Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Túy Loan- La Sơn
Gỡ vướng mặt bằng, bãi thải
Theo ghi nhận tại hiện trường, các đơn vị thi công đang triển khai công việc tập trung, tích cực. Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh thông tin, toàn bộ các gói thầu xây lắp đã đồng loạt thi công. Hiện tiến độ đạt hơn 20%, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Dự kiến từ quý III/2021, các gói thầu khởi công sớm sẽ hoàn thành và cán đích chậm nhất vào quý I/2022. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt kết quả tích cực. Hiện, tận dụng tối đa thuận lợi công tác GPMB, sự chỉ đạo sâu sát của Bộ GTVT, địa phương để đẩy tiến độ thi công nền đường, kết nối đường công vụ...
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ có mặt tại hiện trường cũng chỉ đạo UBND TX. Hương Thủy và Hương Trà bàn giao dứt điểm mặt bằng DA chậm nhất cuối tháng 7/2020. Tỉnh đang chỉ đạo tập trung xử lý tồn đọng, vướng mắc mặt bằng với chiều dài còn khoảng 2km trên đoạn dự án 58km qua địa bàn Thừa Thiên Huế.
Theo Ban Quản lý DA, DA có khoảng 31 vị trí bãi thải được địa phương chấp thuận cần sớm bàn giao mặt bằng, đảm bảo kết nối các tuyến đường công vụ nội tuyến liên tục, triển khai đồng bộ các dây chuyền thiết bị, điều phối vật liệu dọc tuyến... Tuy nhiên, vướng mắc lớn hiện nay là vấn đề bãi thải, nguồn vật liệu đất đắp... Ngoài 8 triệu khối đất thải, các gói thầu cần khoảng 1,5 triệu khối đất đắp nhưng các mỏ đất trên địa bàn đều bị giới hạn công suất khai thác, đồng thời đẩy giá đất lên so với giá vật liệu trong đơn giá trúng thầu nên gây khó khăn cho các nhà thầu và làm chậm tiến độ đắp nền. Ban Quản lý DA đã có báo cáo lên Thủ tướng và đề nghị địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm, niêm yết công khai đơn giá vật liệu theo khung giá được tỉnh ấn định...
Kiểm soát chặt nguồn vật liệu
Công nhân thi công tại công trường cầu Tuần 2 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi nhận nỗ lực triển khai DA, GPMB của địa phương, các đơn vị chức năng. "Toàn tuyến DA không còn vướng mắc nhiều, nhìn chung tích cực. Những vướng mắc mặt bằng còn lại, đề nghị lãnh đạo tỉnh tập trung xử lý dứt điểm tạo công địa thi công liên tục cho DA", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý công tác kiểm soát nguồn vật liệu, chuẩn hóa từ điểm mỏ, đến trữ lượng, công tác tập kết. Theo Bộ trưởng, rút kinh nghiệm từ những DA vừa qua, công tác vật liệu cần sự chủ động, không được lơ là, chủ quan. Đồng thời, đề nghị chính quyền tỉnh cần có sự kiểm tra, kiểm soát đơn giá vật liệu ở các điểm mỏ, tránh sự đẩy giá. "Không đảm bảo nguồn vật liệu sẽ phá vỡ tiến độ nền đường. Tỉnh cần có cơ chế để tăng năng suất, đồng thời rà soát thủ tục, quy trình cấp các điểm mỏ, áp thuế đất để kiểm soát trữ lượng, đơn giá vật liệu theo đúng quy định", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là DA trọng điểm quốc gia nên các công trình trên toàn tuyến phải đảm bảo thi công an toàn, đúng tiến độ, có chất lượng và mỹ quan. Chỉ đạo Ban Quản lý DA, ngành chức năng rà soát lại công tác triển khai đường gom, các điểm giao cắt với đường hiện hữu, hệ thống thoát nước... Ban cần chủ động phối hợp địa phương để rà soát hệ thống thoát nước trong bối cảnh thiên tai phức tạp, ưu tiên cầu vượt, hầm chui khu vực giao cắt đường hiện hữu để không ảnh hưởng đến người dân... Tập trung thông xe sớm nền đường trước mùa mưa bão năm nay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tặng quà cho các đơn vị thi công dự án
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Ban Quản lý DA có thống kê ngay các vấn đề hay phát sinh trong quá trình triển khai các DA cao tốc để chủ động giải pháp xử lý, tháo gỡ, đưa dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn thành DA chuẩn trong quá trình triển khai xây dựng. Đồng thời, đề nghị địa phương lập đường dây nóng để giám sát, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân vùng dự án về những vấn đề môi trường, hư hỏng đường dân sinh... báo Ban Quản lý DA để xử lý kịp thời, không gây bức xúc trong dân.
Vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ giao chủ tịch UBND địa phương chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý DA để có đề xuất, bổ sung vị trí cầu, cống, thoát nước và tiếp nhận phản ánh người dân. Đồng thời, mong muốn người dân và chính quyền cùng giám sát quá trình thi công các DA tại địa phương mình.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác có chuyến thị sát cao tốc La Sơn - Túy Loan. Bộ trưởng ghi nhận đánh giá cao công tác GPMB tốt của Thừa Thiên Huế đã giúp cho Ban Quản lý DA sớm hoàn thành. Bộ trưởng chỉ đạo Ban Quản lý DA tập trung gấp rút hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông và các khối lượng bổ sung để sớm đưa tuyến cao tốc vào sử dụng.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn nối 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với chiều dài tuyến khoảng 98,3km. Điểm đầu: Km0+00 (trùng với Km10+380/QL9, huyện Cam Lộ, Quảng Trị); điểm cuối: Km98+350 (trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Tuý Loan, thuộc địa phận huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Các đoạn tuyến thông thường có mặt đường 11m, nền 12m, các đoạn nền đào sâu, vượt xe có mặt rộng 21,5m, vận tốc thiết kế 80km/giờ. DA có tổng mức đầu tư khoảng gần 7.700 tỷ đồng. Tháng 9/2019, 2 gói thầu đầu tuyến Cam Lộ được khởi công. |
Bài, ảnh: Thái Bình