, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển, tận dụng các lợi thế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ giúp Huế khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách, hướng đến giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách trung ương.

Đồng bộ giải pháp để thu ngân sách bền vững
Return to top