Chậm sửa chữa
Chung cư Xuân Phú đi vào vận hành giai đoạn 1 từ tháng 6/2017 (khu A), riêng khu B mới đi vào vận hành từ tháng 8/2017. Hiện, cả 2 khu đã có hơn 80% cư dân bắt đầu ổn định cuộc sống. Sau khi nhận bàn giao và dọn về nơi ở mới, nhiều vấn đề trong quản lý và vận hành tại chung cư bắt đầu nảy sinh; trong đó, một số vấn đề tồn tại trong thời gian dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Cư dân chung cư phản ánh phí quản lý chung cư quá cao
Giữa tháng 6/2018, tại một cuộc họp nội bộ của một số cư dân thuộc 2 khối A, B, một số khách hàng chia sẻ: Căn cứ hợp đồng mua bán nhà, nhiều hộ dân đã thanh toán hết hoặc thanh toán theo lộ trình thỏa thuận với chủ đầu tư (CĐT) nhưng từ khi vào ở đến nay chưa nhận được biên bản bàn giao nhà kèm theo thời hạn bảo hành được ghi trong hợp đồng.
Ông H.M.H (Khu B) nói: "CĐT chưa làm rõ các khoản tiền phát sinh mà các hộ dân phải nộp (khoản phát sinh này phải được Sở Xây dựng thẩm định). Ngoài ra, CĐT đã thu tiền của các hộ dân để mua bình chữa cháy cho từng nhà nhưng đến nay chưa cấp cho các hộ. Một số hạng mục phát sinh nhưng ở một số căn hộ, người dân không có nhu cầu sử dụng, đề nghị CĐT hoàn trả phần chi phí cho hạng mục đó mà người dân đã đóng như: đường dây điện chờ đèn trần, đường ống thoát khí ga".
Khách hàng còn phản ánh, hiện nhiều hộ ở cả nhà A và B xuất hiện tình trạng thấm nước (nước mưa từ bên ngoài hoặc nước sinh hoạt rò rỉ từ đường ống dẫn nước), dù đã báo cho CĐT nhưng chưa được khắc phục .
Phí quản lý chung cư quá cao (?)
Theo ông Q.L (khu B), tại phiên họp chung cư ngày 10/9/2017, các hộ dân chưa nhất trí với mức thu quản lý chung cư 4.500 đồng/m2 sử dụng mà chỉ thống nhất yêu cầu phía CĐT tổng hợp chi phí quản lý trong 3 tháng (từ tháng 10-12/2017), trên cơ sở đó tính mức thu cho hợp lý, tương đồng chất lượng cung cấp các dịch vụ.
Cư dân chung cư Xuân Phú chưa đồng tình với cách giải quyết của chủ đầu tư
Tuy nhiên, trong bảng tổng hợp chi phí mà ban quản lý chung cư (BQLCC) do CĐT thành lập, thông báo ngày 28/3/2018 có nhiều khoản mục chưa rõ ràng cần làm rõ. Cụ thể, bảng tổng hợp chi phí chưa thể hiện tổng chi phí của cả 2 khu (A và B) hay chỉ riêng 1 khu; khoản chi phí tổ chức hội nghị chung cư lần 1 vào tháng 9/2017 hơn 6,6 triệu đồng là quá cao. BQLCC cần thông báo chi tiết các khoản chi và phải có hóa đơn, chứng từ cụ thể.
Số khác lại cho rằng, vấn đề không phải là phí quản lý thấp hay cao, mà ở sự minh bạch trong chi tiêu của CĐT. Thu phí quản lý chung để đảm bảo công tác vận hành, sử dụng chung cư chứ không phải hoạt động kinh doanh, nên không tính đến lợi nhuận và phải đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Để giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến chi phí vận hành chung cư, CĐT cần tổng hợp cụ thể, chi tiết các khoản chi vận hành chung cư theo từng khối nhà từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2018. BQLCC, tổ tự quản sẽ thay mặt các hộ dân phối hợp với CĐT làm rõ các khoản chi.
Đối với những khoản chi không hợp lý, đề nghị loại bỏ khỏi bảng chi phí; những khoản hợp lý thì phải có hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc sổ theo dõi giao-nhận tiền có chữ ký rõ ràng theo đúng quy định của pháp luật. Tổng nguồn chi này sẽ tính đều cho tổng số chủ hộ dân đã nhận bàn giao nhà (bao gồm cả căn hộ thương mại CĐT đã bán hoặc cho thuê); từ đó có được mức phí bình quân/m2 làm căn cứ để các hộ dân nộp phí.
Ngoài ra, việc thu tiền xe máy của khách là người thân và bạn bè của chủ căn hộ là không hợp lý, bởi tiền thu tiền xe máy như hiện nay là cao; cần gộp khoản thu này vào tổng thu phí quản lý chung cư.
Đại diện ban tự quản, ông H.M.H (khu B) kiến nghị: CĐT phải tổ chức hội nghị chung cư lần đầu (hội nghị lần trước chưa đúng với các quy định theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng) để thống nhất mức thu phí chung cư và bầu ban quản trị chung cư nhằm đưa 2 khu chung cư vào hoạt động ổn định trong tháng 6/2018, tạo sự đồng thuận trong cư dân.
Hoàng Loan